Tổ chức Hợp tác Thượng Hải phát triển mạnh với sự hỗ trợ của TQ

  • Stephanie Ho

Các nước thành viên nguyên thủy của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là Trung Quốc và Nga cùng với 4 nước Trung Á: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan

Liên minh khu vực Á châu có tên là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vốn được thành lập để giải quyết những vụ tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc, Nga và một số nước Trung Á. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết sau 10 năm hoạt động và với hàng chục tỉ đô la tài trợ của Trung Quốc nhóm này đang phát triển mạnh và thu hút các hội viên mới. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong lúc đang chuẩn bị ăn mừng kỷ niệm 10 năm thành lập trong năm nay, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã bắt đầu xem xét tới kế hoạch nới rộng tổ chức lần đầu tiên, vượt khỏi các nước thành viên nguyên thủy là Trung Quốc và Nga cùng với 4 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan.

Tuần này các nhà lãnh đạo của những nước vừa kể sẽ cùng với các vị tổng thống của Iran, Pakistan và Afghanistan, và ngoại trưởng Ấn Độ tham dự một hộïi nghị cấp cao tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Ông Richard Weitz là một nhà nghiên cứu của Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu chính sách công có trụ sở ở Washington. Ông nói rằng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gọi tắt là CSO, đang có một đà tiến mới mà các nước hội viên vốn không ngờ tới.

Ông Weitz nói: "Tất cả các nước này đều cảm thấy ngạc nhiên trước việc tổ chức của họ đã phát triển một cách nhanh chóng và tốt đẹp trong những năm đầu. Họ không hề dự kiến là chuyện này sẽ xảy ra.
Các nước CSO đều có những lợi ích của riêng mình, đặc biệt là hai nước lớn nhất trong khối là Trung Quốc và Nga. Ông Weitz cho biết Moskova và Bắc Kinh chia sẻ với nhau những lợi ích chung là chiến đấu chống khủng bố và duy trì ổn định."

Ông nói rằng năng lượng là một lãnh vực mà nhiều nhà quan sát từng nghĩ là có thể dẫn tới xung đột, nhưng thay vào đó, việc này đã đưa tới hợp tác, ít nhất là cho tới giờ phút này. Ông nói rằng nguyên do là Trung Quốc, với nhu cầu khổng lồ về năng lượng, đã cố ý nhường nhịn Liên bang Nga, là nước có nhiều tài nguyên năng lượng để đem bán.

Ông Weit nói thêm: "Đối với những nước khác, đây là một cách tốt để có được những thương vụ với cà Moskova lẫn Bắc Kinh. Nếu tìm cách ứng phó với Nga hoặc Trung Quốc ter6n cơ sở từng nước một, những nước này chắc chắn sẽ bị thiệt thòi vì họ yếu hơn nhiều. Nhưng khi sát cánh với nhau họ được cân bằng hơn. Báo chí từng trích lời một giới chức Trung Á giấu tên nói rằng khi có sự hiện diện của Trung Quốc thì Nga không thể sử dụng những mánh lới cố hữu của mình."

Tư cách hội viên CSO cũng cho các nước Trung Á được vay tiền từ Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã cho vay rất nhiều và theo một số ước tính thì khoản tiền mà họ cho các nước đang phát triển vay còn cao hơn Ngân hàng Thế giới.

Chỉ riêng trong năm 2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã loan báo những khoản cho vay trị giá 10 tỉ đô la dành các thành viên khác trong khối CSO.

Các giới chức Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc nói rằng họ đã thực thi hơn 50 dự án ở các nước thành viên CSO nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Họ cho biết những khoản tiền này được dùng cho những chương trình liên quan tới viễn thông, giao thông, năng lượng và nông nghiệp.

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết gần ba phần tư khoản tiền đó đã được cung cấp cho các nước nhận tài trợ và ông tỏ ý cho thấy Trung Quốc sẽ cho vay nhiều hơn nữa.

Ông Trình nói rằng những thành viên khác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mong đợi sự hỗ trợ lớn hơn về kinh tế và tài chính của Trung Quốc, vì thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thảo luận về những việc có thể làm thêm trong khuôn khổ của CSO để thúc đẩy cho điều mà ông mô tả là công cuộc hợp tác kinh tế có tính chất thực tế.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hiện có 4 quan sát viên là Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan. Ngoại trừ Mông Cổ, cả 3 nước kia đều đã nộp đơn xin làm hội viên.

Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Belarus và Sri Lanka cũng đang yêu cầu được làm đối tác đối thoại của CSO.

Các nhà quan sát bên ngoài khu vực nói rằng họ không tin là CSO sẽ nhận thêm hội viên vào thời điểm này, nhưng ông Trình Quốc Bình nói rằng việc nới rộng tổ chức là không thể tránh được.

Theo lời ông Trình, các nhà lãnh đạo tại hộïi nghị thượng đỉnh Astana sẽ ký một văn kiện về những điều kiện pháp lý để được thu nhận làm hội viên mới. Ông nói rằng hiến chương của CSO qui định rằng các hội viên mới phải được thu nhận dựa trên sự đồng thuận của các thành viên hiện có.

Trong khi các nước hội viên tán thưởng những lợi ích của việc gia nhập CSO, những người tranh đấu cho nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích tổ chức này. Các nhóm nhân quyền cho rằng các nước hội viên CSO áp dụng đường lối của Trung Quốc về vấn đề khủng bố: đó là gộp chung chủ nghĩa cực đoan với những phong trào đòi ly khai.

Bà Sharon Hom, người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc ở New York, nói rằng CSO theo đuổi đường lối in hệt như Trung Quốc về vấn đề chống khủng bố.

Bà Hom nói: "Những cách thức làm việc của CSO có những cách thức nguy hiểm và vi phạm các quyền của cá nhân, như ghi tên vào sổ đen, thu thập thông tin qua việc dẫn độ và cưỡng bách hồi cư và từ chối không cho tị nạn. Ngoài ra họ cũng tiến hành những cuộc thao dượt chung về quân sự và chấp hành luật pháp mà Trung Quốc đóng một vai trò nổi bật. Họ cũng thường thực hiện những cuộc thao dượt tại các khu vực của người thiểu số, và các cuộc thao dượt đó thường nhắm tới mục tiêu là khống chế những vụ gây rối."

Hồi tháng 5, các lực lượng của Trung Quốc đã cùng với các binh sĩ của Kyrgyzstan và Tajikistan thực hiện một cuộc thao dượt chống khủng bố trong vùng Tân Cương, quê hương của người Uighur theo đạo Hồi. Nhiều người lâu nay vẫn tố cáo rằng Trung Quốc không ngớt trấn áp khối người thiểu số này.