Thương vong vì tai nạn giao thông ở Kampuchea dự kiến sẽ gia tăng

  • Robert Carmichael

90% xe cộ đăng ký ở Kampuchea là xe gắn máy

Cách đây gần 2 năm, chính phủ Kampuchea đã đề xuất các luật lệ nhằm cải thiện an toàn giao thông. Nhưng số người chết và bị thương tật trên các đường sá trong nước vẫn tiếp tục gia tăng. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Robert Carmichael từ Phnom Penh, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Kampuchea đang chật vật để tăng cường sự an cho theo kịp đà gia tăng về giao thông.

10 năm tái thiết nhằm thay thế cơ sở hạ tầng đã bị mất mát trong mấy chục năm chiến tranh đã giúp Kampuchea có những chặng đường dài êm ái.

Thế nhưng những con đường đó vẫn chưa giúp ích được là bao trong việc cải thiện an toàn ở một nưóc với hàng ngàn người lái xe mới tập và thiếu thuần thục. Xe ô tô và xe máy đã có thời bò dọc theo những con đường mấp mô đầy ổ gà nay chạy với tốc độ cao.

6 năm trước, Bộ Giao thông đã đăng ký 38.000 xe mới. Đến năm ngoái con số đó đã tăng vọt lên tới 307.000 chiếc.

Phối hợp sự kiện này với việc chỉ có 51 giáo viên dậy lái xe có đăng ký, thì kết quả là số người Kampuchea chết trên những con đường trong nước cao hơn bao giờ hết.

Năm ngoái có hơn 1.700 người tử nạn, gần gấp đôi số người chết trong năm 2005.

Ông Preap Chanvibol đứng đầu bộ giao thông đường bộ của chính phủ, và phụ trách chương trình giáo dục an toàn tại Uỷ ban An Toàn Đường sá Toàn quốc.

Ông Preap Chanvibol nói: “Nếu ta so với ASEAN, tỷ lệ tử vong tính từng 10.000 xe một, thì tỷ lệ ở Kampuchea cao hơn các nước khác trong ASEAN. Tính đến năm 2009, tỷ lệ tử vong là cứ khoảng 10.000 xe thì có 12 người bị tử vong.”

Ông Preap Chanvibol nói hơn phân nửa trường hợp tử vong là do chạy quá tốc độ và say rượu.

Và trong một nước mà 90% xe cộ đăng ký là xe gắn máy thì thương tật về đầu cũng là nguyên do chính gây tử vong.

Chủ trương của chính phủ là giải quyết những vấn đề chủ yếu đó.

Ông Preap Chanvibol cho biết: "Chúng tôi tập trung vào 3 trường hợp này – đó là tốc độ giới hạn, lái xe khi say rượu, và đội mũ bảo hộ, bởi vì hơn 70% các vụ tử vong đều do chấn thương sọ não. Vì thế chúng tôi cũng tập trung vào việc đội mũ bảo hộ.”

Và cũng như tại nhiều nước đang phát triển, đa số người dân Kampuchea không có điều kiện để mua xe hơi nên phải đi xe gắn máy.

Bà Sann Socheata là nhân viên về an toàn đường sá khu vực cho tổ chức Handicap International-Belgium, còn gọi tắt là HI-B, một nhóm cứu trợ đã quảng bá về an toàn giao thông ở Kampuchea từ năm 2004.

Nhóm HI-B ủng hộ cảnh sát giao thông trong việc thực thi luật lệ, bởi vì việc thực thi là cấp thiết. Và tổ chức này còn hợp tác với Bộ Giáo dục Kampuchea trong việc dậy cho trẻ em an toàn giao thông.

Bà Sann Socheata cho biết: “Chúng tôi bắt đầu từ năm 2004, và cho đến nay tất cả các trường tiểu học ở Kampuchea đều đưa an toàn giao thông vào giáo trình. Và chúng tôi cũng dự định tiếp tục đưa vào giáo trình trung học trong khuôn khổ Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ giáo dục.”

Bà Socheata nói bước quan trọng nhất trong những năm gần đây là bộ luật năm 2009 buộc những người lái xe gắn máy phải đội mũ bảo hộ, nếu không sẽ bị phạt. Hiện nay, hơn 80 phần trăm người lái xe gắn máy đội mũ bảo hộ, ít nhất là vào ban ngày.

Kết quả là số người chết vì chấn thương sọ não đã giảm bớt trong những tai nạn xe gắn máy.

Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể.

Ông Preap Chanvibol thuộc cục giao thông đường bộ cho biết ít người đội mũ bảo hộ ban đêm bởi vì cảnh sát giao thông chỉ làm việc ban ngày.

Sự kiện này sẽ thay đổi trong năm tới khi cảnh sát giao thông bắt đầu làm việc ca đêm, và như thế số người say rượu lái xe cũng sẽ giảm bớt.

Chính phủ còn dự định tu chính bộ luật đòi hỏi người đi kèm trên xe gắn máy, chứ không phải chỉ có người lái, cũng phải đội mũ bảo hộ.

Cảnh sát cũng đã có những công cụ mới để bắt những người lái xe quá tốc độ và say rượu – đó là súng đo tốc độ và dụng cụ đo độ rượu trong hơi thở.

Tuy nhiên, theo bà San Socheata, con số người chết vì tai nạn giao thông ở Kampuchea sẽ tiếp tục leo thang trong thập niên tới vì đường sá nhộn nhịp và tốt hơn.

Điều tốt nhất mà chính phủ và các tổ chức về an toàn giao thông có thể hy vọng là Kế hoạch Hành động về An toàn Giao thông Toàn quốc sẽ kéo chậm đà gia tăng đó.

Bà San Socheata nói tiếp: “Nhưng qua việc thực thi kế hoạch hành động toàn quốc với đầy đủ các nguồn lực, thì chúng tôi trông đợi số tử vong có thể giảm bớt được 30%. Có nghĩa là qua việc thực thi đúng đắn và nguồn lực dồi dào, Kampuchea có thể cứu được sinh mạng của 4.700 ngưòi trong 10 năm.”

Nếu kế hoạch được tài trợ và thực thi đúng đắn, tổ chức HI-B tiên liệu sẽ có 2.240 ngưòi chết trên những con đường của Kampuchea trong năm 2020. Con số đó cao hơn khoảng 500 so với năm ngoái, nhưng trong tình hình giao thông gia tăng, thì còn ít hơn nhiều nếu không có kế hoạch hành động này.