Phải mất đến chẵn hai chục năm kể từ năm 1998 khi Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, mất 5 năm kể từ năm 2013 khi Cục cảnh sát biển này đôn lên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trở thành cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ, câu tục ngữ đương đại “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ” mới có chút cơ hội tự sửa mình khi dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xem xét “quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền” của lực lượng cảnh sát biển.
Cái bóng lờ mờ và vật vờ
Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” - theo bản dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Nhưng một câu hỏi mang tính tồn vong dân tộc và quá nhức nhối là vì sao trong suốt hai chục năm qua và kể cả trong 5 năm gần đây, dù đã được nâng cấp thành “bộ tư lệnh” tức tương đương với cấp quân khu và quân đoàn của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lại chẳng hề chứng minh được tác dụng hay chí ít về sự tồn tại của nó trong các hành động bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của “đồng chí tốt”?
Vào năm 2011 khi tàu hải giám Trung Quốc hành xử lưu manh khi thẳng tay cắt cáp tàu Bình Minh II của Việt Nam, người dân thậm chí còn không nhận ra được hình ảnh tồn tại của Cục Cảnh sát biển, cho dù các tàu của lực lượng này vẫn thường xuyên tuần tra và không ít lần để lại trong tiềm thức ngư dân một vệt nước đen đúa về tinh thần “đòi hỏi” - như một kiểu thu phí BOT đường thủy đang manh nha nổi lên và bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội.
Nhưng vào thời gian 2011, một số ý kiến quan chức vẫn nại ra ý do rằng cảnh sát biển sở dĩ chưa làm hiệu quả là do chưa có đầy đủ chức năng bảo vệ chủ quyền, và vì chưa trở thành… Bộ tư lệnh.
Thế còn từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm “tướng”, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì?
Ba năm sau vụ Bình Minh II, nổ ra cuộc khủng hoảng Hải Dương 981 khi giàn khoan này từ Trung Quốc lao thẳng vào Biển Đông để giống như một cái tát nổ đom đóm vào thói bạc nhược chưa đánh đã chạy của điều được giới tuyên giáo xưng là “bản lĩnh Việt Nam”. Nhưng một lần nữa, người ta chỉ thoáng cái bóng lờ mờ và vật vờ của cảnh sát biển Việt Nam trong sự đối sánh với dày đặc và ngạo nghễ cảnh sát biển của Bắc Kinh.
Nhưng ngay cả vụ Hải Dương 981 cũng không thể khiến “đảng và nhà nước ta” thoát khỏi cơn “ngủ ngày”. Bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để “rửa mặt” trước những câu chuyện “nhục quốc thể” tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh “hải quân bám bờ” ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh “văn dốt võ dát” và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Mất ngủ lẫn mất ăn
Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đã đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 - thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol - liên doanh với Tây Ban Nha - ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí.
Vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.
Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Ngãi, Quảng Nam là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách đang cạn kiệt. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ.
Nhưng ngay cả sự hiện diện của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba đó đã chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc. Chiến thuật của Hà Nội mượn tàu chiến Mỹ để “hù” Trung Quốc thậm chí còn dẫn đến tác dụng ngược khi Bắc Kinh hạ lệnh cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và vài chục tàu chiến ồ ạt kéo vào Biển Đông tập trận với đích thân Tập Cận Bình làm tổng chỉ huy.
Cùng lúc, một mặt trận ngoại giao - thương mại được Trung Quốc tung ra. Cuối tháng Ba năm 2018, Ngoại trưởng Vương Nghị đến Hà Nội, gặp 3/4 “tứ trụ” của Việt Nam và nói trắng ra: “Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển”.
Về thực chất, đó là tối hậu thư của Trung Quốc.
Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Cô đơn tuyệt đối
Tình thế của chính thể Việt Nam giờ đây là hầu như cô đơn, trái ngược với sở đoản “đa dạng hóa, đa phương hóa” mà các cơ quan tuyên giáo và giới chóp bu ra rả bất tận ở mọi nơi và vào mọi lúc.
Sự cô đơn đó thực ra đã trở thành tuyệt đối vào năm 2014 trong vụ Hải Dương 981. Khi đó, đã không một nước nào trong số một chục “đối tác chiến lược” của Việt Nam thèm quan tâm hay tiếp ứng cho giới chóp bu Hà Nội, để mặc tinh thần kiêu ngạo cộng sản phải đối diện với một tinh thần cộng sản kiêu ngạo hơn hẳn là “đối tác chiến lược lớn nhất và quan trọng của Việt Nam” - Trung Quốc.
Còn đến đầu năm 2018, Việt Nam thậm chí còn nâng số lượng “đối tác chiến lược” lên chẵn một tá - bao gồm cả hai “tân binh” là Úc và Ấn Độ. Nhưng như tục ngữ “mèo vẫn hoàn mèo”, vẫn chẳng có gì đổi dời về tâm thế cô đơn chính trị và quân sự.
Để đến lúc này, trong tình cảnh đã “ngửi” thấy cái hơi của một cuộc “chiến tranh dầu khí” trong tương lai giữa “hai đảng anh em”, giới chóp bu Hà nội mới bắt buộc phải suy tính về “quyền được nổ súng” dành cho đội quân có vẻ chưa bao giờ biết bắn súng - lực lượng cảnh sát biển.
Nhưng cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với “truyền thống bám bờ” trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt. Thậm chí, ngay cả khi nhiệm vụ duy nhất của cảnh sát biển là bảo vệ các lô dầu khí được Việt Nam phải lao vào khai thác theo cách không còn cách nào khác, cũng chẳng có hy vọng gì để lực lượng này dám “nổ súng” khi bị tàu Trung Quốc vây bọc và đe dọa - điều mà một “nước nhỏ” là Hải quân Philippines đã làm nhiều lần từ năm 2014, thậm chí còn bắt giữ hàng trăm ngư dân Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt cá trái phép và đưa ra xử tù mà Bắc Kinh chẳng dám có phản ứng mạnh nào.