Các đại diện của chính phủ Syria và phe nổi dậy gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan lần đầu tiên sau gần 6 năm giao tranh. Cuộc đàm phán hai ngày do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Hoa Kỳ không cử phái đoàn tham dự, nhưng Đại sứ George Krol của Mỹ ở Kazakhstan đến dự trong tư cách quan sát viên.
Trước cuộc đàm phán, ông Yahya al-Aridi, một người phát ngôn của phe đối lập, nói rằng việc chính quyền của ông Assad chấm dứt vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 30 tháng 12 nằm đầu nghị trình. Ông nói:
"Mục tiêu đó nếu đạt được sẽ có thể giúp ích cho tiến trình chính trị."
Chiều thứ Bảy trước cuộc đàm phán khai mạc hôm Chủ nhật, một video được loan tải cho thấy máy bay oanh kích hai thị trấn do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.
Đại diện của chính phủ Syria, ông Bashar al-Jaafari nói Damascus “sẵn sàng thảo luận tất cả mọi thứ.”
Một đại diện của Nga nói rằng không có giải pháp nào nhanh chóng và đơn giản cho cuộc xung đột sáu năm qua, nhưng ông bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán.
Ông Aleksandr Musiyenko, phát ngôn viên của Ðại sứ quán Nga, nói:
"Không khí chiến tranh và bất đồng thật sự sôi sục. Chúng tôi cố tìm một thỏa thuận cho tất cả mọi người. Đó là điều chúng tôi đang cố hết sức."
Đại diện của Mỹ tại cuộc đàm phán là một đại sứ được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vì tân chính quyền chưa thay thế.
Ông Yahya al-Aridi của phe đối lập nói rằng điều đó không gây lo ngại cho phe nổi dậy. Ông cho biết:
"Bất cứ ai đến tham dự cuộc đàm phán – đại diện cho chính quyền Obama hay chính quyền Trump – chúng tôi không lo ngại điều đó. Chúng tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai có thể giúp chấm dứt bi kịch này cho Syria, nhất là chính quyền nào sẵn lòng chấm dứt bi kịch này."
Ông Jaafari, đại diện chính phủ Syria, bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tân chính phủ Mỹ:
"Chúng tôi hy vọng dưới chính quyền của ông Trump, phía Mỹ có thể có thái độ tích cực hơn với giải pháp chính trị."
Người Syria thất tán vì cuộc nội chiến hy vọng cuộc đàm phán sẽ đạt thành công để họ có thể trở về lại quê nhà của họ.
Ông Ali Ahmad Mohammed, một người tị nạn Syria, nói:
"Hy vọng, an ninh được lập lại trên đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới Ả Rập. Chúng tôi thực sự đã chịu đựng cảnh thất tán và mọi thứ khác quá nhiều."
Nhưng nhiều người không tin tưởng các chính trị gia sẽ tranh đấu cho sự quan tâm và lợi ích của họ.
Ông Wahid Al-Akari, một người tị nạn Syria, nói:
"Cuộc đàm phán Astana cũng giống như những cuộc đàm phán khác trước đó. Chỉ là một cuộc trình diễn, còn nạn nhân vẫn là người dân Syria. Thật đáng buồn là mọi người mang chúng tôi ra làm vật trao đổi – đó là Nga, Iran, rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi biến thành một chiếc bánh được họ mang ra phân chia để mỗi người đều có một phần."
Ước tính khoảng 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Syria kể từ tháng 3 năm 2011, và hơn một nửa dân số nước này thất tán.