Chính quyền địa phương ở tỉnh Kon Tum vừa phá hủy một ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Các nhà hoạt động tôn giáo gọi động thái mới này là hành vi “vi phạm” tự do tôn giáo, một lý do mà Washington đã đưa Hà Nội vào danh sách “theo dõi đặc biệt” chưa đầy hai tuần trước đó, nhưng chính quyền Việt Nam lại bác bỏ cáo buộc này.
Công an và hàng chục quan chức địa phương từ thị trấn Plei Kần và huyện Ngọc Hồi sáng ngày 13/12 thực hiện cưỡng chế tháo dỡ chùa Sơn Linh, và chỉ trong vài giờ sau đó ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho VOA biết.
Đại đức Thích Nhật Phước, trụ trì chùa Sơn Linh, cho VOA biết cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện cưỡng chế chùa hôm 13/12, sau khi họ gửi hai văn bản yêu cầu các tu sĩ phải tự tháo dỡ hôm 27/10 cho rằng vì cơ sở này được xây cất “trên đất nông nghiệp” và “đang có quy hoạch”.
“Chính quyền của thị trấn Plei Kần và huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum kéo lực lượng - đồng phục có, thường phục có gần 70 người – chặn giữa hai đầu đường với rất nhiều xe công an và họ tiếng vào chùa, đọc thông báo cưỡng chế vì “vi phạm luật xây dựng” trên đất nông nghiệp. Họ đem xe múc, máy cưa, xe ủi…Họ cưa hết các trụ cột và ủi sập hết”.
Đại đức Thích Nhật Phước cho biết thêm rằng cơ sở này vừa được sữa chữa lại để các tu sĩ và phật tử có nơi hành lễ, và rằng việc sửa chữa căn bản được thực hiện trên nền nhà đã có từ trước và giống như kết cấu cũ, nhưng chính quyền liên tục đến sách nhiễu.
“Thầy ở đó gần hai năm rồi. Trên thị trấn có xuống và công nhận rằng mình có ngôi nhà có diện tích 82 mét vuông, cột gỗ, vách ván, mái tôn.
“Tôi cũng đã xin đủ thứ các giấy tờ rồi nhưng chính quyền họ không cho. Mình xin chuyển qua thổ cư, họ cũng không cho. Nói chung là họ không cho mình làm bất cứ cái gì hết.
“Vì sự an toàn cho bản thân và những người tại đây thì bắt buộc mình phải sửa lại cái nhà: cũng bằng cột gỗ, vách ván, mái tôn. Đó là công lao của phật tử cũng như của tôi để góp lại làm nên một mái chùa rất nhỏ để phật tử ngày mồng một và ngày 15 âm lịch đến đó tu tập. Nhưng chính quyền lại xuống lập biên bản, họ không cho tập trung để sinh hoạt lễ lạc này nọ.”
Thượng toạ Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thuộc tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nên nhận định với VOA về việc chính quyền tháo dỡ chùa Sơn Linh:
“Chùa Sơn Linh của thầy Thích Nhật Phước là một ngôi nhà tạm rất nhỏ bé, họ không cho mình phát triển ra – có nghĩa là họ không cho một tổ chức tôn giáo độc lập, họ muốn triệt tiêu các cơ sở độc lập thuộc tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà tôi tham gia.
“Còn những ngôi chùa nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam [được nhà nước công nhận] dù xây dựng cơ sở trên núi, trên rừng một cách hoành tráng, hàng tỉ tỉ đồng vẫn được tự do phát triển.
“Trong khi đó, những ngôi của tăng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì nhà nước không cho phát triển, họ đàn áp một cách khốc liệt”.
VOA đã liên lạc chính quyền thị trấn Plei Kần, chính quyền huyện Ngọc Hồi, và tỉnh Kon Tum, yêu cầu cho ý kiến phản hồi về các thông tin cưỡng chế chùa Sơn Linh, nhưng chưa nhận được trả lời.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Kon Tum cưỡng chế ngôi chùa này. Theo báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào đầu năm 2019, chính quyền cũng đã phá bỏ chính điện của ngôi chùa này trong khi sư trụ trì Thích Đồng Quang đi vắng để chữa bệnh.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong thời gian qua, chính quyền ở các địa phương tại Việt Nam đã phá hủy nhiều cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngăn chặn các cơ sở độc lập khác hoạt động. Điển hình như việc cưỡng chế chùa Liên Trì ở Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Thiền Quang tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vào ngày 2/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” vì nước này “vi phạm hoặc dung túng những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo”.
Tuy nhiên, hôm 15/12, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách cần theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo “là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”.