Đối với nhiều người Mỹ, các dịp lễ là thời điểm để đến với mọi người qua các tổ chức từ thiện. Thông tín viên Mike O'Sullivan có bài tường trình về các nỗ lực thiện nguyện trong ngày lễ, trong đó có đợt vận động quyên góp đồ chơi trẻ em ở Los Angeles và một nhóm các tiệm bán lẻ liên kết những người mua sắm ở Bắc Mỹ với những người thợ thủ công tại những nước đang phát triển.
Người đi rung chuông quyên tiền cho tổ chức The Salvation Army là một hình ảnh quen thuộc trong dịp Giáng sinh. Tổ chức tôn giáo này khởi sự từ thế kỷ thứ 19 tại Anh và hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Những người đi rung chuông thu thập các khoản quyên góp từ thiện cho người nghèo trong các thùng quyên màu đỏ.
Tại một trung tâm ở Los Angeles, tổ chức từ thiện này cấp phát cho các bà mẹ có thu nhập thấp đồ chơi cho con cái của họ và những tấm vé để lãnh giỏ quà thực phẩm Giáng sinh.
Marina Martinez, một nhân viên chỉ huy của Salvation Army, nói lễ Giáng sinh chủ yếu là dành cho trẻ em.
Bà Marina nói: "Mọi người chỉ muốn chia sớt và cảm thấy hạnh phúc. Thật ra họ nói sao bạn biết không, rằng tôi có nhiều con và con cái của tôi không cần gì cả, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ với những gia đình khác.”
400 gia đình sẽ được trợ giúp tại trung tâm địa phương này, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, những người lãnh đạo của tổ chức này cho biết có thêm nhiều người cần giúp đỡ. Một trăm gia đình trong vùng đang nằm trong danh sách chờ đợi.
Ông Robert Brennan thuộc tổ chức Salvation Army cho hay tổ chức của ông đang cố gắng xóa bỏ cách biệt giàu nghèo thông qua công nghệ kỹ thuật.
Ông Brennan cho biết: "Thế giới đang thay đổi và chúng tôi đang cố gắng thay đổi cách thức quyên góp. Chúng tôi có những thùng quyên đỏ trên mạng. Mọi người có thể dùng các thùng quyên riêng của mình, rồi sử dụng địa chỉ email để liên lạc bằng hữu và bạn làm ăn quen biết để khuyến khích họ góp tiền từ thiện cho Salvation Army."
Trong khi đó, khách hàng mua sắm ở Pasadena thuộc bang California, Hoa Kỳ, tạo một liên kết kiểu khác với những người ở nửa vòng bên kia thế giới.
Các chị em thợ thủ công gốc Maasai sinh sống tại các vùng đồi núi bên ngoài thủ đô Nairobi của Kenya và thợ thủ công ở Nepal làm các sản phẩm cho cửa tiệm có tên gọi là “10 ngàn ngôi làng”, thuộc dây chuyền các tổ chức phi lợi nhuận toàn quốc do giáo phái Mennonites khởi xướng. Họ phối hợp với giới hành nghề thủ công tại 35 nước ở Châu Phi, Châu Á, và Châu Mỹ Latinh để đảm bảo các sản phẩm của họ có giá phải chăng.
Khách hàng Fred Dunn thường mua quà tặng từ tiệm này.
Ông Dunn nói: "Tôi ngạc nhiên trước số lượng các sản phẩm đẹp mắt từ khắp nơi trên thế giới, đây là công việc làm ăn buôn bán đàng hoàng, họ thật sự giúp đỡ các công nhân tại những nơi khác trên thế giới, và tôi yêu thích những món hàng ở đây.”
Ông Craig Schloneger, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết mua sắm kiểu này trong dịp lễ lạc nằm trong một phong trào mới.
Ông Schloneger cho biết: "Tôi nghĩ ngày nay nhiều người tìm kiếm các món quà giản dị và người ta nhận ra rằng ý nghĩa của quà tặng là ở tấm lòng người tặng chứ không phải ở giá trị của món quà."
Quản lý cửa tiệm ở Pasadena, ông Sam Bills, nói mỗi sản phẩm giúp khách hàng liên kết với những người làm ra sản phẩm.
Ông Bills nói: "Về cả hai mặt, rằng các sản phẩm này hiện diện trong nhà chúng ta và câu chuyện đằng sau nó, cũng như chúng ta biết nguồn gốc các sản phẩm này từ đâu ra, những người làm ra nó được đãi ngộ như thế nào. Vì thế, đây là một bức tranh toàn cảnh về một thế giới khác hẳn mà chúng ta có thể tạo ra bằng cách mua sắm của mình."
Mạng lưới “10.000 ngôi làng” có 75 cửa tiệm và 300 đối tác liên kết. Họ cũng đã mở rộng hoạt động trên mạng internet, tạo ra những liên kết mới giữa khách hàng mua sắm và những người thợ thủ công từ các làng mạc.
Đối với nhiều người Mỹ, các dịp lễ là thời điểm để đến với mọi người qua các tổ chức từ thiện. Thông tín viên VOA Mike O'Sullivan có bài tường trình về các nỗ lực thiện nguyện trong ngày lễ, trong đó có đợt vận động quyên góp đồ chơi trẻ em ở Los Angeles và một nhóm các tiệm bán lẻ liên kết những người mua sắm ở Bắc Mỹ với những người thợ thủ công tại những nước đang phát triển.