Chiến tranh ở đâu?

  • Nguyễn Hoàng

Chiến tranh ở đâu?

Suốt một tuần lễ trời mưa tầm tã. Chỗ nằm của cha Minh và tôi bị nước tạt ướt, phải di chuyển ép sát vào bên trong. Ban đêm nghe tiếng nước chảy liên tiếp từ cái rãnh bên hè xà lim xuống ống cống ở cuối nhà giam.

Thời tiết thay đổi. Lạnh bất ngờ. Tôi nằm ngủ hai chân co lên, đầu gối áp sát vào ngực. Buổi sáng thức giấc bỗng thấy chiếc áo chùng của Cha Minh đắp lên tôi từ hồi nào. Tất cả những người tù bị giam trong “nhà mưa” – đó là một phòng chật, thấp, lợp tôn, tù ở trần trùng trục, chỉ có thể đứng và ngồi chớ không thể nằm, ngày cũng như đêm, mồ hôi vã ra như tắm - gặp cơn mưa thứ thiệt của trời đất đã có dịp được mặc quần mặc áo.

Tôi bị bệnh thật sự. Tôi nghe lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi không có cách nào giữ cho hai chiếc quai hàm đừng đập vào nhau. Tôi thấy diễn ra trước mặt mình vô số hình ảnh. Người quen, kẻ lạ. Cảnh tượng thiên đàng. Bóng dáng địa ngục. Phố xá người đông đúc chen nhau đi. Những quán cà phê. Khách hàng ra vào tấp nập. Những đốm sáng bay ngược chiều thổi vào mắt tôi với tốc độ của chiếc máy bay phản lực. Tôi thấy khuôn mặt Quỳnh nhạt nhòa nước mắt. Tôi nghe tiếng con tôi khóc trong nôi giữa căn nhà ở hẻm Lê Văn Mùi khu Mã Lạng ngập nước. Những chiếc dép cao su, những tờ giấy trôi lềnh bềnh.

Chiếu qua màn ảnh trí nhớ tôi còn là một người đàn ông tên Trần Lâm Thăng, chạy chiếc xe Lambretta màu bạc, sau lưng ông ta là một cô gái tên Quỳnh, gầy nhom, cao, hai con mắt dân Mông Cổ. Trời mưa to. Xe chết máy trên đường Lê Lai gần nhà ga xe lửa, nơi ống cống bị nghẽn khiến con đường đã trở thành như một giòng sông. Cả hai ướt như chuột lột. Chiếc áo mưa nhà binh mặc ngược trước ngực người đàn ông không che nổi những giọt nước thổi xuống da thịt cả hai.

Rét lạnh. Co ro. Saigon trở lại trong trí nhớ tôi, không phân biệt đâu là thời điểm sau và trước tháng Tư Bẩy Lăm. Tuấn-Luật-Sư mặc áo bỏ ngoài quần, mang dép râu, nói giọng cách mạng. Ông Mười Tân với hai con mắt lạnh, những ngón tay gõ nhịp trên mặt bàn, điếu thuốc luôn luôn gắn trên môi, bộ quần áo kaki màu bộ đội, tóc bạc cắt ngắn sát da đầu. Đó là một con người mạnh và cứng, cực kỳ thiên kiến. Một con người rất “chủ nghĩa”. Yêu, ghét rạch ròi như thể ngoài hai màu trắng và đen ra trên đời này không còn một màu sắc nào khác, như thể đời sống chỉ là một bài toán chỉ có hai đáp số, nếu không trung thì nịnh, nếu không ngay thì gian, nếu không là thế này thì phải là thế kia, không thể vừa là cái này vừa là cái kia. Rạch ròi. Phân minh. Chính xác. Tôi thấy tôi như một con nhện đi trên những sợi thừng do con người giăng. Tôi nhớ…

Từ chỗ nằm, tôi có thể nhìn thấy cái vòm cửa nhỏ của chiếc xà lim nhốt một người nữ tù. Thấp thoáng hai con mắt dại đi vì bóng tối. Tiếng xích sắt của Tư Long khua không còn vang đến tai tôi, nhưng tôi vẫn nghe rõ mồn một, như thể tôi đang nằm bên ông. Mộng mị. Chiêm bao. Tưởng tượng. Bệnh tưởng. Tôi nhìn thấy cả quá khứ và tương lai.

Quá khứ của tôi? Những ngày dài buồn chán kể từ một tuổi thơ bơ vơ lạc lõng trong một gia đình ly tán, cho đến tuổi một thanh niên học hành lở dở đầu óc tràn ngập mặc cảm, và cay đắng… Như một người đứng bên lề cuộc đời, tôi câm điếc đui mù trước cảnh sống ngột ngạt của một thành phố sa đọa. Tiếng đại bác đêm đêm vọng về như một người quen gọi tên mình, nhưng tôi cứ giả điếc làm ngơ nhất định không nghe.

Tôi chạy trốn những giọt nước mắt và máu. Lựu đạn nổ ở ngã tư đường, bom trong rạp hát, mìn claymore trên một nhà hàng nổi ở bến tàu, nơi tôi vừa bước ra trước đó chưa đầy năm phút… Chiến tranh không thập thò ở ngưỡng cửa thành phố, chiến tranh đã hòa tan trong không khí với hơi lựu đạn cay, với những bánh xe nhà binh bị đốt cháy nằm giữa mặt đường. Để tự trấn an mình, tôi lý luận cho riêng tôi rằng ở ngoài chiến trường dẫu sao vẫn dễ hơn là ở thành phố. Một nơi người ta có thể nhận diện kẻ thù, còn một nơi người ta không biết ai là ai. Bịt mắt trước ánh sáng tung tóe của những trái hỏa châu soi xuống những vùng ven đô, tôi đã sống trong cảnh đui mù của một con người tàn phế.

Chiến tranh ở đâu? Bao nhiêu bè bạn tôi đã cầm súng ra mặt trận để rồi sau đó làm nạn nhân? Cũng có đứa chưa kịp cầm lấy khẩu súng, cây gậy giết người, đã phải làm ngay nạn nhân thời chiến. Chiến tranh ở đâu, khi cha tôi bị bắt phải bước qua cái nghĩa địa đầy mồ mã của những người trong gia tộc, để rồi sau rốt đành lấy những giọt rượu làm người tri kỷ đốt cháy những ngày cùng tháng tận. Chiến tranh ở đâu khi người anh tôi khoát cây súng lên vai đi khắp bốn vùng chiến thuật, để cuối đời về nằm bẹp dí trên giường bệnh chờ chết mà không nhận được một lời thăm hỏi. Anh đã là một người “chiến sĩ vô danh” được “tổ quốc ghi ơn” khi hãy còn thở. Khi bà chị dâu tôi sanh ra đứa con đầu lòng tưởng rằng chiến tranh đã hết đặt tên cháu là Đình Chiến, Trần Đình Chiến, nhưng chiến tranh vẫn cứ hiên ngang tồn tại, chờ cho Đình Chiến kịp đến tuổi động viên thi hành quân dịch vào quân trường, súng trên vai đi bốn vùng chiến thuật với vết thương trên vai trên ngực, để rồi cuối cùng cũng còn kịp thời giờ chán để cháu bước vào trại cải tạo như một tù binh…

Tôi đâu phải là thiền sư, sau bao nhiêu năm sống trong cảnh tăm tối vật vờ, bây giờ nằm trong nhà giam nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn, ngửi mùi hôi thối của cống rãnh chảy cạnh chỗ nằm, bỗng giật mình thấy ánh sáng… Nhưng tôi biết rằng ánh sáng đó là một điều có thực. Tôi nghiệm ra cuộc đời không đến nỗi bi thảm như tôi nghĩ, tôi tưởng. Những quả chuối treo lủng lẳng ở cửa sổ phòng giam của người phụ nữ bị bắt vì “tội phản động dám chống lại chính quyền cách mạng” mới hôm qua còn xanh nay đã vàng chín. Từ chỗ nằm của tôi, tôi đã có lần thấy mấy tên công an áo vàng dẫn chị đi “làm việc” ngang qua rãnh nước. Tôi thấy chị cười khi người tù cắt tóc đang cạo trọc nửa đầu một người tù khác là tôi. Nụ cười của người tử tội dạy cho tôi biết bao nhiêu điều. Với cái vẻ đẹp ở đâu cũng có, vấn đề là mình có nhìn thấy nó và biết chia sẻ với nó không. Tôi nhớ lại những ngày nằm chung xà lim với Tư Long. Công thần hãn mã như Tư Long mà còn bị cái chế độ Tào Tháo giam nhốt không biết ngày ra thì cái thứ người như tôi có gì để mà lý đến. Tôi nghĩ đến Sáu Phận, tên coi tù mà nào có khác chi người tù, có khác chăng chỉ là cái không gian của hắn rộng hơn, chân cẳng của hắn ít quẩn hơn. Và hai người học sinh của tôi; Kiệt đã chọn cho mình một quyết tâm riêng sau ngày cha cậu tự sát. Hoặc đi vào chiến khu chống lại chế độ mới hoặc vượt biển đến Mỹ học cho thành tài chờ ngày trở lại quang phục quê hương.

Và tôi không quên được cái hình ảnh mới nhất của Nhị Hà. Một khuôn mặt đằm thắm trong bộ quần áo công an. Cái nhìn lạnh lùng, những câu hỏi dửng dưng. Nhị Hà, người học sinh mà có lần Kiệt báo động cho tôi biết đừng bao giờ nói điều hớ hênh gì với cô gái ấy. “Bố” cô là một người Nam tập kết, nhưng cô thì rất căm thù dân Nam Kỳ. Năm 54, khi tập kết ra Bắc, ông họa sĩ Đặng Thanh Chánh chia tay vợ và con trai lúc đó mới tám tuổi, hẹn hai năm sau đất nước thống nhất trở về đoàn tụ. Nhưng ai ngờ, hai năm rồi hai năm, đất nước vẫn chia lìa. Năm 58, ông họa sĩ tập kết, người chuyên vẽ những bức tranh ca ngợi “lính cụ Hồ” được Đảng cho phép lập gia đình với một nữ văn công trong đoàn kịch nói Hà Nội. Nhị Hà ra đời. “Bố” là họa sĩ, mẹ là văn công, Nhị Hà ưa thích văn học cũng là một lẽ dễ hiểu. Bà Chánh ở Saigon khổ nhọc nuôi con, không nhận được một tin tức nào của chồng. Bà gá nghĩa với một ông thầu khoán người Bắc di cư. Ngoài đứa con trai riêng với ông Chánh, bà còn có thêm ba cô con gái với người chồng sau. Tháng Tư Bẩy Lăm, ông cán bộ họa sĩ trở vào Saigon. Ông thầu khoán bị chế độ mới bắt đi tù cải tạo vì thuộc thành phần tư sản mại bản. Ống Chánh tìm gặp lại được người vợ cũ. Nhưng có lẽ lương tâm ông đắn đo có nên gặp lại người xưa không, cũng có lẽ lập trường chính trị của ông bị chao đảo. Ông đứng thập thò giữa biên giới đảng và vợ cũ. Đứa con trai của ông đã trình diện đi học tập cải tạo vì là sĩ quan của chế độ cũ. Bà Chánh khóc lóc xin ông tìm cách cứu giọt máu riêng của hai người và nếu có thể cứu người chồng mới đã có ba mặt con với bà. Ông Chánh không nhận lời cũng không nói thẳng là từ chối. Nhưng rõ ràng là ông không làm gì để cứu người con là sĩ quan biệt động trong quân lực Việt Nam Công Hòa. Người ta nói ông Chánh đã tìm cách chinh phục người vợ cũ - bỏ mẹ con Nhị Hà không ngó ngàng đến, và sau đó dọn về ở hẳn trong biệt thự của người vợ trước.
Nhị Hà có lần nói thẳng với mấy bạn trai, những học sinh của Saigon cũ, rằng cô rất ghét người Saigon, “giống dân bạc tình bạc nghĩa, chỉ biết chạy theo vật chất mà quên cái phần tinh túy là tâm hồn.”

Nhị Hà là một trong số những đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh “cực tả” trong thành đoàn. Không một chiến dịch nào do Thành ủy và Ủy Ban Nhân dân thành phố mở ra đánh vào dân Saigon mà không có sự tham dự của Nhị Hà. Các vụ đánh tư sản, đổi tiền, tịch thu văn hóa phẩm gọi là phản động và đồi trụy, tấn công nhạc vàng, ruồng ốp sách báo cũ… đâu đâu cũng thấy Nhị Hà đi hàng đầu. Sau cùng Nhị Hà vào ngành công an. Cô thấy không ngành nào thích hợp cho lòng thù hận của cô bằng ngành này.

Còn tương lai?
Ừ, tương lai thì sao?
Tôi cần gì tương lai. Hiện tại tôi sống chưa xong, chưa hết, việc gì tôi tìm kiếm tương lai!

Tôi nhớ lại nụ cười của người nữ tù. Một mái tóc rối bù, một khuôn mặt xanh xao, một bộ quần áo màu đen, bạc mốc. Nhưng nụ cười ấy đã làm ấm lại cái mùa đông tù ngục của hiện tại. Nụ cười ấy làm tan đi trong tôi những ý nghĩ đen tối chết chóc suốt bao nhiêu ngày nay. Tôi nhớ Tư Long, sợi xích sắt nặng nề buộc vào hai cườm tay, hai cổ chân, khua động rên xiết; hai sợi xích còn nặng hơn cả tấm thân toàn da với xương khẳng khiu còi cọt; tên cuồng tín chủ nghĩa, sau cùng đã thốt lên: “Tôi phải sống để nhìn cái lũ đó chết, chớ tôi đâu có dại gì chết trước cái lũ đầu trâu mặt ngựa đó.”

“Anh Thăng!”

Bất ngờ có người gọi tên tôi và tôi cảm thấy có một bàn tay lay lay bả vai tôi.

Tôi mở choàng mắt dậy. Người đàn ông ngồi chồm hổm ngay chỗ nằm tôi là một cai tù. Tôi biết chắc như vậy, bởi vì tôi thấy y có đeo đồng hồ.

“Anh có phải là Trần Lâm Thăng không?”
“Phải.”
“Hôm nay có thăm nuôi, sao anh không ra sân chờ nghe tên?”
“Tôi bị bệnh. Mà tôi không chắc là nhà tôi biết tôi đang ở đây đâu.”
“Không nên bi quan như vậy. Nên rửa mặt rửa mũi đi. Tôi chắc hôm nay anh có người nhà thăm mà!”

Trích Bụi & Rác
Chương Mười Bốn - Phần 1