Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du đã đưa ra câu trả lời rất vắn tắt để đáp lại câu hỏi bao trùm cuộc họp báo hôm nay là lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il có mặt ở Trung Quốc hay không.
Bà Khương Du nói bà hiểu rằng các phóng viên ngoại quốc rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng cho biết bà không có thông tin nào để cung cấp.
Bà không xác nhận mà cũng không phủ nhận nhiều tin tức của giới truyền thông nói rằng ông Kim và chuyến tầu bọc thép của ông đã vào Trung Quốc hôm qua.
Các bản tin còn kèm theo hình ảnh mới của ông Kim ở đông bắc Trung Quốc và các tự sự về an ninh được tăng cường dọc theo đường đi của chuyến xe lửa.
Những vụ đi lại của ông Kim luôn luôn được trùm kín trong màn bí mật. Các chuyến đi thăm Trung Quốc trước đây chỉ được chính thức xác nhận sau khi diễn ra.
Đáp lại một câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có theo đúng tập tục cũ về chuyến đi của ông Kim, bà Khương Du nói rằng các chuyến thăm cấp cao luôn luôn được quyết định qua sự hội ý giữa cả hai nước.
Bà Khương Du không đi đến mức xác nhận chuyến thăm, nhưng nói rằng mỗi nước đều thực hiện điều bà mô tả là “các sắp xếp thích hợp tùy theo tình hình thực tế” của mỗi chuyến thăm.
Nữ phát ngôn viên này nói rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là các nước láng giềng tốt và thân thiện. Lãnh tụ Mao Trạch Đông của Trung Quốc đã từng mô tả mối quan hệ đó là “môi hở răng lạnh”.
Năm 1950, Trung Quốc đã đứng cùng với lực lượng Cộng sản Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh chống lại Nam Triều Tiên được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Các chuyên gia phân tích thời cuộc trong vùng nói rằng một số các vấn đề mà ông Kim và giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra thảo luận là viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên nghèo khó, và việc kế nhiệm người lãnh đạo.
Một vấn đề quan trọng khác là các cuộc đàm phán 6 bên, nhắm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng đã bỏ ra khỏi các cuộc đàm phán cách đây một năm và ít lâu sau đã thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã đáp lại bằng cách áp đặt các biện pháp chế tài.
Các cuộc đàm phán có sự tham gia của Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga.
Bà Khương Du lập lại lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị nối lại các cuộc đàm phán 6 bên, và hối thúc tất cả các nước liên hệ – kể cả Bắc Triều Tiên – hãy hợp tác hướng tới mục tiêu đó.
Các giới chức Trung Quốc dường như đang đáp ứng yêu cầu giữ bí mật của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il, và từ chối không cho biết liệu ông này có đang ở Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, các ký giả nước ngoài đã chụp được ảnh ông Kim ở miền bắc Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.