Các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên nói rằng chuyến xe lửa riêng của ông Kim Jong-Il đã băng qua biên giới vào Trung Quốc ở thành phố Đan Đông miền đông bắc. Các bản tin chi tiết nói lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã nghỉ qua đêm ở thành phố Đại Liên trước khi lên đường đi Bắc Kinh.
Không tiếp xúc được với các giới chức tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh vì là dịp lễ ở Trung Quốc.
Tin cho hay an ninh được bố trí dầy đặc ở biên giới Bắc Triều Tiên, nhưng không thấy có hiện tượng tăng cường an ninh ở Bắc Kinh, nơi người ta cho rằng ông Kim sẽ đến. Một số người ở thủ đô Trung Quốc, tỷ như anh Đào Diệp, 28 tuổi, nhân viên ngân hàng, hoan nghênh chuyến thăm có thể diễn ra.
Anh Đào nói anh hy vọng Trung Quốc có thể giúp Bắc Triều Tiên phát triển và tăng cường nền kinh tế. Anh cũng nêu ra những cảm tưởng mạnh mẽ mà nhân dân Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cùng chia sẻ.
Chuyến đi Trung Quốc này sẽ là chuyến đi lần đầu tiên lãnh tụ Bắc Triều Tiên từ 4 năm nay, và là chuyến đi ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi người ta nghi là ông bị đột quỵ vào năm 2008.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và đồng minh chính trị chủ yếu của Bắc Triều Tiên.
Các nhà phân tích thời cuộc nói ông Kim có thể đến Trung Quốc để mưu tìm viện trợ tài chính, tiếp theo vụ cải cách tiền tệ thất bại hồi cuối năm ngoái ở Bắc Triều Tiên khiến cho tình trạng lạm phát trở nên tệ hại hơn và châm ngòi cho tình trạng bất ổn dân sự. Đất nước cô lập này còn bị đặt dưới áp lực của các biện pháp chế tài mà Liên Hiệp Quốc áp đặt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân cách đây 1 năm.
Ông Yang Moo-jin là một giáo sư tại trường Đại học Nam Triều Tiên chuyên khảo cứu về Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Yang nói ông nghĩ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhắm mục đích thảo luận công cuộc hợp tác với Trung Quốc về việc tăng cường quan hệ kinh tế, các cuộc đàm phán về giải giới hạt nhân và “sự cố Cheonan”.
Vụ Cheonan có liên quan đến sự kiện chiếc tàu của hải quân Nam Triều Tiên bị đắm mà nguyên nhân còn chưa giải thích được. Seoul nghi cho Bình Nhưỡng là thủ phạm. Trung Quốc đã ngỏ lời phân ưu về những tổn thất sinh mạng trong vụ này, nhưng từ chối không đứng về bên nào.
Các cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã bị khựng lại từ hơn 1 năm nay, vì một vụ tẩy chay của Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán này quy tụ Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga.
Có tin nói rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã đi Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.