Chính phủ Việt Nam tái khẳng định việc ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” ngay sau khi cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan kết thúc với việc ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến (DPP) Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) lên nắm quyền, một chiến thắng được các nền dân chủ thế giới đón nhận nhưng cũng được xem là có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Cử tri ở Đài Loan hôm 13/1 đưa ông Lại lên kế nhiệm bà Thái Anh Văn, vốn không thể tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ liên tiếp làm tổng thống Đài Loan. Việc bầu chọn của người dân Đài Loan đã mạnh mẽ bác bỏ áp lực của Trung Quốc thúc ép họ khước từ ông Lại, một ứng cử viên mà Bắc Kinh gọi là “kẻ ly khai” và “kẻ gây rối.”
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã chúc mừng ông Lại với chiến thắng này cũng như người dân Đài Loan vì đã “thể hiện sức mạnh của hệ thống dân chủ và quy trình bầu cử vững mạnh của họ,” theo Reuters. Tương tự, theo hãng tin Anh, bộ trưởng Ngoại giao Anh và Nhật cũng như bộ ngoại giao của Đức và Pháp đều gửi lời chúc mừng.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng đã gửi lời chúc mừng tới chính quyền vừa đắc cử của Đài Loan trong khi Bộ Ngoại giao Singapore đưa ra bình luận trong đó ca ngợi “tình hữu nghị lâu dài và gần gũi với Đài Loan.
Nhưng Trung Quốc đã ngay lập tức triệu hồi đại sứ Philippines ở Bắc Kinh cũng như khiển trách ngoại giao đối với Singapore, trong khi nhắc nhở về quan điểm “một Trung Quốc.”
Lãnh đạo Việt Nam không đưa ra bất kỳ lời chúc công khai nào đến tổng thống đắc cử Đài Loan trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhắc lại quan điểm của Hà Nội ủng hộ chính sách của Bắc Kinh.
“Trên cơ sở kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, Việt Nam duy trì và phát triển quan hệ dân gian, phi chính phủ với Đài Loan…., không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan,” bà Hằng nói hôm 14/1 khi được phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về kết quả bầu cử người đứng đầu vùng lãnh thổ Đài Loan ngày 13/1, theo một đăng tải của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bà Hằng cũng nói rằng “Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cho rằng, hòa bình, ổn định, hợp tác ở eo biển Đài Loan có vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới.”
Quan điểm này cũng được Việt Nam khẳng định trong các tuyên bố chung với Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hà Nội vào giữa tháng trước và khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh hồi cuối năm 2022.
Các tuyên bố này đều nói rằng Việt Nam phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.
Theo ông Nguyễn Quang A, một tiến sỹ khoa học và cũng là một nhà đấu tranh dân chủ trong nước, Việt Nam không nên có bất kỳ chính sách gì chống Trung Quốc, một nước lớn và cũng là quốc gia Cộng sản láng giềng.
Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ nhất quán với chính sách “một Trung Quốc”, một quan điểm của Bắc Kinh rằng chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần không thể tách rời của nước này, thì nhiều người dân trong nước lại vui mừng cho nền dân chủ của Đài Loan có được thắng lợi trong cuộc bầu cử mà Trung Quốc đã không thể gây ảnh hưởng.
“Chính phủ và nhân dân nghĩ khác nhau,” ông Mạc Văn Trang, từng là Phó giáo sư-Tiến sỹ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết khi ngụ ý sự khác nhau trong quan điểm giữa lãnh đạo và công chúng Việt Nam. “Cũng như cần phân biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc trong thái độ đối với Đài Loan.”
Chính phủ Trung Quốc đã mô tả cuộc bầu cử cuối tuần qua của Đài Loan là “sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình” khi ông Lại là một chính trị gia thân Mỹ, quốc gia mà Bắc Kinh coi là “kẻ xúi giục chiến tranh.”
Đài Loan là ‘tấm gương’ cho Việt Nam
Theo ông Quang A, người theo dõi sát sao các cuộc bầu cử dân chủ ở Đài Loan trong nhiều năm qua, việc Đài Loan vẫn giữ được nền dân chủ và tự do trước những áp lực của Trung Quốc bằng lá phiếu của người dân khiến ông vui và hứng khởi.
“Người dân Đài Loan đã bày tỏ một ý kiến khá là dứt khoát ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan,” TS Quang A nói và cho rằng sự đàn áp của Trung Quốc ở Hong Kong đã làm cho người dân Đài Loan ủng hộ sự lãnh đạo của đảng DPP. “Bài học rút ra từ cuộc bầu cử vừa rồi là người dân Đài Loan coi trọng chế độ dân chủ của họ, đặt giá trị dân chủ cao hơn những khó khăn về vật chất.”
Tương tự, TS Mạc Văn Trang nói cuộc bầu cử vừa qua truyền cảm hứng cho ông và những người mong muốn tự do, dân chủ như Đài Loan.
“Tôi vui mừng cho Đài Loan vì người dân đã chọn bầu tổng thống là vị phó của bà Thái Anh Văn – một đảng dân chủ, tiến bộ, vì dân,” vị phó giáo sư bày tỏ cảm xúc. “Đài Loan vẫn giữ được độc lập, dân chủ, phát triển tiến bộ văn minh. Họ nhất quyết nhìn Hong Kong mà lựa chọn.”
Sự phản kháng của người Hong Kong, đặc biệt trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới trẻ ở đây được biết là phong trào “dù vàng” từ năm 2014, đã nhận được sự ủng hộ của Đài Loan. Sau đó hai năm bà Thái Anh Văn, người mạnh mẽ chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, được người Đài Loan bầu chọn làm tổng thống.
Còn ông Trần Ngọc Vương, giáo sư ngành văn học Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông về con đường phát triển của Đài Loan thành dân chủ.
“Dấu ấn của một chế độ độc tài toàn trị đã hầu như biến mất khỏi vũ đài chính trị!,” GS Vương viết trong đăng tải trên trang Facebook cá nhân. “Thay chỗ cho tinh thần vị chủng, ‘Hoa tâm luận’, là một xã hội khai phóng, cởi mở, đặc biệt quan tâm đến các nhóm cư dân thiểu số và yếu thế. Đài Loan có một xu hướng xã hội chung mang tính ưu thắng là khát vọng tự cường, cả về kinh tế, cả về tiềm lực ‘quốc gia’ về quân sự, văn hóa, khoa học, giáo dục…. Điều đó được hiển thị qua 3 kỳ bầu cử… Lá phiếu bầu cử toàn dân đã khẳng định ý chí của cộng đồng!”
Bà Thái Anh Văn làm tổng thống Đài Loan trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 2016 đến khi ông Lại đắc cử và tiếp tục giúp cho Đảng DPP cầm quyền ở quốc đảo được cai trị bằng dân chủ.
Ông Quang A, một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam và từng tham dự phiên điều trần về nhân quyền cho Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cho rằng Đài Loan có thể chế chính trị giống với Việt Nam và Trung Quốc khi quốc đảo này còn nằm dưới chế độ độc tài Quốc dân Đảng về mặt “đường lối, tổ chức, hay cách tuyên truyền.”
“Hoàn cảnh kinh tế của Đài Loan lúc đó cũng giống với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam bây giờ,” ông Quang A nói và cho rằng Việt Nam dù dưới chế độ Cộng sản nhưng có nền kinh tế thị trường, tương tự như Đài Loan khi qua quá trình chuyển đổi từ thời Tưởng Giới Thạch, người kiến thiết và bảo vệ Đài Loan khỏi Trung Hoa lục địa. “Với sự giống nhau như thế, người Việt Nam có thể học được ở Đài Loan trong giai đoạn phát triển vài ba chục năm qua.”
Tương tự, TS Mạc Văn Trang, cũng là một nhà phản biện các vấn đề xã hội, cho rằng Đài Loan là “một tấm gương tốt cho Việt Nam tham khảo.”
“Từ chế độ độc tài Tưởng Giới Thạch, Đài Loan đã chuyển sang chế độ dân chủ một cách hòa bình, đưa Đài Loan phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục tuyệt vời. Nhờ đó, Đài Loan được thế giới ngưỡng mộ và là khát vọng của nhân dân Hoa lục,” vị phó giáo sư từng tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết.
Còn TS Quang A mong muốn và cổ vũ cho các học giả, nhất là những người trẻ, ở Việt Nam được “đưa sang Đài Loan để học hỏi về quá trình thay đổi chính trị hay hoạt động chính trị”.
Khi được hỏi liệu điều này có khả thi khi lãnh đạo Việt Nam đang đi theo đường lối giống Trung Quốc, nước không công nhận sự độc lập của Đài Loan, TS Quang A cho rằng việc Việt Nam phản ứng với chính sách “một Trung Quốc” cũng giống như cách Mỹ và các nước phương Tây đưa ra quan điểm trong khi họ vẫn có quan hệ không chính thức với Đài Loan.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng hôm 14/1 nói rằng Việt Nam vẫn duy trì và phát triển quan hệ phi chính phủ với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục…
Một số lượng lớn người Việt Nam sang lao động ở Đài Loan hàng năm và, theo ông Quang A, những người này có thể học hỏi ở Đài Loan để mong muốn thay đổi ở Việt Nam.
“Nếu ngày càng có nhiều người suy nghĩ theo hướng đó thì công cuộc phát triển của Việt Nam tiến tới dân chủ sẽ rất nhanh,” ông Quang A nói, ngụ ý về sự học hỏi từ cách người Đài Loan tiến lên dân chủ. “Còn nếu đại đa số thờ ơ không quan tâm thì họ đành phải chịu số phận làm nô lệ. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để khuyến khích họ, cổ vũ họ, gây cảm hứng cho họ tìm hiểu về tình hình Đài Loan, tình hình thế giới cũng như tình hình trong nước để có hành động phù hợp cho việc phát triển đất nước.”