Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong khi vận động tranh cử đã hứa sẽ thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, bao gồm việc mưu tìm những điểm tương đồng với Nga, một hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Iran và Trung Quốc, và mạnh mẽ ủng hộ nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, đã sau một tháng, chính quyền của ông Trump đang định lại những ưu tiên cần tập trung. Từ Washington, thông tín viên Jesusemen Oni của đài VOA có bài tường trình.
Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng thống Donald Trump quả quyết rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ làm theo một nguyên tắc duy nhất.
"Từ hôm nay trở đi, nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết, chỉ có nước Mỹ là trên hết. Tất cả mọi quyết định về thương mại, thuế khóa, di dân, và đối ngoại."
Trong tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Trump bắt đầu thay đổi những truyền thống đó tồn tại mấy chục năm qua và các quan hệ quốc tế.
Tổng thống Trump đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc, phát đi tín hiệu của một chương mới trong quan hệ hợp tác Mỹ-Israel mà trước đó đã rơi vào tình trạng căng thẳng dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Khi còn là một ứng cử viên, ông Trump hứa sẽ dời Ðại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem, và tỏ ra ủng hộ chình sách định cư ở Khu Bờ Tây của Israel. Tuy nhiên khi lên nhận chức tổng thống, ông Trump tỏ dấu rằng ông “đang xem xét” việc dời đại sứ quán, và yêu cầu Israel “ngưng” mở rộng khu định cư.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Trump cũng thận trọng né tránh quan điểm lâu nay của Hoa Kỳ là ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel và người Palestine.
"Tôi đang tìm hiểu giải pháp hai nhà nước và một nhà nước, và tôi ủng hộ giải pháp nào mà các bên đều mong muốn."
Ông Trump hứa sẽ không để cho Iran có vũ khí hạt nhân. Ông chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Tehran năm 2015 là một “thỏa thuận thực sự tồi.”
Hồi tháng 2, ông Trump đã ra thêm các lệnh chế tài đối với Iran để đáp lại việc nước này thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
"Và tôi sẽ có thêm các biện pháp không để cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân."
Tổng thống Trump nhiều lần lập lại gợi ý rằng hâm nóng lại quan hệ với Nga sẽ là một ý tưởng hay, bất chấp những quan hệ của Moscow với Iran và những cáo buộc về việc Nga phá rối cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016.
Điều đó khiến một số nhà lập pháp Mỹ và các đồng minh Âu châu khó chịu.
Hồi cuối tuần qua tại Brussels, Phó Tổng thống Mike Pence đã tìm cách trấn an các đối tác Âu châu.
"Trong lúc Hoa Kỳ sẽ tiếp tục buộc Nga chịu trách nhiệm, theo chỉ thị của Tổng thống Trump, chúng tôi cũng sẽ mưu tìm những điểm tương đồng với Nga mà Tổng thống Trump tin là sẽ tìm được."
Ông Trump thường chỉ trích Trung Quốc khi ông vận động tranh cử. Ông tố cáo Trung Quốc cố giữ giá trị thấp của đông nguyên để cạnh tranh bất công.
"Trung Quốc không làm ăn không theo luật lệ, và tôi biết đã đến lúc họ bắt đầu phải tuân thủ."
Tổng thống Trump hứa sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và thay đổi chính sách thương mại. Cho đến giờ, chính quyền của ông Trump vẫn giữ im lặng về những vấn đề đó, thay vào đó họ chuyển sự tập trung vào vấn đề địa chính trị.
Tổng thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc,” liên quan đến vấn đề Ðài Loan, nhưng Mỹ tiếp tục nêu nghi vấn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Một hạm đội có tàu sân bay của Mỹ mới đây đã bắt đầu “cuộc thao dượt thường lệ” trên Biển Đông.
Việc làm này bất chấp cảnh báo của Trung Quốc là không can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói:
"Theo tôi thì có một xung lực trong chính quyền của Tổng thống Trump khiến họ phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, và đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, nhưng không rõ là từ những tuyên bố mà chúng ta đã nghe cho đến bây giờ, liệu có một chính rõ ràng hay không."Chỉ mới mấy tuần lễ kể từ khi Mỹ có chính quyền mới, các nước đang theo dõi sát những thay đổi lớn trong quan hệ với Mỹ, trong lúc Tổng thống Trump tiếp tục định hình cho chính sách “nước Mỹ trên hết” sẽ như thế nào.