Văn phòng Liên hiệp quốc chống Ma túy và Tội phạm kêu gọi thực thi luật pháp nghiêm ngặt hơn và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã và gỗ.Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc Thái Lan đang đẩy nhanh điều tra về các trại nuôi hổ, sau khi một vụ khám xét lớn phát hiện các bộ phận của hổ tại một ngôi chùa Phật giáo ở miền tây Thái Lan.
Thái Lan từ lâu được xem là điểm trung chuyển và điểm đến nổi tiếng của những hoạt động buôn lậu thú hoang ở khắp nơi trên thế giới, từ những nơi xa xôi tận châu Phi cho đến những con hổ Đông Dương.
Năm 2007, Thái Lan tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), kêu gọi chấm dứt việc gầy giống hổ cho mục đích thương mại.
Nhưng ông Edwin Wiek, nhà sáng lập Quỹ Những người bạn của Thiên nhiên Hoang dã, cho hay số lượng hổ nuôi đã tăng mạnh từ con số 660 con vào năm 2007 lên đến gần 1.500 con vào năm 2016 tại khoảng 30 trang trại ở Thái Lan.
“Thái Lan, cũng giống như Lào, Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ bản không giữ cam kết” theo công ước CITES.
Xương và các bộ phận cơ thể của hổ có nhu cầu rất cao tại các thị trường Trung Quốc và Việt Nam để dùng làm thuốc. Cao hổ cốt còn được làm thành thuốc viên và được bán với giá đến 300 đôla tại Mỹ.
Các trại nuôi hổ và hoạt động buôn lậu thú hoang dã tại các thị trường Trung Quốc và Việt Nam đã thu hút mạnh sự chú ý trở lại, tiếp theo sau vụ khám xét một “ngôi chùa Phật giáo nuôi hổ” Wat Pa Luang Maha Bua ở tỉnh Kanchanaburi, miền tây Thái Lan vào cuối tháng 5.
Trang trại và vườn thú trong khuôn viên của chùa này có đến 140 con hổ. Mỗi ngày có khoảng 15 con hổ lớn và hổ con được mang ra cho du khách chơi đùa và chụp hình.
Vụ việc đổ bể khi các nhân viên của Sở quản lý Công viên Quốc gia (DNP) di chuyển những con hổ sang các trại nuôi tạm mới và họ đã phát hiện 60 xác hổ đông lạnh và xương, thịt hổ con cất giấu trong nhà của trưởng tu viện.
Ông Wiek nói: "Những hình ảnh đầu tiên xuất hiện về những con hổ con đã chết và số lượng của chúng đã gây sốc rất lớn. Tổng cộng hơn 60 con là một con số gây sốc”.
Ông Wiek cho biết thêm: “Khi thực hiện giao phối cận huyết hổ và chỉ nuôi chúng một cách vô trách nhiệm, thì ta đang giao phối cận huyết nhiều thế hệ, ta sẽ tạo ra một chủng loại rất yếu và rất nhiều con thú đó sẽ không sống được”.
Cảnh sát đã phát giác nhiều con hổ còn sống khác trong khu nhà có quây rào cách đó 50 km được sử dụng để giữ những con hổ trước khi giết chúng để lấy da, thịt và xương.
Ông Wiek nhận định: “Rõ ràng là đã có ít nhất một nhóm người tham gia vào việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp từ ngôi chùa. Điều đó là khá rõ, nhưng nó không xấu đến mức như một số người nói, kiểu như có cả một tổ chức hoặc một cái gì đó. Tôi không tin như thế”.
Hàng trăm lá bùa được làm từ các bộ phận của hổ, chim mỏ sừng, xác hổ con, xương và gấu nhồi cũng được phát hiện.
Bà Tanya Erzinlioglu, một thiện nguyện viên và nhân viên làm việc cho ngôi chùa nuôi hổ trong 6 năm nay, nói trong khi bà có thể bị nghi ngờ, ưu tiên chính của bà là tình trạng của những con hổ ở dưới sự chăm sóc của bà. Nỗi sợ hãi của bà Erzinlioglu có thể hiểu được khi đã có 3 con hổ biến mất vào tháng 12 năm 2014.
Bà nói: “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì bậy bạ, trừ vụ 3 con hổ. Rõ ràng là một khi ba con hổ đột nhiên biến mất, rồi sau đó đột nhiên mọi thứ thay đổi, bởi vì có bằng chứng cụ thể về những gì có thể đã diễn ra, nhưng tôi đã không thấy”.
Ngôi chùa là một điểm thu hút khách du lịch cao cấp, với doanh thu hàng năm ước tính hơn 3 triệu đôla.
Các cuộc điều tra đang được tiến hành ở những vườn thú và các trung tâm nuôi hổ khác tại Thái Lan. Các nhóm bảo vệ động vật hoang dã nói chính sách cấp phép vườn thú, cho phép nuôi hổ của Thái Lan đã khuyến khích việc buôn lậu thay vì kiềm chế nó.
Ông Jeremy Douglas, đại diện châu Á của Văn phòng Liên Hiệp Quốc chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho rằng để kiềm chế việc buôn bán động vật hoang dã, thì cần phải thực thi pháp luật nghiêm ngặt. Các nhà phân tích thường đổ lỗi cho việc thực thi pháp luật lỏng lẻo hoặc tham nhũng khiến cho việc buôn lậu phát triển mạnh.
Ông Douglas nói với đài VOA: “Mối quan tâm nhất của chúng tôi là cắt đứt chuỗi cung ứng của các thị trường (buôn bán động vật hoang dã) Điều thực sự quan trọng là thực thi pháp luật nghiêm ngặt và phản ứng hình sự được thực hiện để xác định đây là tội phạm, điều tra việc này như là tội phạm, điều tra các mạng lưới liên quan qua chuỗi cung ứng và cuối cùng cắt đứt nguồn cung ứng cho các thị trường”.
Các nhóm bảo vệ động vật đã hoan nghênh những động thái của chính phủ Thái nhằm tăng cường bảo vệ pháp lý cho tất cả các động vật hoang dã, bao gồm các hình phạt nghiêm khắc hơn, trong đó có cả án tù tối thiểu là 4 năm đối với việc buôn lậu, với sự tham gia trực tiếp hơn của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ trong việc chăm sóc động vật hoang dã bị tịch thu.