Trong một thập kỷ rưỡi qua ở Campuchia, Madeleine de Langalerie đã chứng kiến sinh hoạt nghệ thuật của nước này phát triển chậm chạp. Khi nhà báo Pháp lần đầu tiên chuyển tới đây sinh sống 15 năm trước, bà nhận thấy tài năng trong tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ, nhưng lại khó tìm thấy điểm độc đáo trong các tác phẩm đó.
Bà nói: ‘Tôi nghĩ ngay từ lúc đầu, họ tìm cách sao chép vì đó là điều duy nhất để làm. Nhưng qua truyền hình, cộng với ảnh hưởng từ bên ngoài, từ Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, chủ yếu là Nhật Bản, tôi nghĩ họ bắt đầu thấy được những thứ khác’.
Ngày nay, những phòng tranh cao cấp mới nở rộ khắp thành phố, trưng bầy tác phẩm sáng tác trong nước của các tài năng ở địa phương. Một số ít các nghệ sĩ Campuchia đã được chú ý ở nước ngoài.
Nhưng điều nhiều nghệ sĩ trẻ cần là một cú hích thêm nữa để những người mua quốc tế chú ý.
Đó là ý tưởng dẫn tới việc tổ chức một đợt đấu giá nghệ thuật mang tính quốc tế tại thủ đô Phnom Penh. Hôm Chủ Nhật vừa qua, một người tổ chức đấu giá của Christie’s chủ trì buổi lễ đấu giá cao cấp đầu tiên của nước này. Doanh thu từ buổi đấu giá từ thiện sẽ được dành tặng cho một tổ chức nghệ thuật địa phương.
Nhưng de Langalerie nói rằng giá trị thật sự nằm ở chỗ các nghệ sĩ ít được biết tiếng cùng các phòng tranh ủng hộ họ sẽ có cơ hội quảng bá ra bên ngoài.
Bà nói: ‘Tôi nghĩ cần phải thúc đẩy nỗ lực này nhằm đưa Phnom Penh trở thành một nơi tốt đẹp cho nghệ sĩ. Nếu bạn nghĩ về nghệ sĩ, có lẽ bạn nên tới và xem các phòng tranh ở Phnom Penh’.
Các nghệ sĩ như họa sĩ Peap Tarr có cơ hội hưởng lợi. Nghệ sĩ người New Zealand gốc Campuchia có hai tác phẩm sáng tác chung được mang ra đấu giá, trong đó có một bức tranh sơn dầu với các họa tiết phức tạp, khổ lớn hơn 4 mét vuông.
Tarr bắt đầu sự nghiệp nghệ sĩ chuyên vẽ trên các bức tường hay những chỗ công cộng tại New Zealand, nơi anh sinh trưởng. Nhưng dần dần, anh bắt đầu kết hợp phong cách và yếu tố mà anh thừa hưởng của Campuchia vào tác phẩm của mình.
Anh nói: ‘Có yếu tố độc đáo xuất phát từ Campuchia. Có một di sản lâu đời, một di sản văn hóa và nghệ thuật một nghìn năm tuổi. Hy vọng mọi người sẽ hiểu được điều đó. Theo một cách nào đó, tôi nghĩ nó sẽ thu hút thêm được sự tôn trọng dành cho văn hóa Khmer. Và tôi nghĩ nó cũng sẽ mang lại thêm niềm tự hào cho người Khmer. Theo một cách nào đó, văn hóa và nghệ thuật sẽ mang tính văn hóa và lòng tự trọng trở lại cho người dân.
Vào buổi chiều, một phòng hội của khách sạn gần kín người, nhưng phần đông là người tới xem một số ít các nhà mua đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Ở phía đầu phòng, người chủ trì buổi đấu giá Lionel Gosset vui đùa khuyến khích người mua trả giá cao hơn.
Đám đông vỗ tay khi tác phẩm được nhiều người muốn mua nhất, một cây rau muống lớn được đan bằng mây tre, bán được tới 9 nghìn đôla.
Vào cuối buổi chiều, người mua đã mua hết 40 tác phẩm, với giá tổng cộng là 40 nghìn đôla. Ông Gosset nói rằng đây là một dấu hiệu thuận lợi cho sinh hoạt nghệ thuật của Campuchia.
Ông nói: ‘Tôi nghĩ phòng đấu giá đông người, và đó là một dấu hiệu tốt cho Campuchia. Điều đó có nghĩa rằng nghệ thuật Khmer rất thu hút. Các kết quả khá tốt. Đó là một kết quả tốt’.
Đối với họa sĩ Lisa Mam, đây là lần đầu tiên cô bán tác phẩm nghệ thuật của mình tại một buổi đấu giá. Cô nói rằng cô muốn chứng tỏ rằng các nghệ sĩ Campuchia có thể kết hợp nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của nước mình với một sức sống mới’.
Cô nói: ‘Nghệ thuật của Campuchia sẽ là một điều gì đó thực sự mới mẻ. Giống như với những gì thực sự mới mẻ mà tôi đang sáng tạo. Chúng tôi tìm cách kết hợp nghệ thuật cổ xưa với xã hội hiện đại để sáng tạo một điều gì đó mới mẻ’.
Tạm thời, Mam muốn vận dụng kinh nghiệm của buổi đấu giá để này làm bệ phóng cho sự nghiệp của cô. Và cô hy vọng rằng tác phẩm của mình sẽ góp phần vào sinh hoạt nghệ thuật hiện đại đang nẩy nở của Campuchia.