Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói 50.000 người tỵ nạn đã rời khỏi thành phố Aleppo của Syria và trực chỉ biên giới, nhưng còn chưa rõ liệu họ có được phép vào Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc hành trình đầy nguy hiểm phải tránh né những cuộc không kích và thương lượng ở các chốt kiểm soát do các toán dân quân nổi dậy khác nhau chiếm đóng, kể cả chi nhánh al-Qaida ở Syria.
Đã nhiều tháng nay các cổng biên giới đã chính thức đóng lại, không nhận người tỵ nạn mới nữa, và những ai bỏ trốn buộc phải trả tiền cho các tay buôn người để nhập cảnh bất hợp pháp, đôi khi dùng các đường hầm để né tránh những cánh đồng chết.
Người giàu thì có thể hối hộ cho lính biên phòng – giá hiện hành là 700 đôla một đầu người – người nghèo thì có thể vượt ải sau khi trả cho các tay buôn người từ 50 đôla đến 100 đôla đầu người để lẻn trốn qua các lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ đi tuần tra những cánh đồng nông trại và những vườn cây olive nằm ngay cạnh biên giới.
Các cuộc không kích của Nga và một cuộc tấn công của bộ quân Syria chủ yếu ở vùng nông thông phía nam và đông thành phố Aleppo đã châm ngòi cho một đợt sóng người Syria tiến về phía biên giới. Chủ tịch Hội đồng người Turk ở Syria Abdurrahman Mustafa nói ông cũng ước tính khoảng 50.000 người đã rời khỏi thành phố và đang dò dẫm trên những con đường đầy ổ gà, qua các chốt kiểm soát và những ngôi làng bị tàn phá để đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói, “Một cuộc di trú lớn đã bắt đầu từ miền nam Aleppo.”
Một cuộc hành trình gay go
Hành trình 68 kilomet từ Aleppo đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một chuyến đi nguy hiểm. Quãng đường lẽ ra chỉ mất 1 giờ lái xe trước thời chiến nay có thể phải mất 2 ngày với những trở ngại do những vụ oanh tạc ác liệt, những cuộc giao tranh bùng nổ và những trạm kiểm soát.
Một sinh viên tên Ahmed, đi cùng với chị gái và 3 đứa cháu từ 8 đến 14 tuổi, nói:
Rất khó vì có nhiều phe phái khác nhau trên đường đi.”
Với dáng người dong dỏng và mái tóc màu sậm, Ahmed vừa rít mạnh một hơi thuốc lá vừa giải thích là họ đã phải đi đường vòng để đến thị trấn Kilis ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trước tiên trực chỉ hướng tây bắc từ Aleppo đế đến thị trấn Afrin ở biên giới Kurd, với hy vọng lén vượt qua biên giới ở đó, và nếu thất bại, thì tìm ra ai đó lái xe đưa họ về hướng đông xuyên qua những ngôi làng đang bị nhắm làm mục tiêu không kích của chính phủ cũng như những vụ tấn công trên bộ của các phần tữ chủ chiên Nhà nước Hồi giáo.
Anh nói, “Có rất nhiều chốt kiểm soát. Đạo quân Giải phóng Syria, chính phủ, Daesh, tức IS, Jabhat al-Nusra, tất cả đều ở trên đường đi.”
Anh kể với đài VOA: “Chúng tôi ngủ trên đường khi nào ngủ được.” Người chị 32 tuổi của anh, từng làm nhân viên kế toán, còn đang trong giai đoạn phục hồi sau một phẫu thuật ung thư vú nhưng không có đủ thuốc men cần đến. Gia đình xuất thân từ đông Syria, ở Deir ez-Zorm nhưng đã bỏ trốn khỏi đó từ hơn 2 năm trước.
Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho nhau
Tại Gaziantep gần đó, các giới chức từ nhiều nước Âu châu khác nhau – tìm cách thương lượng liệu phía Thổ Nhĩ Kỳ có cho phép người tỵ nạn nhập cảnh hàng loạt và sự kiện đó có thể ảnh hưởng ra sao đến cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu.
Một nhà ngoại giao Âu châu yêu cầu không nêu danh tính nói, “Với thời tiết mùa đông sắp bắt đầu trong tháng tới, con số lên đường đi châu Âu có phần chắc sẽ giảm bớt nhiều. Nhưng tôi nghĩ con số sẽ lại tăng lên, vào tháng 3 năm tới vì thế ta còn đến lúc đó để bắt đầu tổ chức một cách thích đáng cách thức đối phó và đề xuất một tiến trình nhân đạo, có trật tự.”
Ông quy trách phần lớn cho người Thổ Nhĩ Kỳ về số người tỵ nạn chiến tranh tìm đường đi châu Âu với số lượng ngày càng lớn.
Ông nói, “Họ đã phần nào tạo ra vụ khủng hoảng này. Kể từ tháng 2 họ đã từng bước gây khó khăn thêm cho cuộc sống của người tỵ nạn ở đây - không cho họ quyền cư trú, gây khó khăn cho họ về công ăn việc làm, ngăn cản họ mở các cơ sở kinh doanh. Đương nhiên, nhiều người tỵ nạn sẽ nghĩ đến việc lên đường qua phương tây, đến châu Âu, nhưng trong mấy tháng vừa qua, thông điệp của người Thổ Nhĩ Kỳ đã rất rõ ràng là “Hãy cút đi.”
Trong những tuần lễ vừa qua, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất một loạt quy định mới, đòi hỏi người tỵ nạn phải được phép để đi máy bay trong nước hay đi lại giữa các tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phản bác trước lời tố cáo rằng họ tạo ra vụ khủng hoảng và nói họ chính là những người ở tiền tuyến và đã phần lớn phải gánh vác gánh nặng người tỵ nạn với sự hỗ trợ thiếu thốn của châu Âu, là phia trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ là vùng trái độn của EU chống lại luồng người tỵ nạn khổng lồ.
Một giới chức Âu châu khác làm việc ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã trút sự bất mãn với VOA về phản ứng của Liên hiệp châu Âu tính đến nay đối với hàng chục ngàn người tỵ nạn đổ vào khối nước này.
Ông này nói, “Chúng tôi đã nói lên bằng nhiều tiếng nói và không phải một tiếng nói thống nhất và bàn luận chống lại nhau, chứ không phải cùng nhau. Chúng ta có xấp xỉ 4 tháng để cùng hành động trước khi luồng sóng lại dâng lên.”
Một số người tỵ nạn quay trở về Syria
Đối với một số người tỵ nạn, sự khó khăn trong cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là không đi về phía tây tới châu Âu mà là về hướng nam trở lại Syria bị tan nát vì chiến tranh, chống chọi với các chốt kiểm soát và các vụ không kích một lần nữa. Ibrahim, một công nhân nông thôn từ vùng quê Aleppo, và các anh em đã làm việc bất hợp pháp trong mùa thu hoạch hè ở Thổ Nhĩ Kỳ, nay đang cùng với vợ và 5 đưa con lên đường trở về Syria.
Người nông dân này giải thích: “Chúng tôi đã không tìm được việc làm, chúng tôi không có nơi nào để sống và không có đủ tiền. Với một đống túi vải thô đựng vài món quần áo và vật dụng nấu nước, gia đình luộm thuộm này chờ đợi tại bến xe đò ở Kilis, một thị trấn đã tăng gấp đôi số dân kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, với hy vọng tìm được một người lái xe tải bỏ mui, trả vài lira để đưa họ đến biên giới để đi bộ trở lại với một tương lai bất định.