VOA: Thưa ông Sam Rainsy. Xin ông cho biết Campuchia có khả năng xảy ra một tình huống như ở Ai Cập và Tunisia không?
Sam Rainsy: Có rất nhiều điểm giống nhau giữa Campuchia với những quốc gia mà chúng ta đã chứng kiến những cuộc nổi dậy của dân chúng trong vài tuần hoặc vài tháng qua. Những điểm tương đồng này có liên hệ tới các vấn đề nghèo đói, bất công xã hội, tham nhũng, và thiếu những cơ chế để người bày tỏ ý kiến của mình, để bày tỏ ý muốn thay đổi hay cải thiện hệ thống chính trị. Vì sự thiếu tự do và vì sự bất bình và bất mãn của người dân mỗi ngày một tăng nên tôi nghĩ rằng những gì đang xảy ra ở Ai Cập, ở Tunisia và ở Libya cũng có thể xảy ra ở Campuchia bất cứ lúc nào.
VOA: Thưa ông, đó có phải là những điều mà ông muốn thấy xảy ra ở nước ông?
Sam Rainsy: Tốt hơn hết là chúng ta phải tránh xảy ra tình trạng bạo động. Đó chính là lý do khiến chúng tôi phải hối thúc chính phủ Campuchia thực thi cải cách dân chủ. Chúng tôi yêu cầu chính phủ hãy dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và của những nước bạn như Hoa Kỳ để cải cách chính trị, để bảo đảm là người dân có được phương tiện để bày tỏ nguyện vọng thay đổi, và như vậy, họ không cần phải xuống đường biểu tình để mang lại những sự cải cách về chính trị.
VOA: Ông nói rằng người dân Campuchia quan tâm nhiều tới vấn đề nghèo túng và tham nhũng, nhưng Viện Cộng hòa Quốc tế mới đây đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy 76% dân chúng Campuchia hài lòng với đường hướng phát triển của đất nước. Xin ông giải thích về sự mâu thuẫn này.
Sam Rainsy: Kết quả thăm dò tùy thuộc vào câu hỏi mà quí vị đặt ra. Nếu quí vị hỏi “Tình trạng sinh sống của ông hay của bà có được cải thiện trong 5 năm vừa qua hay không?”, tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ khác. Vì vậy, ở một nước không có tự do diễn đạt chúng ta cần phải rất cẩn thận đối với kết quả của những cuộc thăm dò ý kiến công chúng.
VOA: Thưa ông, có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Campuchia lo ngại là những cuộc biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ lan tới Campuchia hay không?
Sam Rainsy: Chắc chắn là có. Chính phủ Campuchia rất lo ngại vì đảng đương quyền ở Campuchia, đặc biệt là Thủ tướng Hun Sen, đã nắm quyền khoảng 30 năm. Và ở mọi nơi trên thế giới đâu đâu người dân cũng mong muốn có một sự thay đổi. Dân chúng muốn thay đổi, muốn có các nhà lãnh đạo mới, muốn có những phương pháp tiếp cận mới, muốn có những chính sách mới.
VOA: Ông có nhận thấy dấu hiệu nào về việc chính phủ Campuchia đang áp dụng những biện pháp nhằm né tránh những gì đang xảy ra ở Trung Đông hay không?
Sam Rainsy: Có chứ! Chính phủ đã phá sập một số website của phe đối lập, vì những kỹ thuật mới này rất hữu ích cho những người phản kháng khi họ muốn phối hợp các nỗ lực để tổ chức những cuộc biểu tình. Chắc chắn là chính phủ Campuchia rất lo ngại, nhưng nói một cách tổng quát thì họ kiểm soát báo chí rất chặt chẽ. Họ chiếm độc quyền trong hoạt động báo chí điện tử và họ khống chế một cách chặt chẽ đối với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự nói chung.
VOA: Cám ơn ông Sam Rainsy đã dành thời giờ cho đài VOA thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Lãnh tụ đối lập Sam Rainsy cho rằng người dân Campuchia đang ngày càng mất kiên nhẫn với Thủ tướng Hun Sen, người đã nắm quyền từ 26 năm nay. Ông cho rằng người dân nước ông có thể sẽ theo gương dân chúng Tunisia và Ai Cập để xuống đường đòi lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài. Ông Sam Rainsy đang sống lưu vong ở Pháp và đã đến thăm Hoa Kỳ hồi gần đây trong lúc ông bị giới hữu trách Campuchia tuyên án tù về tội gọi là khích động hận thù giữa người Campuchia với Việt Nam. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn lãnh tụ đối lập do thông tín viên Kate Woodsome thực hiện.