Bố của cô gái Ả-rập Saudi 18 tuổi – thiếu nữ bị kẹt ở Thái Lan đang tìm nơi xin tị nạn sợ bị chính gia đình mình giết – đã tới Bangkok và muốn gặp con gái mình, theo người đứng đầu về di trú của Thái Lan cho biết hôm 8/1.
Tuy nhiên cha của Rahaf Mohammed al-Qunun và anh trai của cô sẽ phải chờ xem liệu cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc có cho phép họ gặp cô không, người đứng đầu cơ quan di trú Surachate Hakpan nói.
“Người bố và anh trai muốn tới và nói chuyện với Rahaf nhưng cần phải có được LHQ cho phép,” ông Surachate nói với các phóng viên.
Cơ quan tị nạn LHQ hôm 8/1 nói họ đang điều tra trường hợp của cô Qunun sau khi cô trốn chạy tới Thái Lan và nói rằng cô lo sợ gia đình sẽ giết cô nếu cô bị đưa trả về Ả-rập Saudi.
XEM THÊM: Thái Lan hoãn trục xuất thiếu nữ Ảrập ‘cố thủ’ tại khách sạnCác nhà hoạt động lo ngại về những gì Ả-rập Saudi sẽ làm sau khi giới chức Thái Lan đảo ngược quyết định trục xuất cô và cho phép Qunun ở lại Thái Lan dưới sự bảo trợ của Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR).
“Người bố giờ đây đang ở Thái Lan và đó là một mối lo ngại,” Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói với Reuters.
“Chúng tôi không biết ông ấy sẽ làm gì… liệu ông ấy sẽ tìm ra nơi cô ấy ở và quấy rầy cô ấy hay không. Chúng tôi không biết liệu ông ấy sẽ tìm cách để sứ quán làm việc đó hay không.”
Qunun đang ở tại một khách sạn ở Bangkok trong khi chờ UNHCR thụ lý hồ sơ xin tị nạn của cô, trước khi cô có thể xin tị nạn ở một nước thứ 3.
Các ủy viên của UNHCR đã phỏng vấn cô hôm 8/1, một ngày sau lần đầu tiếp xúc với cô.
“Có thể mất vài ngày để xử lý trường hợp này và đưa ra quyết định cho những bước tiếp theo,” đại diện UNHCR của Thái Lan Giuseppe de Vincentiis nói trong một thông cáo.
“Chúng tôi cám ơn các quan chức Thái Lan đã không gửi trả (Qunun) về, một điều ngược lại với mong muốn của cô ấy, và đã bảo vệ cô ấy,” ông Vincentiis nói.
Trường hợp này đã thu hút sự chú ý mới trên toàn cầu đối với các luật lệ xã hội hà khắc của Ả-rập Saudi, bao gồm một yêu cầu rằng phụ nữ phải có sự “giám hộ” của đàn ông mới được phép du hành. Điều này, theo các nhóm nhân quyền, có thể làm cho phụ nữ và thiếu nữ trở thành những tù nhân của các gia đình ngược đãi họ.
Vụ việc này xảy ra giữa lúc Riyadh đang đối mặt với sự soi xét cao độ bất thường từ các đồng minh phương Tây sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào tháng 10 vừa qua và những hậu quả nhân đạo của cuộc chiến tranh của nước này ở Yemen.
Thông qua mạng xã hội, thế giới biết được về hoàn cảnh bi kịch của Qunun. Điều này thu hút được sự ủng hộ cũng như những lo ngại từ khắp nơi và thuyết phục được các giới chức Thái Lan rút lại quyết định trục xuất cô trở về Ả-rập Saudi.
Cuối cùng, cô gái 18 tuổi đã được phép vào Thái Lan cuối ngày 7/1 sau khi phải ở sân bay Bangkok trong 48 giờ. Trong thời gian đó, cô phải ở trong một phòng chờ chuyển tiếp được ngăn chắn ở khách sạn.
Các nhà lập pháp và các nhà tranh đấu của Úc và Anh thúc giục chính phủ của họ cấp cơ chế tị nạn cho Qunun.
Chính phủ Úc nói họ đã yêu cầu Thái Lan và UNHCR nhanh chóng thụ lý hồ sơ của Qunun và rằng họ sẽ xem xét đơn xin visa nhân đạo của cô một khi UNHCR đưa ra quyết định.
Sứ quán của Ả-rập Saudi ở Thái Lan phủ nhận các thông tin rằng Riyadh đã yêu cầu dẫn độ thiếu nữ này.
“Vương quốc Ả-rập Saudi chưa hề yêu cầu việc dẫn độ cô ấy. Sứ quán coi vấn đề này là một vụ việc nội bộ gia đình,” sứ quán cho biết trong một đăng tải trên Twitter.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan nói hôm 7/1 rằng sứ quán đã cảnh báo với giới chức Thái Lan về trường hợp này và nói rằng người phụ nữ này đang trốn chạy cha mẹ mình và họ lo sợ cho sự an toàn của cô ấy.
Một phụ nữ ở Anh đã phát động một thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Jeremy Hunt, cấp quy chế tị nạn cho cô và cấp cho cô giấy tờ du hành khẩn cấp.
Chỉ trong vòng vài giờ sau khi thỉnh nguyện thư được phát động, hàng nghìn người đã tham gia ký vào bức thư trên.