Cảnh sát Pháp dùng hơi cay đối với người biểu tình bênh vực di dân

Nhân viên cảnh sát hộ tống người biểu tình ủng hộ di dân ra khỏi cuộc tuần hành phản đối việc cảnh sát buộc di dân rời khỏi trường trung học Jean-Jaures, ngày 4/5/2016.

Cảnh sát Pháp đã sử dụng hơi cay đối với người biểu tình khi nhân viên cảnh sát đưa các di dân ra khỏi một trường học ở Paris, nơi họ đã tá túc trong vài tuần qua.

Ít nhất 150 di dân đã cư ngụ trong trường Jean-Jaures ở đông bắc Paris khi trường đóng cửa để tân trang.

Cảnh sát đến đó hôm 4/5 để buộc họ rời đi. Những người trong tòa nhà đã chặn cửa trong khi những người biểu tình đã tìm cách ngăn chặn việc xâm nhập từ bên ngoài.

Cảnh sát trưởng Paris Michel Cadot khẳng định với hãng tin AP rằng các sĩ quan đã sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình chặn đường của họ.

Ông Cadot nói các di dân đang được đưa đến những nơi tạm trú và họ được khuyến khích nộp đơn xin tị nạn.

Trong khi đó, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu có thể bị buộc phải trả tiền phạt nếu họ từ chối nhận một phần những di dân đã tràn vào châu Âu xin tị nạn.

Một kế hoạch của Ủy ban châu Âu đã được công bố hôm 4/5 vào lúc các bộ trưởng xem xét đề xuất mới, mà phải được sự chấp thuận của các nước thành viên và các nhà lập pháp EU trước khi có hiệu lực.

Theo pháp luật hiện hành, di dân phải nộp đơn xin tị nạn tại các quốc gia nơi họ đến, một điều đã tạo ra gánh nặng đối với Hy Lạp và Ý, những nơi hầu hết di dân đến được khi họ đi bằng đường biển.

Trong khi đó, nhiều nhà lập pháp châu Âu đã đe dọa sẽ phủ quyết một đề xuất nhằm cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ được quyền du hành không cần thị thực đến châu Âu để đổi lại việc Ankara trấn áp những kẻ buôn người cũng như tiếp nhận di dân trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Các số liệu của Liên hiệp châu Âu cho thấy chỉ có hơn 26.000 người tị nạn đã đến các đảo của Hy Lạp trong tháng 3, chưa bằng một nửa con số tổng cộng trong tháng 2. Các quan chức EU nói thỏa thuận với Ankara đang có hiệu quả.

Tuần trước, ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biến Hy Lạp thành một trại tị nạn khổng lồ với hàng trăm ngàn người tị nạn bị mắc kẹt. Đó là điều chúng ta cần giải quyết".

Thổ Nhĩ Kỳ nói họ đang đi đúng hướng để đáp ứng tất cả các tiêu chí do châu Âu đặt ra trước thời hạn chót vào tháng 6 và khẳng định đó là một phần không thể thương lượng của thỏa thuận về di dân.

Trong khi các chính trị gia cánh hữu mong hưởng lợi từ những lo ngại về di cư, một số nhà lập pháp ở Brussels đã đe dọa sẽ cố gắng ngăn chặn thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ với lý do quan ngại về nhân quyền.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Ankara đã mạnh tay trả hàng trăm người tị nạn không đăng ký trở về Syria và thậm chí bắn những người Syria tìm cách vượt biên trái phép.