Vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi khi chưa tròn nửa nhiệm kỳ là ‘việc vô tiền khoáng hậu’ trong lịch sử Việt Nam, có tác động vô cùng lớn đối với tâm lý đảng viên và người dân và đòi hỏi Đảng Cộng sản phải có cách xử lý và xác định trách nhiệm cho tương xứng, một số nhà quan sát trong nước nói với VOA.
Nhiều cái đầu tiên
Ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam phải ra đi khi nhiệm kỳ còn dang dở. Với tư cách là chủ tịch nước, ông là người xếp thứ hai trong bốn nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, còn gọi là “tứ trụ”, chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đảm đương hai chức vụ trong tứ trụ là Thủ tướng Chính phủ, từ 2016 đến 2021, sau đó là Chủ tịch nước từ 2021 đến nay.
Ông là một trong hai ‘trường hợp đặc biệt’ được Đại hội Đảng hồi đầu năm 2021 đặc cách cho ở lại trong Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa 13 mặc dù đã quá tuổi, cùng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh nhiệm vụ nguyên thủ Quốc gia, ông Phúc còn là người thống lĩnh quân đội trên danh nghĩa với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Để đi đến quyết định cho ông Phúc ra đi, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có phiên họp bất thường vào chiều ngày 17/1. Thông cáo phát ra ngay sau đó cho biết ông Phúc xin từ chức ‘theo nguyện vọng cá nhân’ và Trung ương Đảng đáp ứng nguyện vọng đó để ông Phúc thôi tất cả các chức vụ và nghỉ hưu.
Tuy nhiên, vài ngày trước cuộc họp của Trung ương Đảng, trên mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về việc ông Phúc phải ra đi sau một phiên họp bí mật của Bộ Chính trị.
Ông Phúc ra đi trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, để trống ghế nguyên thủ vốn mang tính đại diện cho nhà nước trước nhân dân và quốc tế. Ngay ngày tiếp theo, 18/1, tức là chỉ sau khi Trung ương Đảng họp một ngày, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để miễn nhiệm ông Phúc.
Trước khi có thông báo bị cho thôi chức, ông Phúc còn thấy chủ trì chương trình Xuân Quê hương đón Tết với đại diện Việt kiều vào tối ngày 14/1 và đến ngày 16/1, ông còn đến chúc Tết Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại chùa Huê Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trước vụ ông Phúc, Trung ương Đảng khóa 13 đã có đến 10 ủy viên trung ương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị là ông Phạm Bình Minh, bị ngã ngựa giữa chừng – con số chưa từng thấy trong lịch sử của đảng.
Đấu đá nội bộ?
Nói với hãng tin Pháp AFP, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Viện nghiên cứu đông nam Á ISEAS ở Singapore nhận định việc ông Phúc ra đi ‘có thể là do đấu đá nội bộ’.
“Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc điều tra tham nhũng nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng các đối thủ chính trị của ông ấy cũng muốn loại ông ấy vì những lý do chính trị”, ông Hiệp được dẫn lời nói.
Đến Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng sẽ về hưu và ông Phúc được xem là một trong những ứng viên thay thế ông Trọng, theo lời ông Hiệp, các đối thủ của ông Phúc trong đảng ‘muốn loại trừ ông để dọn đường cho người khác lên làm lãnh đạo tối cao’.
Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu khác cũng ở viện ISEAS, nói với hãng tin Anh Reuters rằng việc ông Phúc rớt đài và những bất trắc mà nó gây ra có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài bất an.
“Việc này có thể đưa Việt Nam đến giai đoạn bất ổn vốn có thể khiến cho bạn bè và các nhà đầu tư lo lắng”, ông Hợp nói.
Phần nổi của tảng băng?
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo tự do được đến với bút danh Ba Sàm, nói ‘nếu như theo dõi các quan chức Việt Nam lâu nay thì sẽ không ngạc nhiên một tí nào khi quan chức cao đến cỡ nào cũng có thể bị mất chức và nhúng chàm’.
“Người ta đang đợi một vị rất to bị lật đổ”, ông nói. “Từ sau vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu, mọi người hay hỏi trùm cuối là ai. Điều đó cho thấy họ biết các vụ việc này đến mức độ nào rồi”.
Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương cho biết ông Phúc ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’ cho những vi phạm của thuộc cấp trong nhiệm kỳ ông làm thủ tướng, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng ‘có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng’.
Theo ông Vinh, vụ Việt Á là ‘khổng lồ, chưa từng thấy trong lịch sử đất nước’ và ‘cũng không thấy trên thế giới trong suốt thời gian đại dịch’ nên ông dự đoán ‘dưới tảng băng đó là nhiều điều rất ghê gớm, đem đến hậu quả suốt một năm nay’.
“Tại sao vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu kéo dài cả năm như thế, quá lộ liễu như thế, quá lớn như thế, dính líu đến bao nhiêu ban ngành, bao nhiêu địa phương, bao nhiêu con người như thế mà không phát hiện ra từ trong trứng”, ông đặt vấn đề.
“Đằng sau nó là cái gì, tôi để mọi người tự suy nghĩ,” ông nói.
Theo quan sát của ông Vinh, lâu nay trên mạng xã hội đã lan truyền rất nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng về gia đình hay người thân quen của ông Phúc nhưng ‘truyền thông nhà nước không hề đi vào chi tiết để phản bác mà chỉ bác bỏ chung chung là bịa đặt’.
“Những thông tin đó chỉ có thể là gần đúng”, ông lập luận. “Xử lý ông Phúc ở đây chỉ là xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới, còn những tin đồn đó có xử lý hay không?”
Nhà báo tự do này cũng đặt vấn đề đảng phải mở một đại hội toàn quốc giữa nhiệm kỳ, vốn hiếm khi xảy ra, trước tác động quá lớn của những vụ thanh trừng gần đây.
“Nếu để mà thực sự có dân chủ trong đảng thì phải tổ chức đại hội bất thường, khi mà có hàng loạt hội nghị bất thường vừa rồi”, ông nói.
Tuy nhiên, điều này ông cho rằng các lãnh đạo đảng hiện nay ‘rất không muốn xảy ra’ vì ‘sẽ đụng đến những vấn đề nhạy cảm rất nghiêm trọng’.
Khi được hỏi về niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng có được củng cố sau vụ việc của ông Phúc hay không, ông Vinh nói ‘nhiều người bạn bè của ông chỉ cười khẩy’.
Trách nhiệm ông Trọng?
Về phần mình, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà bất đồng chính kiến, đặt vấn đề về trách nhiệm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ khóa 13.
“Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chịu trách nhiệm vì những nhân sự cấp cao đó là do ông Trọng xây dựng lên, và hàng loạt những người đó lại bị dính vào chuyện này, chuyện khác, bị kỷ luật, bị đi tù”, ông chỉ trích.
Do đó, theo lời ông Chênh, khi xem xét trách nhiệm của ông Phúc đối với cấp dưới thì cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Trọng trong vấn đề nhân sự của Đảng.
“Tất cả các bộ là do Bộ Chính trị quyết định mà đứng đầu Bộ Chính trị là ông Trọng, nên ông Trọng đương nhiên là người chịu trách nhiệm lớn nhất”, ông phân tích.
“Những nhân sự như ông Phúc là nhân sự rất đặc biệt, rất tinh hoa của đảng mới được đặc cách giữ lại mà lại xảy ra những chuyện như vậy đã tác động rất xấu đến lòng tin của người dân”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Chênh cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, vì những vụ bê bối Việt Á và chuyến bay giải cứu xảy ra kéo dài đến nhiệm kỳ của ông Chính.
“Qua điều này có thể thấy rằng ông Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chống tham nhũng, không có giới hạn, không có vùng cấm. Đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng rất đáng buồn là những cán bộ cấp cao đến vậy mà còn dính đến tham ô, tham nhũng”, ông nhận định.
“Người ta có thể thấy rằng chế độ này không thể tránh được việc cán bộ tham nhũng”, ông nói thêm.
Ông cũng bày tỏ ngờ vực việc này là đấu đá chính trị vì vài ngày trước khi có thông tin chính thức, trên mạng xã hội đã có rò rỉ việc ông Phúc bị cho thôi việc. “Chắc do bè phái nào đó muốn thăm dò dư luận”, ông phân tích.
Bản thân ông Chênh là người cùng quê Quảng Nam với ông Phúc và ông đã ‘vài lần ngồi xuống nói chuyện với ông Phúc thưở còn hàn vi’. Theo đánh giá của ông, qua những phát biểu và những việc làm của ông Phúc, vị lãnh đạo này ‘không phải là người giỏi’ nhưng ông không nghĩ ông Phúc ‘dính trực tiếp tham ô hay tham nhũng’.
“Bởi vì ông Phúc đã lên đến chức Chủ tịch nước rồi thì ông ấy cũng muốn ghi danh với lịch sử bằng những việc làm tốt đẹp”.