Chủ tịch nước Việt Nam đề nghị thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng đối phó với một làn sóng COVID-19 mới và tiên liệu có thể phải tới năm 2023 thành phố mới trở lại bình thường, báo chí Việt Nam tường thuật, dẫn lại các phát biểu của vị lãnh đạo trong một cuộc gặp với cử tri.
Tin cho hay Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cử tri một số quận, huyện của Tp.HCM vào sáng 16/11, đối thoại với họ về chống dịch và phục hồi kinh tế.
Tp.HCM là đô thị đông dân nhất, đồng thời là trung tâm kinh tế lớn nhất và đóng góp nhiều nhất vào GDP lẫn ngân sách nhà nước của Việt Nam.
Nhận định về tình hình trong hơn 1 năm tới, ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta phải tiếp tục giải quyết hậu quả của dịch bệnh trong một thời gian dài, không phải năm nay, năm 2022 mà có thể sang cả năm 2023 mới khôi phục các hoạt động trở lại bình thường”, theo báo chí trong nước.
Vị chủ tịch nước lưu ý rằng: “Trong bối cảnh dịch ở châu Âu đang rất nặng nề, ở Tp.HCM mỗi ngày có trên 1.000 ca nhiễm thì chúng ta không thể chủ quan”.
Như VOA đã đưa tin, trong gần 1 tháng qua, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày của Việt Nam vẫn ở mức cao và trên đà tăng trong gần 1 tháng trở lại đây.
Từ mức khoảng 3.000 ca nhiễm/ngày hôm 19/10, đến tuần thứ hai của tháng 11, số ca nhiễm hàng ngày thường xuyên ở mức khoảng 8.000 ca, và hiện nay, hôm 16/11, số ca dương tính mới lên đến hơn 10.000.
Trước thực tế như vậy, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về một đợt dịch lần thứ 5 có thể xảy ra và đề nghị thành phố phải sẵn sàng ứng phó.
“Chúng ta không đặt vấn đề sớm như thế, chúng ta lại bị động”, ông Phúc nói, theo trích dẫn trên báo chí nhà nước.
Trong số các giải pháp để thành phố vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, cần phải thúc đẩy làm việc từ xa và chuyển đổi sang kỹ thuật số để củng cố công tác quản trị thành phố, vẫn lời Chủ tịch Phúc. “Cấp ủy, chính quyền phải nhanh nhạy hơn, làm việc liên tục hơn”, ông nói.
Bên cạnh đó, các công việc trọng tâm khác mà vị chủ tịch nước nêu ra cho thành phố thực hiện gồm: tăng cường hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp thông qua đào tạo hoặc đào tạo lại nghề nghiệp; tất cả người lao động quay lại thành phố cần được tiêm vaccine ngừa COVID-19; thành phố cần tích cực hơn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Thành phố cũng phải khôi phục, đảm bảo thông suốt hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, điểm cung ứng; chính quyền cần đối thoại, nắm bắt khó khăn của từng doanh nghiệp để đưa ra phương án giải quyết, Chủ tịch Phúc nhấn mạnh.