Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng chính phủ đang xem lại thông tư cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới trong lúc có những dư luận trái chiều về quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép thanh toán đồng tiền Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm 13/9 nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng có dư luận nói quy định mới này là vi hiến, vi phạm pháp luật nên cần phải xem lại, theo quochoi.org, cổng thông tin điện tử chính thức của Quốc hội Việt Nam.
Thông tư 19/2018 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/8 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong hoạt động thương mại tại khu vực biên giới hai nước Việt-Trung. Theo quyết định này, việc thanh toán bằng đồng tiền của Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/10.
Theo bà Ngân có nhiều dư luận trong và ngoài nước liên quan đến thông tư.
“Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng hai đồng tiền?,” Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói tại một phiên họp của Ủy ban TVQH ở Hà Nội hôm 13/9.
Bà Ngân nói cần “phải trả lời câu hỏi này” và yêu cầu Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phải trực tiếp chỉ đạo việc này.
Mặc dù quy định này chỉ được áp dụng cho khu vực thương mại ở biên giới nhưng bà Ngân nói vẫn cần phải xem lại.
Tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội được đưa ra không lâu sau khi hàng trăm trí thức Việt Nam đồng loạt ký tên vào một tuyên bố phản đối quyết định của NHNN vì họ cho là vi hiến và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Quang A nhận định với VOA hôm 6/9 rằng thông tư mới của NHNN còn nhiều điều quá mập mờ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia.
XEM THÊM: Giới trí thức ra tuyên bố phản đối việc dùng tiền TQ trên lãnh thổ VNMột người ký tên vào bản tuyên bố, bác sỹ Đinh Đức Long ở TP HCM, nói với VOA rằng đây là một việc chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Ông cho rằng “ngoại tệ mà được sử dụng chính thức trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật, vi phạm hiến pháp Việt Nam” và sẽ “ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế.”
Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc Xinhua, thông tư này củng cố thêm nghị định của chính phủ Việt Nam về thanh toán ở khu vực biên giới có hiệu lực vào tháng 1 năm nay và thay thế một quy định khác của NHNN được đưa ra năm 2004 về thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra hôm 26/7.
Việt Nam cho rằng việc cho phép sử dụng tiền Trung Quốc trong giao thương tại khu vực biên giới như nêu trong Thông tư 19/2018 là “góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt-Trung ngày càng phát triển.”
Tuy nhiên tâm lý bài Trung Quốc tiếp tục tăng cao khi người dân trong nước lo ngại về các dự án đầu tư của Trung Quốc nhằm khai thác tài nguyên của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, và gần đây là dự luật đặc khu kinh tế trong đó cho các nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Trong tháng Sáu, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp Việt Nam và trên thế giới nơi có nhiều người Việt sinh sống để phản đối dự luật này khi công chúng cho rằng sẽ có nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau các dự án ở các đặc khu kinh tế.
Việt Nam có bảy tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên.