Cảnh sát giao thông: Sau 3 tuần thực thi Nghị định 168, số vụ vi phạm và tai nạn đều giảm

Xe cộ dừng chờ đèn xanh trên một con đường ở Hà Nội, 8/1/2025 (Photo: Nhac NGUYEN / AFP).

Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an Việt Nam nhận xét hôm 21/1 rằng sau gần 3 tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cả số vụ vi phạm luật lệ giao thông lẫn số vụ tai nạn đều giảm, theo Tuổi Trẻ và Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tin tức của hai báo dẫn lời một đại diện của Cục CSGT - mà theo Tuổi Trẻ, đó là Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT - cho hay rằng lực lượng của cục đã xử lý gần 231.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong khoảng thời gian nêu trên. Nhưng nếu so với 3 tuần ngay trước đó, số các trường hợp bị xử phạt đã giảm hơn 18.000 vụ, tức giảm 7,3%.

Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM trích lời người đại diện của Cục CSGT nói rằng tai nạn giao thông đường bộ cũng giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng không nêu ra các con số cụ thể. VOA liên lạc với cục để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Số vụ vi phạm “đã giảm rõ rệt”, đại diện Cục CSGT đưa ra đánh giá trong các bản tin của Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM, trong đó, việc không chấp hành đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.

Nhìn lại thời gian từ ngày 1/1 đến nay, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, nói trong bản tin của Tuổi Trẻ rằng “có thể thấy rõ bộ mặt giao thông đã thay đổi với những tín hiệu tích cực, tình trạng người lái xe vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn”.

Tuổi Trẻ và Pháp Luật Tp.HCM dẫn lời vị đại diện của Cục CSGT viết rằng người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.

Tại các nút giao, người dân tuân thủ nghiêm chỉnh theo đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng lái xe tùy tiện, dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường…, nhờ vậy, tình trạng ùn ứ giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, vẫn theo nhận xét từ quan chức của Cục CSGT.

Mặc dù vậy, quan chức này cùng thừa nhận rằng quá trình thực hiện Nghị định 168 “còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đèn tín hiệu, biển báo hiệu…”

Theo quan sát của VOA, báo chí trong nước và nhiều trang mạng xã hội có đông người theo dõi như Hà Nội News trong 3 tuần qua mô tả rằng tình trạng tắc nghẽn giao thông – nhất là ở hai thành phố lớn hàng đầu Việt Nam là Hà Nội và Tp.HCM – đã trở nên trầm trọng hơn gấp nhiều lần so với trước khi thực thi Nghị định 168.

Tin tức và các bài đăng trên mạng xã hội đề cập đến việc nhiều người lo bị phạt nặng theo nghị định nên không dám rẽ phải khi đèn đỏ, đi lấn làn, hoặc đi xe trên vỉa hè… vốn được xem là những giải pháp du di, linh hoạt giúp giảm ùn tắc trước đây, do đó, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và Tp.HCM giờ đây tắc nghẽn, kẹt xe bất kể giờ giấc, thậm chí cả sau 10h hoặc 11h đêm.

Như VOA đã đưa tin, Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định rằng một loạt các hành vi vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao gấp từ 2-30 lần so với trước, bao gồm những mức phạt tùy theo đó là xe máy hay ô tô từ 4 triệu đến 37 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân của người Việt là khoảng 7,6 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi có khá nhiều người ủng hộ mức phạt cao hơn để cải thiện tình hình giao thông, cũng có một lượng lớn những người phản đối nghị định, xem nó như là động thái tận thu, bóc lột bằng mọi giá, không nhân văn, gây bất mãn…