Câu chuyện tạm giam ở Việt Nam

Xe chở tù nhân trước tòa án nhân dân TPHCM.

Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng thời hạn tạm giam bị can, nhưng trong thực tế, thời gian tạm giam có thể là vô hạn định, do vòng quay của quy trình “điều tra, xét xử [lại]” có thể diễn ra nhiều lần, cũng như do sự coi thường pháp luật của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Phiên toà xét xử LS Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” bị hoãn đột ngột ngày 8/7/2013 đồng nghĩa với việc ông tiếp tục bị tạm giam vô hạn định.

Ngày 3/9 vừa qua, LS Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông, đã gửi công văn đến Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội yêu cầu trả tự do ngay cho thân chủ do đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử. Trước đó, ngày 13/8, LS Hà Huy Sơn cũng từng gửi công văn đến cơ quan này yêu cầu mở lại phiên toà xét xử vì đã quá thời hạn tạm hoãn phiên toà. Cho đến nay, cả hai công văn đều rơi vào sự im lặng quen thuộc của nhà chức trách Việt Nam. Không ai biết “bánh xe công lý” của “nhà nước pháp quyền XHCN” trong vụ việc vẫn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận này sẽ tiếp tục quay như thế nào.

Quy định pháp luật về tạm giam

Theo Điều 88 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tạm giam không phải là biện pháp bắt buộc. Điều luật này qui định là tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ Luật Hình sự qui định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng quy định pháp luật trên đây là rất tuỳ tiện, do bản chất định tính, tuỳ vào nhận định chủ quan của điều luật. Công an luôn có đủ lý do để muốn tạm giam bị can thì tạm giam, muốn cho tại ngoại thì tại ngoại. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực sinh sôi nảy nở, hoặc đối với các vụ án chính trị như trường hợp LS Lê Quốc Quân thì trở thành công cụ hữu hiệu để trấn áp ý chí của đối tượng.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng thời hạn tạm giam bị can, nhưng trong thực tế, thời gian tạm giam có thể là vô hạn định, do vòng quay của quy trình “điều tra, xét xử [lại]” có thể diễn ra nhiều lần cũng như do sự coi thường pháp luật của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Vòng xoay của thời hạn tạm giam

(Theo
Bộ luật Tố tụng Hình sự - Nguồn: Tuổi Trẻ)

Mức độ
tội phạm

Thời gian
tạm giam trong
các giai đoạn
tố tụng (ngày)

Ít nghiêm trọng
(khung hình phạt từ 3 năm tù trở xuống)
Nghiêm trọng
(khung hình phạt mức cao nhất đến 7 năm tù)
Rất nghiêm trọng
(khung hình phạt mức cao nhất đến 15 năm tù)
Đặc biệt
nghiêm trọng

(mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình)
Thời hạn điều tra 60 90 120 120
Gia hạn điều tra 30 90 150 480
Thời hạn truy tố 20 20 30 30
Gia hạn truy tố 10 15 30 30
Trả hồ sơ điều tra
bổ sung
120 120 120 120
Gửi hồ sơ cho tòa án 3 3 3 3
Tòa án chuẩn bị xét xử 30
45
60
120
Gia hạn chuẩn bị
xét xử
15 15 30 30
Trả hồ sơ điều tra
bổ sung
60 60 60 60
Ra quyết định xét xử 15 15 15 15
Tổng cộng 363 473 618 1.008
Điều tra, xét xử lại Quay trở lại từ đầu

Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành, để hoàn thành một quy trình từ khi điều tra, truy tố đến lúc xét xử sơ thẩm thì tuỳ mức độ phạm tội mà bị can có thể bị tạm giam tối đa từ 363 ngày đến 1.008 ngày (xem bảng trên).

Tuy nhiên, trong thực tế, nếu bị cáo kháng án và được toà phúc thẩm tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại thì quy trình nói trên lại quay trở về điểm xuất phát. Và trong trường hợp này, luật lại không quy định cụ thể là được huỷ án để điều tra lại bao nhiêu lần. Chính vì thế mà thời hạn tạm giam có thể kéo dài vô hạn định, với nhiều trường hợp bị giam oan, như vụ án “vườn điều” nổi tiếng ở Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Lâm bị giam oan đến 7 năm, hay vụ anh Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh bị giam oan hơn 5 năm.
Theo Điều 22 của Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 (ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam) thì người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác, nhưng điều này lại do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định.

“Luật là tao”

Sự bất cập của hệ thống pháp luật khiến cho những ai chẳng may vướng vào vòng lao lý ở Việt Nam đều trở thành nạn nhân của sự tuỳ tiện trong công tác điều tra, xét xử của các cơ quan tham gia tố tụng, đặc biệt là công an: Từ chuyện bị tạm giam hay được tại ngoại, chuyện gặp gỡ thân nhân và thậm chí là gặp luật sư, hay chuyện toà án trả hồ sơ để “điều tra lại”, v.v.

Khi bị tạm giam, bị can bị cách ly hoàn toàn khỏi xã hội. Đang được hít thở bầu không khí tự do ở ngoài thì bị bắt rồi bị giam giữ trong một căn phòng phòng kín mít với những bạn tù lạ lẫm hay thậm chí còn bị biệt giam, bị tước hết các quyền tự do cơ bản, kèm theo đó là cảm giác tội lỗi, hối hận… nên đây là giai đoạn mà người bị bắt giam dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần nhất trong thời gian tù tội. Tâm lý khủng hoảng cũng còn do người bị tạm giam chưa biết số phận của mình: kết quả điều tra ra sao, bị truy tố theo khung hình phạt nào, v.v.

Ở Mỹ, câu nói cửa miệng của cảnh sát khi bắt giữ tội phạm là: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà.” Câu nói mà giới chuyên môn gọi là lời cảnh báo Miranda này thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc cơ bản nhất trong lĩnh vực tố tụng hình sự: một cá nhân không thể bị coi là có tội cho đến khi cơ quan công tố chứng minh được là có tội và không còn tồn tại bất cứ sự nghi ngờ hay chứng cứ nào chứng minh điều ngược lại. Đó là nguyên tắc chi phối quy trình tố tụng hình sự không chỉ ở Mỹ mà ở hầu hết các nước trên thế giới.
Ở Việt Nam thì ngược lại, bất cứ ai bị bắt cũng đều bị các cơ quan tham gia tố tụng mặc nhiên coi là có tội và tìm cách buộc tội đến cùng. Lợi dụng tâm lý khủng hoảng của bị can, trại giam trở thành công cụ hữu hiệu để công an ép buộc bị can phải nhận tội bằng những cách thức như biệt giam, không cho gặp thân nhân… mà trường hợp LS Lê Quốc Quân là một ví dụ điển hình: cho đến nay, mặc dù đã bị bắt hơn 8 tháng, ông vẫn chưa được gặp trực tiếp gia đình; trường hợp anh Nguyễn Minh Hùng kể trên cũng vậy: từ ngày bị bắt cho đến khoảng 1 năm sau gia đình mới gặp lại anh tại phiên toà sơ thẩm.

Mấy năm gần đây, nhiều vụ đột tử ở đồn công an còn phơi bày một sự thật nhức nhối khác: đó là tình trạng tra tấn và bức cung bị can trong thời gian tạm giam. Điều này giải thích vì sao Việt Nam, một nước vẫn vỗ ngực tự xưng là “tiến bộ”, lại chưa phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc, mặc dù đến tháng 5/2013 đã có tới 153 nước trên thế giới phê chuẩn.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.