Lên tiếng trong cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga tại Moscow hôm 29/10, Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng nói các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga đang cản trở các dự án chung giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, theo hãng thông tấn Nga TASS.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức dầu khí Việt Nam lên tiếng cảnh báo sản lượng khai thác dầu của Việt Nam sẽ giảm đều đặn 10% mỗi năm, tương đương với hơn 2 triệu tấn.
“Chúng tôi muốn lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đối với Nga gây ra những khó khăn lớn cho chúng tôi, cản trở việc thực hiện các dự án năng lượng”, TASS dẫn lời ông Dũng nói trong cuộc họp liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Theo bản tin của hãng thông tấn Nga, Phó Thủ tướng Việt Nam không cho biết chi tiết những tác động của chế tài trên Nga lên các dự án khai thác chung, hoặc những dự án cụ thể nào bị ảnh hưởng. Nhưng theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, những dự án năng lượng chung có thể bị ảnh hưởng là các dự án nằm trong lãnh thổ của Nga.
Ông nói với VOA: “Việt Nam có mua một số mỏ dầu và có liên doanh với một số công ty dầu của Nga khai thác trên đất của Nga và các khu vực thuộc Nga thì cái đấy bắt đầu gặp khó khăn”.
Tạp chí Năng Lượng Việt Nam hôm 29/10 cho biết Liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Zarubezhneft, một trong những dự án năng lượng nổi bật giữa Việt Nam và Nga, được đánh giá là liên doanh hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài.
Rusvietpetro có sản lượng khai thác đạt gần 16 triệu tấn dầu sau 8 năm hoạt động, đạt doanh thu lũy kế ước tính 7 tỷ đôla. Các mỏ mà liên doanh này đang khai thác đóng góp 15% sản lượng hàng năm của PVN và “đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước”.
Tuy nhiên, ngoài Rusvietpetro, các liên doanh khác của Việt Nam ở Nga đều hoạt động không hiệu quả.
Đề nghị giải pháp cho vấn đề này, bản tin của tạp chí thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói các cấp lãnh đạo Trung ương và Chính phủ Việt Nam nên xem các liên doanh này là “những hoạt động kinh tế đơn thuần” mà thôi.
“Đảng và Chính phủ nên tôn trọng quyền tài phán của PSC (Hợp đồng chia sản phẩm) và Luật Dầu khí nước sở tại, cũng như trọng tài quốc tế giám sát”, tờ tạp chí được Thủ tướng Việt Nam giao nhiệm vụ “phản biện” nói.
Theo tạp chí này, việc Đảng, Chính phủ “không can thiệp sâu” vào hoạt động điều hành, kinh doanh sẽ “giảm thiểu những tác động gây chồng lấn về quản lý nhà nước” và “giúp các lãnh đạo PVN tự tin hơn khi thực thi nhiệm vụ theo nguyên tắc kinh tế thị trường”.
Thông tin về những “quan ngại” của Phó Thủ tướng trong lĩnh vực vực hợp tác khai thác dầu khí được đưa ra giữa lúc các quan chức cảnh báo sản lượng khai thác dầu của Việt Nam đang sụt giảm đến mức “đáng ngại”, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.
Báo cáo của các lãnh đạo PVN vào tuần trước cho biết sản lượng khai thác quy dầu của PVN là 25 triệu tấn vào năm ngoái, nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ được 4 triệu tấn. Nếu tình trạng mất cân đối này tiếp diễn, thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành sẽ chỉ còn khoảng 1/3 sản lượng hiện nay.
Trước tình trạng nguồn dầu khí tự nhiên của Việt Nam bị thu hẹp, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nhắc lại với VOA lời cảnh báo mà ông từng đưa ra trước đây.
Ông nói: “Phát triển đất nước mà dựa vào [khai thác] dầu thì rất nguy hiểm. Bởi vì khi hết dầu rồi, mà chính phủ lại không đủ tiền cho ngân sách, thì lúc đó chính phủ sẽ tìm mọi cớ để lấy thuế của dân”.
Hiện Quốc hội Mỹ đang xem xét hai gói trừng phạt chống lại Nga. Trong trường hợp phát hiện được những nỗ lực can thiệp của Nga vào bầu cử tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng tuyên bố sẽ chặn các nguồn lực của các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, VTB và Vnesheconombank, và các công ty năng lượng, trong đó có Gazprom, Rosneft và Lukoil.
Gazprom và Rosneft đều đang có các dự án liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam, trong khi Lukoil đã rút khỏi hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam vào năm 2014.
Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, các biện pháp trừng phạt lên Nga cũng có thể gây cản trở cho Việt Nam trong việc chuyển tiền giữa Nga và Việt Nam, vì hiện Việt Nam vẫn phải thông qua một nước thứ ba để chuyển tiền sang Nga và ngược lại.
Your browser doesn’t support HTML5