Không có hộ khẩu con cái phụ nữ Việt ở TQ chịu nhiều thiệt thòi

Giảng đường đại học là nơi quá xa vời đối với những người không có hộ khẩu ở TQ

Tại tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc, được biết từ những năm đầu của thập niên 1990 đã có rất nhiều phụ nữ Việt lấy chồng người bản địa. Con cái của họ giờ cũng đã ở độ tuổi thiếu niên và nhiều em sắp bước sang tuổi đi học đại học. Tuy nhiên giấc mơ được học lên cao của các em thật sự là một điều xa vời, nếu không muốn nói là không thể thành hiện thực bởi những qui định khắt khe của chế độ hộ khẩu của Trung Quốc, vốn được áp dụng từ hơn 50 năm qua, mà nhiều người cho là đã quá lỗi thời và bất công.

Em Mạc Thủy Yến, năm nay 14 tuổi, được một bài viết trên tờ Southern Weekly của Trung Quốc mô tả là một bé gái chẳng khác gì những em gái Trung Quốc khác và em nói tiếng phổ thông cũng lưu loát như người bản địa. Tuy nhiên sự khác biệt chính giữa em và các bạn đồng trang lứa là các bạn em thì sẽ có cơ hội được học lên đại học còn Yến thì nói rằng “em không biết phải làm sao, có lẽ em sẽ đi học thêm 2 năm nữa rồi lại trở về làm một người nông dân thôi”.

Một bài phóng sự khác trên báo Southern Metropolis Daily thì trích lời một bé trai tên Mã Hải Lâm 13 tuổi, một lần nói với cha “con muốn đi học đại học, cha nghĩ có được không? nhưng bạn con nói rằng con không có hộ khẩu thì không thể đăng ký học đại học được”, và người cha thì chỉ biết thở dài và không biết phải trả lời con ra sao.

Theo giáo sư người Trung Quốc, Trần Kim Vĩnh, tại trường đại học Washington, người chuyên nghiên cứu về vấn đề di trú của Trung Quốc và có rất nhiều bài viết nói về hệ thống hộ khẩu của nước này, thì hệ thống đăng ký nhân khẩu của Trung Quốc đã được áp dụng từ trước năm 1949, khi đó hệ thống này chủ yếu chỉ dùng để thu thập số liệu thống kê và cho mục đích thu thuế và gọi thanh niên nhập ngũ. Tuy nhiên hệ thống này không có chức năng như một cơ chế kiểm soát kinh tế và xã hội tổng thể trong thời bình.

Vào năm 1951 hệ thống này được phục hồi lại để lưu trữ dữ liệu về cư dân ở thành thị và để truy tìm bất cứ thành phần chống chính phủ nào còn sót lại. Đến năm 1955, hệ thống này được mở rộng để bao gồm cả nông thôn và thành thị. Và tới năm 1958, qui định về hộ khẩu toàn diện hơn chính thức được ban hành. Nghị định được quốc hội ban hành này đòi hỏi tất cả các di dân trong nước phải được giới hữu trách tại nơi đến chấp thuận. Mỗi người sẽ được phân loại là người thành thị hay nông thôn và đối với trẻ sơ sinh thì sẽ lấy theo hộ khẩu của người mẹ.

Giáo sư Trần nói rằng hộ khẩu là một thứ giấy tờ rất quan trọng đối với người dân Trung Quốc:

“Trừ khi quí vị là người rất giàu có, nếu quí vị giàu có thì có thể là hộ khẩu không quan trọng, nhưng nếu quí vị thuộc tầng lớp nghèo hay tầng lớp thấp kém trong xã hội thì hộ khẩu là vô cùng quan trọng đối với nhiều việc. Đi học đại học chắc chắn là phải cần đến hộ khẩu và phải là hộ khẩu thích hợp.”

Tại sao những phụ nữ Việt này đã ở Trung Quốc lâu như vậy nhưng họ không được đăng ký hộ khẩu?

Theo các bài phóng sự trên báo Southern Metropolis Daily và Global Times thì những phụ nữ này đã nhập cư vào Trung Quốc một cách bất hợp pháp, có người vì chạy chốn hoàn cảnh khó khăn và hy vọng sẽ tìm được việc làm ở Trung Quốc, có người thì bị gả bán cho các ông chồng người Trung Quốc.

Mẹ của Yến vẫn còn nhớ bà đã vượt biên qua đường sông để đến Trung Quốc cách nay hơn 10 năm, khi đó bà phải trả cho chủ thuyền 200 nhân dân tệ. Bà và những phụ nữ khác được sắp xếp để đi cùng những người đàn ông Trung Quốc có giấy tờ hợp lệ và ban đầu được đưa tới thị trấn Đông Hưng rồi sau đó họ được đưa tới nhiều địa điểm khác nhau ở Quảng Đông và Quảng Tây. Trong khi đó người cha của bé Hải Lâm đã phải trả cho những kẻ buôn người khoảng 7.000 nhân dân tệ hồi năm 1995 để kết hôn với mẹ cậu.

Chính vì những người phụ nữ này nhập cảnh vào Trung Quốc mà không có giấy tờ hợp lệ nên họ đều không có giấy đăng ký kết hôn chính thức. Ngoài ra, theo qui định để con cái họ có được hộ khẩu thì ngoài việc chứng minh DNA giữa cha và con, những cô vợ Việt Nam này cũng phải về Việt Nam để con họ được mang hộ khẩu theo cha, và gia đình họ phải là gia đình không vi phạm chính sách một con của Trung Quốc, trong khi những gia đình này thường có từ ba đến bốn người con.

Ngoài việc không được đi học đại học, những người không có hộ khẩu như các em còn không được hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội khác. Và thậm chí khi trưởng thành và muốn ra thành phố tìm việc, họ cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Giáo sư Trần nói:

“Có rất nhiều người chịu ảnh hưởng của hệ thống này. Rõ ràng là hệ thống này không công bằng đối với những người không có hộ khẩu phù hợp, họ gặp rất nhiều khó khăn, như là khó tìm được việc làm thích hợp, họ bị phân biệt đối xử, con cái họ không thể đi học nếu họ chuyển tới địa phương mới. Họ không được hưởng lợi từ hệ thống phúc lợi xã hội hay hệ thống an sinh xã hội thành thị của Trung Quốc. Ví dụ như ở Trung Quốc có quĩ hỗ trợ thất nghiệp, nên nếu người thành thị thất nghiệp thì họ có thể được nhận trợ cấp, nhưng người nhập cư thì không”.

Theo giáo sư Trần hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc không chỉ gây nên hiện tượng đối xử bất công với người không có hộ khẩu thành thị mà còn dẫn đến tình trạng tham nhũng và nhận hối lộ của các giới chức Trung Quốc

“Tôi đọc rất nhiều câu chuyện về tình trạng này, mọi người lợi dụng hệ thống đó. Những quan chức có quyền sẵn sàng nhận hối lộ và giúp đỡ quí vị. Và tất nhiên họ còn tìm cách bán hộ khẩu nữa. Ở một số thành phố nếu quí vị giàu có và có tiền mua những căn hộ đắt tiền thì họ cũng có thể cấp hộ khẩu cho quí vị.”

Chính vì những bất cập đó mà giáo sư Trần cho rằng Trung Quốc cũng như các nước khác vẫn còn áp đặt chế độ hộ khẩu, như Việt Nam, nên bãi bỏ hoặc chí ít là phải cải cách hệ thống hộ khẩu này.

“Theo quan điểm của tôi thì tôi nghĩ chúng ta phải bãi bỏ hệ thống hộ khẩu này vì nó không công bằng và gây nên nhiều vấn đề. Tuy nhiên điều khó khăn là không thể bãi bỏ một sớm một chiều, bởi nói liên hệ với quá nhiều vấn đề khác. Trong trường hợp của Trung Quốc thì tôi cho rằng một trong những liên hệ đó là hệ thống này đã giúp Trung Quốc tạo ra một đội ngũ lao động rẻ, và điều này rất hữu ích khi Trung Quốc trở thành nhà máy của thế giới. Đó là lý do kinh tế. Vì vậy nếu thay đổi thì sẽ khiến chi phí lao động ở Trung Quốc gia tăng và Trung Quốc có thể sẽ không thể tiếp tục là nước cung cấp chính về những hàng hóa giá rẻ cho thị trường thế giới. Hồi tháng trước cũng đã có một số tờ báo ở Trung Quốc đã hợp tác cùng nhau và họ cho đăng tải một bài xã luận chung, trong đó chỉ trích hệ thống hộ khẩu và cho rằng Trung Quốc nên bãi bỏ hệ thống này. Và chỉ vài giờ sau khi bài báo được đăng thì giới hữu trách đã gỡ bỏ ngay.”

Nếu chế độ quản lý hộ khẩu không được bãi bỏ ở Trung Quốc thì tương lai con cái của những người phụ nữ Việt Nam này sẽ ra sao? Liệu các em có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn và cuộc sống nghèo khó ở nông thôn hay không cho dù các em không thua kém gì các bạn bè người Trung Quốc cùng trang lứa? Đó là câu hỏi mà các em và gia đình đang rất mong tìm được câu trả lời.