Sự lớn mạnh của kinh tế TQ đem lại cơ hội, thách thức gì cho VN?

Giáo sư Regina Abrami

Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng gia tăng sự hiện diện của họ tại các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty Trung Quốc ở Việt Nam đem lại cơ hội, thách thức hay tác động gì tới nền kinh tế của Việt Nam. Mời quí vị nghe ý kiến của nữ Giáo sư Regina Abrami, tại trường đại học Harvard của Hoa Kỳ về vấn đề này.

Thưa quí vị, Giáo sư Regina Abrami có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị tại Đại học California, Berkely, và hiện là giảng viên của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Bà chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và Viêt Nam.

VOA: Thưa giáo sư Abrami, được biết bà đang có một cuộc nghiên cứu về những cơ hội cũng như tác động của việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở các thị trường mới nổi, xin bà vui lòng cho biết đôi chút về kết quả nghiên cứu tới thời điểm này, đặc biệt là trường hợp của Việt Nam?


GS. Regina Abrami: Việt Nam là một trong số những nước mà tôi đang nghiên cứu và chắc chắn trường hợp của Việt Nam là một trường hợp khá phức tạp bởi lịch sử và mối quan hệ giữa hai nước. Với quan điểm như vậy, khi xét tới sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam, thì tôi thấy có nhiều điểm tích cực hơn tiêu cực trong bối cảnh là sự tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đem lại kết quả là nhiều hàng hóa Việt Nam có cơ hội được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sự tăng cường quan hệ kinh tế này cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đến việc bao gồm hai nước vào một chiến lược đầu tư rộng lớn hơn, và điều đó rất có lợi cho Việt Nam.

Nói về khía cạnh rộng lớn hơn thì sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các thị trường mới nổi là một bức tranh hỗn hợp. Dĩ nhiên là không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc xuất khẩu công nhân nước họ đến làm việc tại những dự án đầu tư của họ ở nước ngoài như những công trình xây dựng v..v. và nhiều chính phủ cũng như cộng đồng người dân địa phương không ủng hộ điều này, bởi đối với họ, đầu tư nước ngoài là cơ hội để tạo công ăn việc làm cho người dân của chính nước họ. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận ra điều này và đang tìm cách điều chỉnh. Trong khi đó, ngày càng có nhiều chính phủ tại các thị trường mới nổi bắt đầu tiến hành đàm phán các hợp đồng trong đó đưa ra những qui định nhằm hạn chế số công nhân nước ngoài làm việc tại nước họ cho các dự án do Trung Quốc đầu tư.

VOA: Bà vừa nói đến việc Trung Quốc đưa công nhân sang các nước khác, chắc hẳn bà cũng biết về dự án bauxite ở Tây Nguyên của Việt Nam, và Trung Quốc cũng đưa nhiều công nhân của họ sang đó. Do bối cảnh lịch sử của hai nước cũng như những tranh chấp về chủ quyền chưa được giải quyết mà có nhiều người Việt Nam lo ngại về ý định thực sự của Trung Quốc trong những dự án như vậy. Còn ý kiến của bà thì sao?

GS. Regina Abrami: Tôi không nghĩ là họ nên lo ngại về ý định thực sự của Trung Quốc trong việc đầu tư vào Việt Nam, vì nếu là nỗi lo ngại thì cũng nên có những sự lo ngại như vậy đối với Hoa Kỳ. Nếu quí vị lo ngại về những nước trước đây có quan hệ căng thẳng và bây giờ lại đầu tư rất nhiều vào đất nước quí vị thì nỗi lo ngại đó phải được đặt cả vào hai bên. Ở Tây Nguyên cũng có những công ty mỏ của Mỹ đang đầu tư tại đó, nhưng không gây tranh cãi như với trường hợp của Trung Quốc. Tôi nghĩ là người Việt Nam nên xét xem tại sao họ lại đặc biệt thù nghịch với sự đầu tư của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng rủi ro sẽ cao hơn nếu đóng cửa với Trung Quốc thay vì đảm bảo duy trì mối quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại vững mạnh, bởi đó vẫn là biện pháp tốt nhất để duy trì một mối quan hệ tích cực.

VOA: Vâng, nhưng thưa bà ngoài lịch sử lâu đời giữa hai nước và những tranh chấp chủ quyền khác thì sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc cũng khiến cho nhiều người có lý do để lo ngại, hơn nữa Trung Quốc lại là một nước láng giềng gần kề Việt Nam.

GS. Regina Abrami: Tôi hiểu điều đó, tôi không phủ nhận rằng nỗi lo ngại ấy bắt nguồn tử lịch sử và tình cảm mạnh mẽ của người Việt Nam. Dĩ nhiên là có một nước láng giềng hùng mạnh ở phương bắc thì người ta sẽ cảm thấy đó là mội mối đe dọa to lớn hơn so với một nước cách Việt Nam cả một đại dương. Nhưng chúng ta biết là những nước có quan hệ kinh tế và xã hội tích cực thì cũng có xu hướng có quan hệ chính trị tốt đẹp hơn. Vì vậy thực tế là bất cứ điều gì ít hơn một chiến lược giao tiếp và làm đối tác với Trung Quốc thì đều không có lợi cho Việt Nam.

Việt Nam phải giao thiệp với Trung Quốc và không nên né tránh nước này, và mối quan hệ đó không cần thiết phải là một mối quan hệ không công bằng. Tôi nghĩ là Trung Quốc hiện không tìm cách thôn tính Việt Nam và chắc chắn là người Việt Nam cũng sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy với tinh thần độc lập mạnh mẽ của hai nước, chắc chắn là hai nước có thể hợp tác rất tốt với nhau thông qua các hoạt động kinh tế và đầu tư trong những thập niên tới, điều này sẽ giải quyết được những vấn đề mà người Việt Nam lo ngại. Chúng ta cũng cần nhớ rằng về mặt lịch sử trong quá khứ hai nước không chỉ có xung đột mà còn có cả mối quan hệ giao thương với nhau.

VOA: Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và theo các phân tích gia thì một trong những nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Trung Quốc là do nền kinh tế phát triển nhanh chóng của nước họ, vậy so với Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh gì trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thưa giáo sư?

GS. Regina Abrami: Tôi nghĩ là Việt Nam đã thu hút được một khối lượng đầu tư nước ngoài lớn, nếu nhìn vào số liệu năm 2008, ý tôi là chúng ta chưa nên nhắc đến số liệu năm 2009, vì đó là năm xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vì vậy mà nhiều nền kinh tế bị co cụm. Nếu nhìn vào số liệu của năm 2007 và 2008 thì Việt Nam đã trên đà thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài và số vốn đầu tư nước ngoài đã tăng một cách đáng kể, tôi cũng dự đoán rằng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.

Về việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều đó đã xảy ra rồi, ý tôi là tùy thuộc vào cách tính toán số liệu, tôi không nghĩ điều này sẽ làm sao lãng các cơ hội thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến nhiều công ty sử dụng chiến lược Trung Quốc + 1 (China +1), vì vậy có thể dự báo rằng Việt Nam sẽ là một đối thủ cạnh tranh với các lợi thế như lao động, giá lao động của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với giá lao động của Trung Quốc, điều đó khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á, vì vậy chúng ta sẽ thấy khi một công ty tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu vực này, đặc biệt là với thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, thì họ ngày càng coi Việt Nam như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn ở khu vực. Vì vậy tôi thấy việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sẽ không làm sao lãng các cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam, và cuối cùng thì đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên tốn kém hơn.

VOA: Thưa bà còn về lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc lâu nay vẫn bị cáo buộc là giữ giá tiền tệ của họ thấp một cách giả tạo để hàng hóa của họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, vậy Việt Nam cần có chiến lược gì để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc?

GS. Regina Abrami: Tôi nghĩ do giá lao động rẻ nên hàng hóa Việt Nam vẫn mang tính cạnh tranh cao so với hàng hóa Trung Quốc. Về ý kiến cho rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh không công bằng nhờ tỷ giá cố định, chúng ta sẽ ngày càng thấy nhiều lời phàn nàn như vậy. Từ trước tới nay chúng ta chỉ thấy Hoa Kỳ và các nước Châu Âu lên tiếng, nhưng thực tế là ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi cũng cáo buộc Trung Quốc về vấn đề này. Tôi hy vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ phải đáp ứng lại những lời phàn nàn này. Hơn nữa, sẽ không phù hợp ngay với bản thân họ nếu tiếp tục trợ cấp cho chính phủ Hoa Kỳ bằng việc mua trái phiếu ngân khố của Mỹ trong khi lại giữ giá tiền tệ của họ thấp hơn trị giá thực tế. Vì vậy tôi không nghĩ là chính sách này sẽ tồn tại mãi mãi.

VOA: Xin hỏi bà một câu hỏi cuối cùng, theo bà thì thách thức trước mắt của nền kinh tế Việt Nam là gì?

GS. Regina Abrami: Thách thức trước mắt của Việt Nam là khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng lên một mức độ hiệu quả hơn và có giá trị gia tăng nhiều hơn. Hiện tại cơ sở hạ tầng của Việt Nam không bằng với Trung Quốc và cũng không bằng với một số nước khác ở Đông Nam Á. Và chừng nào mà Việt Nam không khắc phục được tình trạng này thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ sẽ chỉ có thể giậm chân tại chỗ với hoạt động sản xuất hàng hóa cấp thấp mà lại với chi phí vận chuyển cao. Việc vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam do vậy sẽ không thể được thực hiện một cách hiệu quả.

VOA: Còn rất nhiều câu muốn hỏi bà, nhưng vì thời gian hạn hẹp nên hy vọng sẽ có cơ hội trao đổi với bà vào một dịp khác. Xin cảm ơn Giáo sư Abrami rất nhiều.