Chiến lược biển mới của Nhật tập trung vào an ninh hàng hải

Nhật và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư

Hôm 15/5 Nhật đã phê chuẩn chính sách đại dương mới trong đó nhấn mạnh vấn đề an ninh biển trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên và Trung Quốc, hãng thông tấn Kyodo đưa tin.

Đây là sự đảo ngược chính sách trước đây của nước này vốn tập trung chủ yếu vào phát triển tài nguyên.

Chiến lược này nêu lên các đe dọa từ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và các hoạt động của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc nói thuộc sở hữu của họ với tên gọi Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

“Giữa bối cảnh tình hình trên biển ngày càng khốc liệt, chính phủ sẽ có biện pháp bảo vệ lãnh hải và lợi ích của chúng ta trên biển,” Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp của ủy ban chính phủ về chính sách đại dương.

Kể từ khi được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008, chính sách đại dương của Nhật đã được xem xét lại mỗi năm năm. Nội dung của chính sách đại dương lần thứ ba này dự trù sẽ được phản ánh trong hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng vệ của Nhật vốn sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 năm nay.

Bản chính sách này chỉ ra rằng tình hình an ninh trên biển đối với Nhật ‘nhiều khả năng sẽ xấu đi nếu không có biện pháp ứng phó’.

Chính phủ Nhật cũng dự định sẽ sử dụng các thiết bị radar ven biển, máy bay và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Tuần duyên cũng như các vệ tinh quanh học kỹ thuật cao của Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật, để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo trên biển.

Chính sách này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa lực lượng tuần dương và cơ quan quản lý đánh bắt cá của Nhật để tăng cường khả năng ứng phó trước các hoạt động của Bắc Triều Tiên cũng như việc đánh bắt trái phép của tàu cá các nước khác.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến hải lộ, chính sách này cũng quy định chính phủ sẽ thúc đẩy ‘chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ mà ông Abe ủng hộ để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực dựa trên pháp trị.

Theo Kyodo/ Mainichi