Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết, tặng quà cho thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng mà hãy dành thời gian chủ động tập trung chăm lo Tết cho nhân dân. Lời chỉ đạo này của Thủ tướng Phúc mang lại nhiều cảm xúc với tôi, một chút vui nhưng cũng có một chút nặng lòng.
Khỏi phải nói, Tết năm nay ở Việt Nam chắc chắn sẽ giảm tải gánh nặng lên hệ thống giao thông so với những năm trước. Cảnh nhiều người nội thành Hà Nội chạy ngược chạy xuôi, mua cái này xin cái nọ, nghĩ ra nhiều món hàng độc-đẹp-lạ hay đắt tiền để tặng “ông này bà nọ” chắc sẽ không còn nhộn nhịp đến khó chịu như những năm trước. Kẹt xe, vốn là đặc sản những ngày cuối năm của Hà Nội, vì thế cũng có cơ sở để giảm đi phần nào. Đó là chưa kể các đoàn xe từ các tỉnh lân cận cũng sẽ không còn rồng rắn nối đuôi nhau về thủ đô chúc Tết lãnh đạo các bộ ban ngành của đất nước.
Một sự phấn khởi khác nằm ở tính biểu tượng của một quốc gia tìm kiếm giải pháp xây dựng một nhà nước trong sạch. Việc lãnh đạo Chính phủ lên tiếng mạnh dạn trước công chúng và báo chí cho thấy phần nào nỗ lực cắt giảm những hoạt động mang tính hình thức vô bổ, ẩn chứa những tiêu cực như nạn đút lót, chạy chọt, hối lộ hay bôi trơn thông qua những dịp lễ tết. Tôi không chắc rằng nạn tham nhũng hối lộ có giảm thật sự hay không, nhưng chỉ thị của thủ tướng sẽ là cơ sở để dân chúng, báo chí, các đơn vị truyền thông, các tổ chức dân sự có thể giám sát nhất cử nhất động của các quan chức. Giờ thì ai cũng biết thủ tướng cấm việc chúc Tết biếu quà, thế nên cứ quan chức nào không làm theo, Tết vẫn cứ dập dìu nhau hết nhà ông to này đến nhà bà lớn nọ, thì dân cũng có cơ sở để phản ánh.
Nói như vậy cũng không làm tôi giấu hết được những băn khoăn trong lòng. Tôi rất đồng ý với quan điểm rằng ngày Tết thăm nhau, tặng nhau cân trà hộp mứt, âu cũng là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Tôi thấy ở Tây, họ cũng thường làm như vậy vào dịp Giáng sinh hay đầu năm mới. Nhưng một khi nét văn hóa này đã bị biến tướng, là vỏ bọc mỹ miều cho những toan tính, vụ lợi, là chuyện “bà đưa chân giò ông thò chai rượu”… thì chuyện biếu xén, quà cáp ngày Tết thực sự đã trở thành một thứ tệ nạn. Suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nạn “mượn dịp Tết nói chuyện làm ăn”.
Tuy nhiên nếu được nói chuyện với Thủ tướng Phúc, tôi sẽ thẳng thắn nói rằng Tết không phải là dịp duy nhất để nạn hối lộ, đút lót, chia chác những đồng tiền tiêu cực hay bất lương. Và đến lúc này, quà cáp kiểu phong bì nhét vào chai rượu, gói trà, hộp mứt không còn là hình thức hối lộ, tham nhũng an toàn được giới quan tham ưa chuộng sử dụng. Tôi có thể nói với ông về những chuyến du lịch đắt tiền, những gói tài trợ, những ưu đãi cho người thân quan chức, những gói tiền lót tay mà đến kính hiển vi cũng khó có thể soi rọi. Những hình thức đó liệu hiện nay còn tồn tại ở xã hội Việt Nam không? Hơn ai hết, chính thủ tướng sẽ hiểu rõ và nắm tình hình.
Việc cấm quan chức chúc Tết hay tặng quà Tết, một phần làm mất đi cái vẻ đẹp tình người trong xã hội. Không lẽ làm quan chức thì không được đến thăm nhau? Quan chức cũng là con người cả. Nhưng không cấm thì lại lo tiêu cực. Vậy nên mới thấy rằng, để triệt tiêu hối lộ hay tham nhũng, mấu chốt không phải là cấm người ta tiếp xúc với nhau, mà là phải soi rọi hết những tiếp xúc đó bằng lăng kính giám sát của luật pháp, của xã hội dân sự. Việc cấm chúc Tết, tặng quà Tết cũng chỉ mang tính biểu tượng nhất thời, không giải quyết triệt để nạn hối lộ và tham nhũng trong dài hạn.
Làm sao để minh bạch hóa những tiếp xúc của quan chức với nhau? Tôi nghĩ phải gia tăng sự tham gia giám sát của các tổ chức dân sự, mở rộng các đường dây nóng có thể thông báo kịp thời các hoạt động đút lót, hối lộ. Tất nhiên, người cầm trịch đường dây ấy bản thân phải là quan thanh liêm, dám nói dám làm, dám xử lý mạnh tay theo triết lý thượng tôn pháp luật, quan mắc tội xử như dân.
Ở tầm vĩ mô, việc quản lý các vấn đề thăng quan tiến chức (nhân sự); các dự án kinh tế có liên quan đến đấu thầu; các dự án xã hội có liên quan đến phúc lợi người dân, ngân sách nhà nước; các hoạt động chống tham nhũng... đều phải trên cơ sở dân biết, dân giám sát thông qua hệ thống báo chí tự do, hệ thống các cơ quan dân sự có quyền lên tiếng. Luật pháp phải nghiêm minh, xử phạt nặng các trường hợp tham nhũng, hối lộ. Có vậy thì mới mong bứng được cái gốc tham nhũng, chứ cấm đi chúc Tết thì người ta cũng nghĩ ra hàng tá dịp khác trong năm để có thể tiếp xúc mờ ám với nhau. Thậm chí cũng không cần đến dịp lễ, Tết; con sâu tham nhũng hối lộ còn thì bất kỳ lúc nào nó cũng có thể tấn công xã hội, tấn công đất nước.
Muốn xây dựng một nhà nước trong sạch để người ta vẫn có thể tự tin, thoải mái chúc tụng nhau ngày Tết, thì cơ chế quản lý đất nước phải minh bạch và cơ chế xử lý tội phạm phải nghiêm minh.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.