Tập đoàn quân nhân Thái Lan bắt các nhà hoạt động và trí thức

  • Gabrielle Paluch

Phóng viên Pravit Rojanaphruk tự dán miệng của mình trước căn cứ quân sự ở Bankok, nơi ông bị chính quyền quân nhân triệu tập, ngày 25/5/2014.

Tập đoàn lãnh đạo Thái Lan đã triệu tập và câu lưu các nhà hoạt động và các nhà trí thức trong tuần lễ quân đội lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính. Quân đội nói họ đang thực hiện một nghị trình cải cách nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị suốt 6 tháng qua tại nước này. Từ Bangkok, thông tín viên Gabrielle Paluch gởi về bài tường trình sau đây.

Kể từ khi chính quyền quân nhân mới của Thái Lan, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, lên nắm quyền, hàng trăm người biểu tình chống đảo chính đã tụ tập ở Bangkok, tại các sự kiện bất chợt tổ chức qua tin nhắn trên các phương tiện di động và các ứng dụng mạng xã hội.

Binh sĩ được phái đến để đối đầu với những người biểu tình và giải tỏa các đường phố, và có khi đã bắt giữ những người biểu tình vì không tuân lệnh cấm tụ tập. Tập đoàn quân nhân lãnh đạo cũng triệu tập các thành viên của chính phủ bị lật đổ, các nhà hoạt động và các nhà trí thức, câu lưu nhiều người vô thời hạn tại một địa điểm không được tiết lộ.

Đa số đều tuân thủ mệnh lệnh và đến trình diện tại các văn phòng quân đội. Nhưng có một số người, như nhà hoạt động “Áo Đỏ” thân chính phủ Sombat Boonngamanong, không tuân theo chỉ thị.

Ngược lại, ông Sombat nói rằng giới hữu trách có thể tìm thấy ông tại một cửa hàng McDonald, nơi một đám những người biểu tình liên lạc bằng tin nhắn di động, đeo mặt nạ có hình của ông Sombat, tập trung. Ông Chatuporn, nói rằng chiến thuật của của nhóm này được áp dụng sau khi nhiều thủ lãnh chính trị của phe ông bị câu lưu.

"Bởi vì ông Sombat tạo ra trò chơi cho tất cả mọi người, nếu muốn bắt ông thì xin mời, đi mà bắt ông Sombat ở tất cả mọi nơi. Chúng tôi có mặt ở tất cả mọi nơi, kêu gọi tập trung bằng tin nhắn di động hoặc những hình thức tương tự. Đó là lý do tại sao họ muốn bắt tất cả các thủ lãnh. Họ bắt thủ tướng của chúng tôi, họ giam các thủ lãnh của chúng tôi ở chỗ nào đó, chúng tôi không biết. Nhưng ông Sombat là người đã tránh né được."

Quân đội cũng triệu tập các thủ lãnh chính trị chống đối cuộc đảo chính.


Ngoài ông Sombat, quân đội còn triệu tập và câu lưu các ký giả và các nhà trí thức, cùng với các thủ lãnh chính trị chống đối cuộc đảo chính.

Lãnh đạo cuộc đảo chính là tướng tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha nói rằng ông hy vọng chính quyền quân nhân sẽ chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài mà chính phủ dân cử và phe đối lập đã không thể nào đi đến thỏa hiệp được, và hậu quả là biểu tình kéo dài nhiều tháng làm tê liệt thủ đô.

Phó phát ngôn viên quân đội Weerachon Sukhondhapatipak nói rằng quân đội sẽ thôi nắm giữ quyền kiểm soát đất nước một khi tình hình giải quyết xong.

"An ninh, hòa bình và trật tự. Hòa bình và trật tự, người dân trong nước phải hòa hợp với nhau và hòa bình, trật tự phải lâu bền chứ không phải tạm thời. Và tiếp theo đó, chúng tôi mới tiến đến bàn về chuyện bầu cử. Nhưng ngay vào lúc này, chúng tôi phải chấn chỉnh tất cả các vấn đề của đất nước, đặc biệt là những vấn đề cơ bản."

Người phát ngôn này hứa hẹn các thủ lãnh chính trị sẽ được thả về một khi trật tự tái lập trên đường phố, nhưng ông không nói rõ chuyện gì sẽ xảy ra với những người khác đang bị câu lưu.

Ông Pavin Chachavalpongpun là một nhà phân tích chính trị và trước đây là một nhà ngoại giao cũng nằm trong số những người bị tập đoàn quân nhân triệu tập. Nhưng ông cho biết là ông không đến trình diện bởi vì ông không công nhận tính hợp pháp của cuộc đảo chính. Ông nói rằng các lệnh triệu tập vi phạm quyền tự do của các học giả và mà một mưu toan đe dọa.

"Đây là cuộc đảo chính thứ 19 của quân đội, sự kiện họ bắt đầu sách nhiễu các nhà trí thức là một điều khá mới mẻ, và điều đầu tiên họ cần làm là tìm cách kiểm soát loại thông điệp mà nhiều người sẽ gởi cho nhau ở khắp nơi. Tôi nghĩ các nhà trí thức có thể đề ra một mối đe dọa đối với vị thế quyền lực của những người gây đảo chính."

Ông Pavin tin rằng tiến trình triệu tập những người thẳng thắn chỉ trích với lời đe dọa có thể truy tố họ theo quân luật hoặc luật cấm phỉ báng nhà vua gây phương hại cho tính cách chính đáng của cuộc đảo chính. Ông Pavin nói rằng nó chỉ càng khích lệ thêm việc chỉ trích chế độ quân nhân cầm quyền.