Chạy đua để cứu loài beo nhỏ

Những chú mèo oai phong lẫm liệt

Một con beo hoang chạy vun vút qua vùng thảo nguyên Phi Châu đã từng được mô tả là một bài thơ đang chuyển động.

Tiến sĩ Laurie Marker có thể hiểu được lý do.

Nhà bảo vệ môi trường được tuyên dương, đồng thời là một chuyên gia nổi tiếng về loài beo nhỏ đã dành cả cuộc đời để bảo vệ loài mèo lớn này.

Nhưng bà Marker cảnh báo rằng nếu không hành động nhanh, có nhiều phần chắc thế giới sẽ mất đi những con beo còn lại trong vòng 10 năm sắp tới.

Lời dự báo tàn khốc ấy được đưa ra ngay sau khi một bản phúc trình vừa được công bố bởi Quỹ Dã Sinh Thế giới, một tổ chức hàng đầu về bảo vệ môi trường. Bản phúc trình nói rằng thế giới đã mất đi 50 phần trăm số thú hoang tính từ năm 1970. Con số thống kê nghiệt ngã ấy bao gồm cả 2/3 số beo hoang bị mất đi.

Và theo bà Marker, đấy là tin xấu không riêng cho loài beo, mà cả cho nhiều loài động vật khác sống ở vùng thảo nguyên Phi Châu.

Một hệ sinh thái lành mạnh

Bà Marker nói những động vật ăn thịt như loài beo, đóng một vai trò chủ chốt trong việc duy trì sự lành mạnh của hệ sinh thái.

Bà nói: “Chẳng hạn, loài beo là một thợ săn tuyệt luân trên những vùng đất thảo nguyên. Nó sẽ giết, ăn những gì nó cần, bị săn đuổi bởi những con chó rừng hoặc kên kên, sư tử hoặc linh cẩu, và rồi để phần còn lại cho những loài vật khác nơi đồng hoang ăn.

Bà giải thích rằng bà thường nói với các nông gia nuôi gia súc rằng nếu có đủ mồi, và con beo giết một con vật nào đó, thì chó rừng sẽ ăn chung, như thế chúng sẽ không vào các sân nuôi cừu hay dê để kiếm ăn.

Quỹ Bảo vệ loài Beo

Bà Marker giảng giải về tầm quan trọng của sự đa dạng sinh tháo qua Quỹ Bảo vệ loài Beo, còn gọi tắt là CCF, một tổ chức bà sáng lập vào năm 1991 tại Namibia ở châu Phi – là thủ phủ của loài beo trên thế giới.

Quỹ này thực hiện công tác nghiên cứu, có các chương trình giáo dục và phục vụ như một khuôn mẫu cho các nước khác có cam kết bảo vệ dã thú.

Với chưa đầy 10.000 con mèo lớn còn lại nơi hoang dã, bà Marker nói bà muốn giúp mọi người hiểu về những thách thức mà loài beo phải đối phó.

Bà giải thích: “Những hiểm hoạ lớn nhất mà loài beo phải đối mặt chủ yếu là một cuộc xung đột giữa con người và dã sinh; sự mất đi môi trường sống, mất đi mồi săn, mất đi vùng đất ăn cỏ.”

Và bởi lẽ dân số ở châu Phi đang gia tăng mạnh, bà nói điều quan trọng là thăm dò những biện pháp để dân chúng có thể kiếm kế sinh nhai ngoài việc chỉ làm nghề nông để sống qua ngày.

Để giải quyết mối quan ngại ấy, bà Marker mô tả một chương trình mà bà đã giúp khai triển, có tên là Nông gia Tương lai của châu Phi, “vươn rất xa khắp những vùng đất khô cằn này để tìm cách thực thi những chương trình giúp cho dân chúng thoát khỏi cảnh nghèo khó.” Bà nói, “Cố gắng trồng cỏ, có dã sinh và giúp cho một số môi trường cuối cùng nơi loài beo đang sinh sống được bền vững.”

Trung tâm có những chương trình khác cũng giúp cho cộng đồng ở địa phương.

Bushblok – những khúc gỗ nhiên liệu 'nóng'

Chẳng hạn như trong một chương trình, Quỹ Bảo vệ loài Beo, cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã thành lập CCF Bush (PTY) Ltd. tuyển dụng và huấn luyện người địa phương thu thập những bụi gai đã lấn chiếm vùng đất của loài beo – và chế biến thành những khúc gỗ đặc dùng làm nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Dự án đó đã đem lại việc làm cho dân chúng và tạo ra các cơ hội kinh doanh ở nông thôn đồng thời phục hồi môi trường cho loài beo và các loài dã sinh khác ở Namibia.

Chó Canh phòng

Và bởi vì loài beo thường săn mồi những động vật được thuần hoá ở vùng thảo nguyên, bà Marker nuôi và huất luyện những con chó thuộc giống Kangal hay Anatolian Shepherd – một loài có gốc ở Thổ Nhĩ Kỳ - mà bà tặng cho các nông gia địa phương để giúp họ bảo vệ gia súc của mình.

Bà nói: “Tại Namibia chúng tôi đã nuôi được trên 500 con chó loại này, và đến nay chúng tôi đã giúp khai triển các chương trình ở Nam Phi, ở Botswana, ở Tanzania.”

Bà nêu ra rằng những con chó này bảo vệ gia súc chống lại loài beo, và cả nhiều loài động vật ăn thịt khác nữa.

Săn bắt trộm và mua bán lậu

Săn bắt trộm và mua bán lậu dã sinh là những mối đe dọa chính khác đối với loài beo.

Bà Marker nói: “Trong nhiều năm vừa qua, đã có hiện tượng mua bán lậu với khối lượng lớn nhiều chủng loài dã sinh, nhưng loài beo vẫn đứng đầu danh sách.”

Bà nói thêm: “Công cuộc mua bán bất hợp pháp này vượt ra khỏi phạm vi loài beo. Có những loài chim khác, có loài tinh tinh và vượn, và hổ, và sư tử và đây không phải là những động vật để cho người nuôi làm thú cưng trong nhà.

Bà Marker đã viết một cuốn sách để giúp giáo dục cho mọi người về tình cảnh khó khăn của loài beo, và nói nếu muốn cứu những con thú hoang đẹp đẽ này khỏi tình trạng tuyệt chủng thì cộng đồng toàn cầu cần phải nói “không với việc mua bán phi pháp, không với việc săn bắt lậu, chăm sóc dã sinh và yêu cầu các chính phủ phải có một biện pháp nào đó.”