Trung Quốc gia tăng đàn áp ở Tây Tạng

Cảnh sát Ấn Ðộ cố gắng dập tắt lửa trên người Sherab Tsedor, thanh niên Tây Tạng tự thiêu bên ngoài Ðại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi, Ấn Ðộ

Phong trào chống đối các chính sách cai trị tàn bạo của Trung Quốc ở Tây Tạng đã gia tăng cường độ trong thời gian gần đây với một loạt những vụ tự thiêu phản kháng ở vùng tây nam Trung Quốc và ở Ấn Độ. Giới hữu trách Bắc Kinh nói rằng tự thiêu là trái với đạo đức và tố cáo những người Tây Tạng lưu vong do Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo khích động những vụ gây rối để đòi tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc. Chính phủ Tây Tạng lưu vong nhanh chóng bác bỏ tố cáo vừa kể và những người tranh đấu nhân quyền trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh chấm dứt những hành động bách hại người Tây Tạng.

Một thanh niên Tây Tạng mới đây đã tự thiêu trước đại sứ quán Trung Quốc ở New Dehli để phản đối các chính sách của Bắc Kinh.

Vụ tự thiêu hôm thứ 6 (ngày 4 tháng 11, 2011) của anh Sherab TseDor, 25 tuổi, diễn ra tiếp theo sau một loạt hơn 10 vụ tự thiêu của các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng trẻ tuổi ở vùng tây nam Trung Quốc từ trung tuần tháng 3 để đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh tôn trọng tự do tôn giáo và văn hóa và để cho nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma được hồi hương.

Trong lúc anh Tsedor được giới hữu trách Ấn Độ đưa vào bệnh viện để chữa trị các vết bỏng, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc xem những vụ tự thiêu này là vô đạo đức. Trước đó, các giới chức Trung Quốc cũng tố cáo rằng những người Tây Tạng lưu vong do Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo đã khích động những vụ tự thiêu để phục vụ cho ý đồ tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.

Tiến sĩ Lobsang Sangay, người giữ chức thủ tướng của chính phủ lưu vong Tây Tạng, đã nhanh chóng bác bỏ tố cáo vừa kể. Ông phát biểu như sau trong cuộc họp báo ở Washington hồi đầu tuần này:

"Đây là một vấn đề có tính chất nguyên tắc. Chính phủ Tây Tạng -- trụ sở đặt ở Ấn Độ do tôi lãnh đạo, không khuyến khích những vụ phản kháng ở bên trong Tây Tạng, mà cũng không hề khuyến khích những vụ tự thiêu. Lý do chính yếu là chúng tôi biết rõ hậu quả của việc phản kháng như vậy. Nếu chúng tôi biểu tình phản kháng ở Tây Tạng, có phần chắc chúng tôi sẽ bị bắt bớ, hoặc bị đánh đập, đôi khi bị tra tấn, đôi khi bị thủ tiêu, và đôi khi bị giết hại."

Thủ tướng Sangay xác nhận rằng ngoài những đòi hỏi về tự do tín ngưỡng và văn hóa, những tăng ni Tây Tạng tham gia phong trào tự thiêu phản kháng ở quê hương ông còn đòi nhà cầm quyền ở Bắc Kinh để cho Đức Đạt Lai Lạt ma được hồi hương sau khi đã sống lưu vong gần 60 năm sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959.

Ông Sangay cũng cho rằng những vụ phản kháng này nêu bật sự thất bại của các chính sách mà Trung Quốc đã áp dụng ở Tây Tạng trong 60 năm qua:

"Sau 60 năm, những người thuộc thế hệ thiên đường xã hội chủ nghĩa, những người Tây Tạng lớn lên dưới hệ thống giáo dục, tuyên truyền, kinh tế, và văn hóa của Trung Quốc, đang lớn tiếng kêu gào. Họ nói rằng "Quá đủ rồi. Chúng tôi không còn có thể chịu đựng được nữa. Chúng tôi không thể sống trong tình trạng như thế này." Và họ đang quay sang sử dụng một phương pháp bi thảm, một phương pháp tuyệt vọng là tự thiêu. Vì vậy, rõ ràng là các chính sách cứng rắn của chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không có hiệu quả."

Bà Thái Vịnh Mai, chủ biên tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, tán đồng nhận định vừa kể. Bà cho rằng những vụ tự thiêu này phản ánh tâm trạng tuyệt vọng của những người dân Tây Tạng đang sinh sống dưới sự cai trị tàn ác của chính phủ Cộng Sản Trung Quốc:

"Đứng trước tình hình đàn áp ngày càng khốc liệt ở Tây Tạng, người dân ở đây cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Có lẽ họ muốn thông qua hành động tự hy sinh tính mạng để thu hút sự chú ý của mọi người. Có lẽ họ cũng muốn đánh thức lương tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc. Trước đó họ đã nhiều lần nói với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng quí vị có thể nào tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng đau thương, thê thảm của người dân Tây Tạng. Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh lại càng đàn áp dữ dội hơn trước. Có lẽ là trong tình cảnh tuyệt vọng như vậy, người Tây Tạng đã không ngớt nối gót nhau để thực hiện những hành động bi thảm như chúng ta đã chứng kiến trong vài tháng nay."

Dân biểu Ilena Ros-Lehtinen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cũng lên tiếng chỉ trích những hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, trong đó có việc đàn áp người dân Tây Tạng.

Bà đã phát biểu như sau tại cuộc điều trần hôm thứ Năm vừa qua:

"Đây là một nhóm người cầm quyền đã làm cho những luật sư nhân quyền mất tích, đã bách hại và tra tấn những người tu tập Pháp Luân Công, đã khiến cho những tăng sĩ Tây Tạng lâm vào cảnh tuyệt vọng đến độ họ phải tự thiêu, đã truy bắt những người Bắc Triều Tiên tị nạn trong vùng biên giới đông bắc. Làm thế nào mà những người cầm quyền như vậy lại có thể trông đợi người khác không xem họ là một chế độ dã man. Dĩ nhiên là họ không xứng đáng để được gọi là một bên có quyền lợi có trách nhiệm."

Nhà báo Thái Vịnh Mai ở Hồng Kông bày tỏ hy vọng vào công cuộc dân chủ hóa Trung Quốc và kêu gọi người dân Tây Tạng hãy kiên nhẫn, chứ đừng thực hiện những hành động phản kháng kịch liệt như tự thiêu:

"Tôi vẫn hy vọng là người dân Tây Tạng sẽ quí trọng tính mạng của mình. Tình hình hiện nay đối với họ thật là không may, thật là gian nan. Nhưng tôi nghĩ rằng vẫn có hy vọng về lâu về dài. Lý do là vì chế độc tài của Trung Quốc không thể nào kéo dài mãi mãi. Hiện nay vấn đề Tây Tạng, cũng như vấn đề Đài Loan và vấn đề Hồng Kông, không thể giải quyết được vì thể chế độc tài Cộng Sản. Sẽ có một ngày Trung Quốc thực hiện dân chủ hóa, và những vấn đề này có thể giải quyết được. Dĩ nhiên là sẽ có nhiều khó khăn – chẳng hạn như chủ nghĩa Đại Hán, như tinh thần Đại Trung Hoa, và những tàn tích độc hại của chủ nghĩa Cộng Sản; nhưng trên cơ bản thì vấn đề Tây Tạng sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp. Vì vậy tôi mong rằng các tăng ni trẻ tuổi của Tây Tạng chớ nên quyên sinh mà hãy kiên nhẫn để chờ ngày giành được tự do cho dân tộc của mình."

Hôm thứ tư, mấy mươi sinh viên Tây Tạng đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở New Dehli để phản đối vụ đàn áp của nhà cầm quyền Bắc Kinh và kêu gọi chính phủ Ấn Độ cùng với các nước khác ủng hộ cho cuộc tranh đấu đòi tự do của Tây Tạng.

Anh Sonam, một sinh viên Tây Tạng tham gia cuộc biểu tình, đã cho đài VOA biết như sau:

"Cho đến giờ, phong trào tranh đấu của người Tây Tạng chúng tôi vẫn tiếp tục mang tính chất bất bạo động. Nếu các nước lớn ủng hộ Tây Tạng, điều đó sẽ mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng là có một chỗ đứng của bất bạo động trong thế giới này. Nếu chúng tôi không được ủng hộ và nếu chúng tôi theo đuổi bạo động như những kẻ khủng bố thì điều đó sẽ gây thêm bạo động và đổ máu thay vì mang lại hòa bình và hòa hợp cho thế giới."

Một ngày trước đó, các nhà điều tra nhân quyền của Liên hiệp quốc đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động đàn áp nhắm vào các tu sĩ Tây Tạng.

Phát biểu tại Geneve hôm thứ Ba, đặc phái viên Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo, ông Heiner Bielfeld, nói rằng những hành động của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có tính chất áp chế và phản tác dụng.

Ông Frank La Rue, chuyên gia Liên hiệp quốc về quyền tự do bày tỏ ý kiến, cũng phản đối các biện pháp của Trung Quốc nhằm hạn chế sự truy cập internet và dịch vụ tin nhắn điện thoại di động trong các khu vực có đông người Tây Tạng. Ông đề nghị Bắc Kinh hãy lắng nghe và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của giới tăng lữ Tây Tạng.

Một trong những vụ tự thiêu của tăng sĩ Tây Tạng:

http://www.youtube.com/embed/Rl0hfgiY09w