Hoa Kỳ đang thảo luận về việc có nên tiến tới áp thuế lên hàng hoá nhập từ Việt Nam hay không do các hành vi tiền tệ mà dưới thời Tổng thống Donald Trump bị coi là bất hợp lý và gây trở ngại đối với các doanh nghiệp Mỹ.
“Các cuộc thảo luận này đang diễn ra và chính quyền (Tổng thống Joe Biden) đang tìm cách quyết định một hướng hành động”, ông John Goyer, giám đốc điều hành phụ trách Đông Nam Á của Phòng thương mại Mỹ ở thủ đô Washington, nói với VOA, và cho biết rằng các hướng hành động khác nhau đang được xem xét nhưng không đưa ra thêm chi tiết vì ông không trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận kín này.
Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ, dưới thời Tổng thống Trump, cho vào danh sách thao túng tiền tệ, nhưng lại được tháo bỏ “nhãn mác” này dưới thời Tổng thống Biden. Mặc dù vậy các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ và nguồn gốc xuất xứ gỗ nhập của Việt Nam vẫn đang được chính quyền Biden tiếp tục tiến hành và mối lo ngại về các loại thuế tiềm tàng mà Mỹ có thể áp lên hàng hoá Việt Nam vẫn hiện hữu.
Đánh thuế hay không đánh thuế?
Chính quyền Biden đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào tuần trước về việc có nên tiến tới đánh thuế hàng Việt Nam hay không, theo một nguồn tin của Bloomberg cho biết. Nguồn tin này nói rằng các quan chức từ Bộ Tài chính, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia tham gia cuộc thảo luận được cho là riêng tư này.
VOA gửi yêu cầu bình luận trước thông tin về các cuộc thảo luận liên quan tới Việt Nam tới Bộ Tài chính, USTR, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia nhưng không nhận được hồi âm.
Việc thảo luận này diễn ra trước thời hạn tháng 10, một năm sau khi bắt đầu cuộc điều tra của USTR, theo yêu cầu của Tổng thống Trump lúc đó, để Mỹ xem xét áp đặt thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Vào tháng 1 năm nay, trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, chính phủ Mỹ cho rằng các hành vi tiền tệ của Việt Nam là “bất hợp lý và gây hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ” nhưng không quyết định trừng phạt quốc gia Đông Nam Á bằng các mức thuế.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra thương mại đối với Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Người phát ngôn của USTR, Adam Hodge, nói với Bloomberg rằng cơ quan này vẫn đang điều tra về các hành vi tiền tệ của Việt Nam. USTR cũng vẫn đang điều tra việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam vì nghi ngờ rằng chúng được khai thác hoặc buôn bán trái phép.
Nếu Mỹ quyết định chính thức đề xuất áp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam thì sẽ cần có thời gian để lấy ý kiến và điều trần công khai. Điều đó, theo các chuyên gia thương mại được Bloomberg trích dẫn, có nghĩa là bước đầu tiên của quy trình này, tức việc công bố danh sách sản phẩm được đề xuất, sẽ cần phải thực hiện trong vài tuần tới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn nói rằng chính sách tiền tệ của Hà Nội không nhằm mục đích tạo ra cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Nhiều cuộc thảo luận của các quan chức cấp cao giữa hai chính phủ đã diễn ra từ cuối năm ngoái về các tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Các quan chức Việt Nam hôm 9/7 đã gặp Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ qua một cuộc họp trực tuyến để bàn thảo về các vấn đề thương mại, gồm việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam và các quan ngại từ phía Washington về các hành vi thương mại của Hà Nội, theo nguồn tin của Bloomberg.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về cuộc họp này.
Chính quyền Biden cho đến nay đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với các vấn đề tiền tệ so với người tiền nhiệm của ông. Khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ dù đã “đạt đến ngưỡng” để bị gắn mác hồi tháng 4, Bộ Tài chính của chính quyền Biden cho biết “không có đủ bằng chứng” để kết luận Việt Nam, cùng với Thuỵ Sỹ và Đài Loan, có mục đích “ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, với giá trị hàng hoá tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Nhưng mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao thương với Việt Nam ngày càng tăng khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành mục tiêu đánh thuế của Tổng thống Trump. Việt Nam hiện đang là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, đạt gần 70 tỷ USD vào năm ngoái, sau Trung Quốc và Mexico.
Đối tác quan trọng
Bất kỳ mức thuế trừng phạt nào cũng sẽ đều có nguy cơ làm căng thẳng quan hệ đối tác an ninh đang phát triển giữa Việt Nam và Mỹ, vốn được củng cố trong những năm gần đây để đối trọng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, theo nhận định của các nhà quan sát. Năm 2016, Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và hai nước luôn có lập trường chung về việc phản đối các yêu sách lãnh thổ ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Việt Nam là một đối tác quan trọng về mặt chiến lược đối với Hoa Kỳ và trong bối cảnh chúng ta gặp nhiều thách thức từ Trung Quốc cùng với việc chính quyền (Biden) đang nỗ lực tăng cường liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực, thì chúng ta cần thúc đẩy cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, không để cho nó suy yếu,” ông Goyer nói và cho rằng việc áp thuế sẽ làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Goyer cho biết rằng các doanh nghiệp Mỹ đang rất lo ngại về các mức thuế tiềm năng mà chính quyền Biden có thể đưa ra và Phòng Thương mại Mỹ, một tổ chức vận động chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, phản đối việc áp thuế lên hàng hoá nhập từ quốc gia Đông Nam Á.
“Có rất nhiều lo lắng rằng thuế quan sẽ được áp đặt,” ông Goyer nói và cho biết các mức thuế, nếu được áp dụng, sẽ có “một ảnh hưởng rất nguy hại” tới các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam vì theo ông nó làm giảm sự cạnh tranh của họ do giá cả các sản phẩm tăng cao khi bị đánh thuế. Theo ông Goyer, người có 9 năm làm việc với Việt Nam, người tiêu dùng ở Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng do giá hàng nhập từ Việt Nam, trong đó có đồ nội thất, quần áo, giầy dép, tăng cao.
Hầu hết những đại diện doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam trong buổi điều trần của USTR về vấn đề thao túng tiền tệ của Việt Nam được tổ chức cuối tháng 12 năm ngoái, trong đó có ông Goyer, đều cho rằng việc áp thuế không phải là một giải pháp thích hợp.
Chính quyền Tổng thống Trump đã dùng cuộc điều tra theo Mục 301, hiện đang được tiến hành với Việt Nam, để áp thuế lên hàng hoá trị giá hàng tỷ USD nhập từ Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Goyer, Tổng thống Biden không cần thiết phải dùng tới Mục 301 để giải quyết tranh chấp thương mại với Việt Nam.
“Chính quyền (Biden) nên tiếp tục ngoại giao tài chính, tiếp tục các cuộc thảo luận đang được tiến hành giữa các quan chức của Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Goyer nói. 14:22 “Chúng tôi muốn tránh thuế quan. Chúng tôi muốn thấy vấn đề này được giải quyết thông qua ngoại giao tài chính”.