Chứng giật cơ do lo âu

Lo âu (ảnh tư liệu)

Thính giả tên Hung Nguyen, ở Việt Nam, hỏi:

“Dạ thưa Bác sĩ,

Em năm nay 25 tuổi. Tháng 8/2017 em bắt đầu có cảm giác lo lắng sợ hãi quá mức tim đập nhanh, khó ngủ. Tháng 9/2017 em có đi khám ở bệnh viện tâm thần (test tâm lý trắc nghiệm) kết luận em bị rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm. Em uống thuốc được 1 tháng thì thấy đỡ nhiều nên em ngưng thuốc, thì 1 tháng sau em bị lại cảm giác giống trên.

Từ giữa tháng 1/2018 em bắt đầu bị giật cơ trong cơ thể. Giật thường xuyên từ chân này sang chân khác, từ tay này sang tay khác, giật ở mông, ngực, lưng, vai có khi giật lên mí mắt và má trái, khoé miệng. Em có đi khám ở bệnh viện 115 và Đại học Y Dược, kết luận em bị rối loạn lo âu (có dùng búa khám phản xạ).

Em uống thuốc hơn 1 tháng thì thấy có giảm nhưng suy nghĩ nhiều và để ý cơ thể quá mức là hay bị giật (nhiều khi giật mà cái quần cái áo e thấy run run).

Gần đây em thấy có khi cầm đồ thấy ngón tay run nhẹ. Thỉnh thoảng em thấy mình hơi chóng mặt, buồn nôn, cơ thể uể oải, tay chân có lúc bủn rủn như không có sức, có lúc thì đau nhức.

Sao em hay bị chuột rut ở ngón chân và lưng, có lúc đang ngủ cũng bị chuột rút ở chân (khi nào căng thẳng thì khi ngủ tay chân hay bị giật 1 cái).

Hiện tại em vẫn hít đất 100 cái/ngày.

Bác sĩ cho em hỏi là ngoài rối loạn lo âu, em còn có thể bị bệnh gì nữa không ạ.

Em xin cám ơn Bác sĩ.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Chứng giật cơ do lo âu

1. Rối loạn lo âu (anxiety disorder)

Thường gặp nhất là rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder). Về tâm lý, bịnh nhân thấy tinh thần căng thẳng, sợ sệt, khó tập trung, lo lắng. Về triệu chứng cơ thể (somatic complaints), một số lớn triệu chứng gây ra do bộ phận giao cảm của thần kinh thực vật kích thích mãn tính: tim đập nhanh, hồi hộp thở nhanh, tay chân mồ hôi , khó ngủ, mệt mỏi, khó sinh hoạt về tính dục. Ngoài ra còn sinh ra vòng lẫn quẩn: hồi hộp gây ra lo sợ đau tim, hồi hộp thêm, khó thở làm hoảng hốt, sợ chết, làm khó thở thêm.

Một trong những tiêu chuẩn định bịnh này là triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng, triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng 20-25 tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới một chút. Tuy nhiên người lớn tuổi cũng thường bị chứng rối loạn lo âu mà không được chẩn đoán , săn sóc.

Một số biểu hiện khác thường gặp của chứng rối loạn lo âu là:

-Những cơn khủng hoảng lo sợ với những triệu chứng dữ dội như đau, tức ngực, ngộp thở (panic attacks)
-Sợ đến chỗ trống trải hoặc đông người (agarophobia), chỉ thích ở nhà, tránh phải nói chuyện với đám đông,
-Sợ người ta nhìn mình, thấy mình ngớ ngẫn, phải xấu hổ (social phobia).

2. Tetany

Trong bịnh tetany , cơ bắp dễ bị kích thích , co lại, co giật hơn bình thường nên cũng gọi là spasmophily.Trong trường hợp người mạnh giỏi không có bịnh gì, tetany thường do chứng máu nhiễm kiềm do hô hấp (respiratory alkalosis).

Giải thích về respiratory alkalosis: bình thường trong máu chúng ta, độ acid-kiềm đo bằng chỉ số pH chừng 7.4. CO 2 ( carbon dioxide) là thán khí được các tế bào thải vào máu, tan trong máu, đến phổi thì được thải ra không khí bên ngoài lúc chúng ta thở ra.Tuy nhiên C02 là một acid nhẹ, lúc nào cũng cần một số lượng nhất định CO 2 trong máu để giữ pH máu ở mức quân bình.


Nếu người bịnh thở nhanh quá vì xúc động, sợ hãi, hay vì cố ý làm nư, lượng CO2 giảm quá thấp, làm máu thiếu acid, trở nên kiềm (pH tăng lên), làm cho Calcium (chất vôi) trong máu bám vào các protein. Nồng độ Calcium dưới dạng ion (ionized calcium concentration) và là thành phần calcium có hoạt tính bị giảm, làm cho các bắp cơ dễ co giật. Người bị tetany co rút bàn chân và bàn tay (carpopedal spasm), chụm các ngón tay lại với nhau như hình nụ hoa sen, giống như bác sĩ sản khoa chụm bàn tay lại để đỡ đẻ, nên gọi triệu chứng này là “bàn tay bác sĩ đỡ đẻ” (Pháp: main d’accoucheur). Ngoài ra, bịnh nhân chóng mặt, ngầy ngật, tê tay chân (paresthesia), tê chung quanh miệng. Chứng bịnh này được gọi là “hội chứng tăng thông khí cấp tính” (acute hyperventilation syndrome).

3. Chứng giật cơ (muscle twitching) do lo âu:

Một số cơ, nhóm hoặc nhiều nhóm cơ co giật không cố ý. Ngay cả khi người bịnh cố gắng thư giãn (relax), cơ co giật vẫn tiếp tục.

Có thể liên quan đến một cơ hoặc nhóm cơ đặc biệt, hoặc có thể ngẫu nhiên chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Cũng có thể bao gồm nhiều cơ hoặc nhóm cơ khác nhau cùng một lúc.

Co giật có thể xuất hiện trong một vài khoảnh khắc ngắn, kéo dài vài phút hoặc vài giờ hoặc kéo dài hàng ngày, hàng tuần hoặc không dứt. Nhiều khi, càng cố gắng nghỉ ngơi hoặc đi ngủ thì co giật lại tệ hơn. Co giật cơ cũng có thể dừng lại khi người bịnh nghỉ ngơi hoặc ngủ, rồi sau đó tiếp tục khi thức dậy.

Co giật có thể tồi tệ hơn khi stress tăng, nhưng không nhất thiết phải giảm đi ngay khi bớt stress. Người co giật cơ do lo âu, thứ nhất có những sợi cơ nhạy cảm, dễ co giật, thứ hai họ lại hay chú ý, lo lắng về những co giật đang xảy ra, thứ ba, càng chú ý, họ càng lo âu hơn, có người còn lo sợ những co giật nhẹ ở mí mắt, ở mặt là một điềm báo trước một chuyện xui xẻo nào đó, làm họ lo âu thêm. Dù trong ý thức họ không thấy lo, sự lo âu vẫn còn tồn tại trong tiềm thức và biểu hiện ra ngoài bằng những triệu chứng như co giật bắp cơ.

Triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến bất cứ cơ hoặc nhóm cơ nào trong cơ thể, bao gồm cả ở đầu, mặt, mắt, miệng, cổ, vai, lưng, ngực, bụng, dạ dày, thực quản, háng, cơ quan sinh dục, cánh tay, chân, bàn chân, ngón chân, v.v

Nguyên nhân gây co giật cơ: Tình trạng lo âu đặt cơ thể trong một tình trạng báo động liên tục, kích thích quá độ. Hệ thần kinh là nơi điều khiển các cơ hay nhóm cơ gởi ra những hiệu lịnh (impulses, "xung") hỗn loạn, không chủ đích rõ rệt kích thích các cơ làm chúng co giật. Giảm tình trạng stress sẽ giúp loại bỏ những xung động hỗn loạn này.

Chữa trị :

Bác sĩ có thể dùng thuốc an thần giúp bịnh nhân bớt lo âu (antianxiety agents), giúp dễ ngủ (hypnotic agents). Bịnh nhân cần cẩn thận với liều lượng thuốc (vd loại benzodiazepin, thuốc an thần) của bs cho mình uống vì dễ xảy ra các phản ứng phụ như kích thích quá độ, ức chế hô hấp, quá liều có thể làm mê man, chết người, ngưng thuốc đột ngột có thể làm co giật, điên loạn psychosis), mê man, chết. Các thuốc benzodiazepin cũng ảnh hưởng qua lại (interaction) đến một số thuốc thuờng dùng như isoniazid, rifampin (trị lao), digoxin (trợ tim), levodopa (thuốc trị Parkinson), cimetidine/Tagamet (trị đau bao tử). Nhất là người già thường phải uống nhiều thứ thuốc để chữa nhiều bịnh khác nhau nên lại càng phải cho bs biết những thuốc mình đang uống và theo dõi kĩ lưỡng.

Một trong những thuốc bs có thể dùng lâu dài trị rối loạn do lo âu là thuốc chống trầm cảm, để tăng các chất truyền dẫn thần kinh [ neuro-transmitters] (serotonin, norepinephrin) trong não bộ vì nguồn gốc của bịnh nằm trong não bộ. Thường sau 2-4 tuần mới thấy hiệu nghiệm, cho nên phải hỏi bs cho kỹ, không được ngưng thuốc quá sớm hoặc đột ngột vì chưa thấy kết quả.

Một số thuốc như propanolol có thể ngăn chặn bớt các triệu chứng do kích thích thần kinh giao cảm như tim đập nhanh, hồi hộp,..

Ngoài ra bịnh nhân có thể chữa trị bằng tâm lý trị liệu, bằng cách sinh hoạt các nhóm người cùng bịnh , hoặc được sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo tôn giáo, thiền , tai chi.

Tetany: Bác sĩ thường khuyên cho bịnh nhân thở vào một cái bao giấy (túi giấy) để giảm sự mất mát C02. Tuy nhiên, có thể không lợi lắm vì đồng thời cũng có thể giảm lượng oxy vào phổi. Cho nên, tốt hơn hết, là khuyên giải, trấn an người bịnh, giải thích cho bịnh nhân hiểu là không có gì phải hoảng hốt, và cần thở chậm lại. Ngoài ra, vì tetany, đến một lúc, bịnh nhân sẽ thở chậm lại.

Ngoài ra, trong trường hợp hiếm hơn, tetany có thể do thiếu calcium, thiếu magnesium, suy tuyến phó giáp (làm giảm calcium trong máu, hypoparathyroidism), hoặc cường tuyến giáp (hyperthyroidism, làm giảm magnesium), vì vậy nếu có dịp nên đi khám bác sĩ, thử máu nếu cần.

Nếu là người ít khi ra ngoài nắng (nắng giúp cơ thể tạo nên vitamin D), ít ăn thức ăn có nhiều calcium (như yaourt/sữa chua, tàu hũ), có thể thiếu vitamin D và calcium, nên uống thêm
thuốc cung cấp calcium (chừng 1000 mg/ngày), vitamin D (chừng 600 IU [international unit, đơn vị quốc tế] /ngày (các viên thuốc bổ vitamin người lớn thường chứa 400 IU vitamin D)
nếu uống liều cao hơn cần hỏi bác sĩ để bảo tồn sức khỏe xương cũng như sức khoẻ tổng quát.

Ngoài những phương pháp thư giản tinh thần thông thường, nên thử những biện pháp cụ thể như sau:

  1. Thể thao, vận động: đi bộ, chạy bộ, làm vườn, mặc dù người mắc chứng lo âu đã thấy mõi mệt , không muốn vận động thêm. Vị thính giả ở đây 25 tuổi, hít đất 100 cái/ ngày, là một hoạt động cường độ cao. Nên để ý, nếu hít đất nhiều như vậy, thở ra vào nhanh, các cơ bắp mệt nhọc lại có thể làm cho chúng dễ giật hơn. Nên bàn với bs điểm này, hoặc tìm một hoạt động kéo dài hơn, cường độ thấp hơn, trong môi trường thư giản hơn, thoải mái với bạn bè, trong thiên nhiên, v.v.
  2. Tránh các chất kích thích như cà phê, soda (nước ngọt),
  3. Tránh các hoàn cảnh gây stress như xem phim giật gân, hồi hộp, chơ game bạo lực,đến những nơi nguy hiểm, hay làm mình bất an (khu phố không an toàn, xe cộ đông đúc), tránh cờ bạc, trò chơi may rủi.

Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 16 tháng 4 năm 2018

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.