Hai công an Đắk Nông ngày 9/4 lãnh án tù treo trong cái chết của một nạn nhân ngay tại đồn sau khi bị bắt giữ trái pháp luật.
Ông Hoàng Văn Ngài một người dân tộc Hmong thiệt mạng ngày 17/3/2013 trong lúc bị giam tại đồn công an xã Gia Nghĩa vì bị nghi phạm tội ‘phá rừng.’
Công an nói ông Ngài tự đưa tay vào ổ điện tự tử chết, nhưng các hình ảnh chụp thi thể nạn nhân cho thấy ông có thể đã bị đánh đập tàn nhẫn trong đồn công an dẫn tới tử vong.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông trước đây kết luận rằng ông Ngài chết do tự tử và không khởi tố tội hình sự đối với hai công an liên can đến vụ việc là Lê Mạnh Nam và Trần Đăng Tùng.
Sau khi gia đình nạn nhân tiếp tục khiếu nại đòi làm rõ những bất thường trong cái chết của ông Ngài, đến tháng 7 năm ngoái, cơ quan điều tra của Bộ Công an mới khởi tố vụ án hình sự và bắt hai bị cáo Nam và Tùng về tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật.’
Tình trạng bạo hành trong ngành công an thứ nhất là do ngành công an được giao quá nhiều quyền lực mà không có sự giám sát, dẫn tới lạm quyền. Thứ hai là do trình độ, năng lực của cán bộ công an còn thấp, không dùng lý lẽ thuyết phục người ta nhận tội mà dùng bạo lực, đánh đập để lấy lời khai. Nhiều khi do cấp trên giao nhiệm vụ phải lấy bằng được lời khai, do áp lực công việc mà người ta dùng nhục hình.Luật sư Võ An Đôn.
Tại tòa sơ thẩm hôm nay (9/4), hai bị cáo thừa nhận hành vi ‘bắt giữ người trái pháp luật’ nhưng phủ nhận trách nhiệm về cái chết của ông Ngài.
Tòa tuyên phạt ông Nam 2 năm rưỡi tù treo và ông Tùng 2 năm tù treo, khiến gia đình nạn nhân bức xúc, quyết định tiếp tục kháng cáo bản án mà họ cho là quá nhẹ trước cái chết của một mạng người.
Bản án được đưa ra trong bối cảnh báo động về hàng loạt những cái chết bí ẩn tại đồn công an và sự phẫn nộ dâng cao trong công luận vì nạn tra tấn, nhục hình, bạo hành trong ngành nghề có nhiệm vụ bảo vệ an bình cho người dân giữa lúc Việt Nam đã ký kết Công ước Liên hiệp quốc về Chống tra tấn.
Luật sư Võ An Đôn, người đang bảo vệ pháp lý miễn phí cho gia đình hai nạn nhân bị công an đánh chết là ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên và em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, ở Khánh Hòa, cho rằng tình trạng chết vì tay công an phổ biến là hậu quả tất yếu của hệ thống pháp luật thiếu độc lập tại Việt Nam. Luật sư Đôn phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Tình trạng bạo hành trong ngành công an thứ nhất là do ngành công an được giao quá nhiều quyền lực mà không có sự giám sát, dẫn tới lạm quyền. Thứ hai là do trình độ, năng lực của cán bộ công an còn thấp, không dùng lý lẽ thuyết phục người ta nhận tội mà dùng bạo lực, đánh đập để lấy lời khai. Nhiều khi do cấp trên giao nhiệm vụ phải lấy bằng được lời khai, do áp lực công việc mà người ta dùng nhục hình. Để khắc phục tình trạng này, công tác giam giữ phải tách riêng, không giao công an nữa thì sẽ giảm được nhiều. Bạo hành trong ngành công an mà xử lý nghiêm, nặng thì sẽ giảm ngay thôi. Nhưng ngược lại, bên tòa án, các cơ quan tiến hành tố tụng lại không dám xử nghiêm vì áp lực từ nhiều phía. Họ bảo vệ cán bộ lẫn nhau, nhiều khi xử mức án rất nhẹ. Để xử lý nghiêm, đòi hỏi toàn hệ thống các cơ quan, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng, phải độc lập. Xử nghiêm, mức án nặng mang tính răn đe cao, thì lực lượng công an sẽ bớt dùng bạo hành đối với người dân.”
Ông Tu Ngọc Hoài, bố của học sinh lớp 9 Tu Ngọc Thạch bị công an đánh chết ở Khánh Hòa, mong muốn giới hữu trách Việt Nam sớm có biện pháp giải quyết tình trạng chết oan vì tay công an:
“Tôi mong muốn, yêu cầu pháp luật, chính quyền Việt Nam, những nhà lãnh đạo làm sao phải minh chính, minh bạch, công minh, công lý.”
Your browser doesn’t support HTML5
Mới hôm qua (8/4), có thêm một trường hợp tử vong bất thường khi đang bị tạm giam tại công an huyện Khoái Châu, Hưng Yên, mà công an nói ‘do bị cảm rồi chết.’
Your browser doesn’t support HTML5