Tiến triển nhưng chưa có đột phá
“Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng sâu rộng, ổn định và vững chắc”, “Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu”…
Đó là hai trong hàng loạt những tiêu đề lớn từ “Cổng thông tin điện tử” (CTTĐT) của Chính phủ Hà Nội cho đến tối ngày 15/4 (giờ Việt Nam), lúc ông Blinken vẫn chưa kết thúc chuyến thăm. Trong một phóng sự dài trên 2500 từ với 5 tiêu đề lớn ngang ngửa nhau (Nhớ là tất cả đều là “title” chứ không phải “subtitle”) – một kiểu trình bày báo chí khác với truyền thống thường ngày – đủ cho thấy, các cơ quan từ Chính phủ Việt Nam thực sự muốn chuyển tải “càng nhiều càng tốt” những thông tin cơ bản đến độc giả.
Đối với thể loại đề tài còn ít nhiều nhậy cảm như quan hệ Việt – Mỹ, bản báo vẫn dành một thời lượng nổi bật khác thường như vậy là động thái hiếm hoi và cho thấy tiến triển lạc quan trong quan hệ Việt – Mỹ. Vẫn từ CTTĐT, độc giả còn được “chiêm ngưỡng” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken. Phóng sự này tuy độ dài chưa bằng một nửa phóng sự nói trên, nhưng đổi lại, gần 1200 từ ấy đã chốt lại một thông điệp khá rõ ràng: TBT Trọng đánh giá những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cảm ơn, đề nghị các cơ quan liên quan thu xếp vào thời điểm thích hợp và nhắc lại lời mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định lại Tổng thống Joe Biden mong sớm sang thăm Việt Nam.
Liệu đây đã phải là nội dung đột phá mà Ngoại trưởng Blinken đã cất công “cưỡi mây” hàng vạn cây số, mang sang tận Văn phòng TBT để trao cho Nguyễn Phú Trọng? Có lẽ là chưa phải! Thông tin này, quan trọng thật đấy nhưng nó đã có từ cuộc điện đàm ngày 29/3. Vậy đâu là thông điệp quan trọng nhất của chuyến đi? Rất có thể là thỏa thuận nếu Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư ĐCSVN cùng nhắc lại lời mời lẫn nhau, thì cụ thể thời điểm của mỗi chuyến đi sẽ rơi vào quãng nào trong năm nay? Mà điều này thì như một nguyên tắc bất thành văn của Lễ tân Việt Nam thường chỉ công bố trước khi chuyến thăm xảy ra dăm ngày.
Tiến triển lớn tiếp theo có thể ghi nhận qua các tiếp xúc cấp cao lần này là cả Tổng bí thư và Thủ tướng Việt Nam lẫn Ngoại trưởng Mỹ đều gặp nhau ở một điểm cốt lõi, đó là nhận thức quan hệ song phương Việt – Mỹ, Mỹ – Việt đã đến lúc cần nâng cấp (upgrade). Báo chí quốc tế, từ “Japan Time” đến “Nikkei” cũng đồng điệu với mạch tư duy ấy. Tờ “Japan Times” chạy tít lớn: “Blinken tìm kiếm chiến lược nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam” (Blinken to seek strategic upgrade of U.S.-Vietnam ties). Tờ báo này còn thuyết minh thêm về vị thế của Hà Nội: Việt Nam là một trong tám quốc gia không phải là thành viên G7 được Nhật Bản mời tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 5 tới tại Hiroshima khi Tokyo tìm cách thành lập một mặt trận quốc tế thống nhất về các vấn đề như thách thức của Trung Quốc đối với Trật tự dựa trên luật lệ và đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Hy vọng, Việt Nam sẽ không khước từ lời mời vinh dự này.
Phát biểu khi gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Bùi Thanh Sơn trước đó, ông Blinken nói, trong hành trình mối quan hệ 28 năm qua, hai nước đã cùng nhau xây dựng nền tảng rất vững chắc cho mối quan hệ song phương. Ông Blinken cũng cho biết: “Và bây giờ chúng ta có một cơ hội, tôi hy vọng, để đưa mối quan hệ lên một cấp độ cao hơn nữa trong những tuần tới và tháng tới”. Vẫn lời ngoại trưởng Mỹ: “Những gì chúng tôi từng bàn về khí hậu, năng lượng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, giáo dục và rất nhiều lĩnh vực khác nữa đã đem đến nhiều hứa hẹn to lớn cho người dân cả hai nước. Cam kết chung của chúng ta về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi nó đang bị thách thức, nhưng cả hai nước đều cùng nhau thẳng thắn đấu tranh cho trật tự đó”.
Như ngồi trên “núi lửa” tiếp khách
Trong những ngày Ngoại trưởng Blinken ở Hà Nội, giới quan sát ít nhận ra sức nóng như “núi lửa” tỏa ra do sự bất an cả ngoại giao lẫn nội trị của chủ nhà. Về nội trị, bốn lãnh đạo trong “Bộ tứ” thường đứng ra tiếp các quốc khách trong những dịp như thế này. Nhưng với ông Blinken, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã không xuất hiện. Trong trường hợp này, Việt Nam không bao giờ đưa ra lời giải thích chính thức, nhưng sự bất bình thường ấy không thể che dấu những biến sự trên thượng tầng Ba Đình. Cuộc đấu đá nội bộ trong những tuần sắp đến (có tin là trong tháng Năm tới) khiến cho cả ông Trọng lẫn ông Chính không thể ăn nói một cách tự tin, đề cập tới một tầm nhìn dài hạn về nội trị Việt Nam trước các chính khách Hoa Kỳ. Những lãnh đạo được cho là cao nhất trên thượng tầng không chỉ phải dè chừng lẫn nhau khi tiếp xúc với các khách quốc tế, ở đây là với Hoa Kỳ, mà họ còn phải đề phòng bị Trung Quốc “đánh tụt điểm”.
Cho nên Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò tích cực góp phần nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một tập hợp lực lượng của Hoa Kỳ chống Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lại tránh đề cập đến cái không gian chiến lược rất nhạy cảm ấy đối với ĐCSTQ. Chính quyền Biden công khai tuyên bố, việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một phần trọng tâm trong chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, bên cạnh việc hiện đại hóa liên minh với Philippines, củng cố quan hệ với Singapore và Indonesia. Theo các chuyên gia, chính do mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc, việc nâng cấp với Washington vẫn là vấn đề “nóng” với Hà Nội.
Trong chuyến công du lần này của ông Blinken, Việt Nam vẫn chưa “chốt” câu trả lời là do những tính toán về lợi và hại của động thái này. Washington cần phải chứng tỏ rằng, họ cam kết với mối quan hệ và sẽ mang lại những kết quả rõ ràng để vượt qua bất kỳ trở ngại kinh tế và ngoại giao nào mà Việt Nam sẽ phải đối mặt từ Trung Quốc. Cho dù các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng, các mối quan hệ song phương nên được nâng cấp, nhưng ý tưởng này chưa bao giờ được thực thi, một phần do Việt Nam lo ngại rằng điều đó có thể bị Bắc Kinh hiểu là thù địch với Trung Quốc. Chưa nói, động thái của Việt Nam hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược có thể gây khó chịu cho một vài nước khác nữa chứ không chỉ Trung Quốc. Một phần cộng đồng ASEAN, nhất là Lào và Campuchia, nay đang trong sức hút vào quỹ đạo của Bắc Kinh, chưa hẳn đã hồ hởi với sự nâng cấp này.
Cho đến trưa 16/4, vẫn không thấy bất cứ một thông cáo báo chí nào về việc ông Blinken kết thúc thăm Việt Nam. Thay vào đó, cư dân mạng có thể đọc mấy dòng Tweet thật tình cảm của ông Ngoại trưởng: “Xin cảm ơn những người dân tuyệt vời của Việt Nam và chính quyền Việt Nam đã tổ chức chuyến thăm đầu tiên của tôi trên cương vị Bộ trưởng. Cam kết hơn bao giờ hết trong việc nâng cao Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và cùng nhau hợp tác để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Điều này cho thấy, cả Hà Nội lẫn Washington đều kín tiếng về những thỏa thuận quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam, trước khi ông Blinken báo cáo cho Tổng thống.