Chứng lơ đễnh và náo động ở người lớn (Adult ADHD)

Thính giả tên Van Tien ở, Quảng Ngãi, Việt Nam, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Em là nam, 27 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Em có vấn đề về mắt mong Bác sĩ có thể tư vấn giùm em.

Gần 10 năm về trước, lúc em đang học lớp 12, em hay bị nhức đầu, mắt nhìn lâu gây nhức mắt, khó chịu, học hành khó tập trung.

Em có đi khám bác sĩ nhưng bác sĩ kêu em bị đau đầu do căng thẳng, stress. Và tình trạng trên kéo dài cho tới 5 năm học đại học. Em đã di khám bệnh rất nhiều lần nhưng vẫn không cải thiện được. Sau khi học xong đại học thì em mới biết được mình bị vấn đề về mắt, và đi khám thì em bị loạn thị mắt phải 1 độ, mắt trái 0.5 độ. Kể từ đó em đeo kính loạn thị, và em không còn bị đau đầu nữa, nhưng nhìn lâu em cũng còn hay mỏi mắt, kém tập trung, vì vậy khả năng giao tiếp , làm việc của em rất kém, em rất khó có thể ngồi nói chuyện với một người trong thời gian lâu vì nhìn họ một lúc là em mỏi mắt, không tập trung, mệt mỏi. Em bị tình trạng này kéo dài rât lau rồi, em có đi khám các bệnh viện mắt ở thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ bảo em bị rối loạn điều tiết, cho thuốc uống nhưng không suy giảm. Có một lần em khám ở bệnh viện mắt Phương Nam, bác sĩ cho em chụp OCT võng mạc, bác sĩ nói em bị cái thẹo cũ ở võng mạc nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị lực và kê đơn thuốc cho em uống.

Em cảm thấy rất khó khăn về tình trạng của mình. Em hy vong Bác sĩ có thể tư vấn về tình trạng của em.

Em rất chân thành cảm ơn các Bác sĩ.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền:

Your browser doesn’t support HTML5

Chứng lơ đễnh và náo động ở người lớn (Adult ADHD)

Như thường lệ , tôi xin nói rõ trước là chúng ta không định bệnh và không tìm cách giúp người bệnh tự chữa lấy trong mục y học thường thức này. Câu hỏi của vị thính giả trẻ tuổi này đề cập một vấn đề khá tế nhị trong y khoa hiện nay. Bệnh nhân từng nhiều bác sĩ mắt khám và chữa trị. Theo tôi nghĩ vấn đề chính không phải là vấn đề về mắt mà ưu tư chính của người hỏi là vấn đề "kém tập trung, vì vậy khả năng giao tiếp , làm việc của em rất kém, rất khó có thể ngồi nói chuyện với một người trong thời gian lâu vì nhìn họ một lúc là em mỏi mắt, không tập trung, mệt mỏi". Vấn đề còn đang tranh cãi là "bệnh thiếu chú ý và quá năng động" (adult ADHD) của người lớn có phải là một “bệnh” thật sự hay không , hay là do các nhà sản xuất thuốc cố tình mở rộng thị trường bán thuốc cho người lớn. Có cách nào để định bệnh chính xác hay không, có đáng để dùng những thuốc "stimulant" (kích thích thần kinh) để điều trị hay không, hay chẩn đoán thần kinh tâm lý này trong nhiều trường hợp chỉ là một cách vơ đũa cả nắm một số dấu hiệu về cá tính có thể khắc phục bằng tập luyện và giáo dục (như trường hợp các bệnh nhân trẻ em mà chúng ta sẽ bàn đến sau). Hiện nay người ta ước tính chừng 5% người lớn mắc chứng này. Tôi không có quyền lợi gì chung với các nhà bán thuốc và chỉ xin chia sẻ với quý vị thính giả một số ý niệm về chứng ADHD của người lớn và của trẻ em, chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về trẻ em vì y giới nhi khoa có kinh nghiệm lâu hơn và nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Ta có thể dịch ADHD (attention deficit hyperactivity disorder) là ”Chứng Lơ Ðễnh Và Náo động” cũng được và có thể nghe hay hơn; nhưng nếu muốn trung thành vớI danh từ tiếng Anh phổ biến là Attention Deficit Hyperactivity Disorder ( viết tắt là ADHD) thì dịch là “Rối loạn thiếu chú ý và tăng hoạt động”.

Những trẻ mắc chứng này có ba đặc tính (tuy mỗi bệnh nhân có thể thiên về thiếu chú ý hay quá năng động):

1) Tăng hoạt động (motor hyperactivity): tay chân lúc nào cũng bận rộn, từ chuyên chơi đến chuyện phá, "chưa đứng đã ngồi, chưa đi đã chạy", miệng nói "tía lia".

2) Lơ đễnh, thiếu chú ý (inattentiveness), không theo dõi, không ngồi yên , để tâm trí vào một công việc, đề tài . Nói một cách khác, tầm chú ý quá ngắn (short attention span).

3) Nóng nảy: Kém thận trọng, không cân nhắc, theo xu hướng nhất thời (impulsivity).

Những dấu hiệu của ADHD ở người lớn:

1) Thiếu khả năng tổ chức (thanh toán hoá đơn, săn sóc con cái: ăn uống, đi học..)

2) Lái xe ẩu, thường gặp tai nạn (khó khăn giữ chú ý liên tục lúc lái xe, tính nóng nảy)

3) Đời sống vợ chồng xáo trộn: người phối ngẫu nghĩ rằng người kia không chịu khó để ý đến họ, không giữ hẹn, giữ lời hứa (vì hay quên) nên cho rằng người đó (thường là chồng) vô trách nhiệm.

4) Quá dễ đãng trí, nhất là hiện nay nhiều email, điện thoại, message..., chỗ làm việc ồn ào làm cho người ADHD dễ bỏ quên hay bỏ dở công việc phải làm.

5) Khả năng nghe kém: "mơ mộng" trong các buổi họp kéo dài, vợ dặn đi đón con nhiều lần vẫn quên (nhưng bà vợ tưởng anh ta cố lờ đi và giận).

6) Trẻ con ADHD thì năng động, nhưng người lớn thì biểu hiện hơi khác, chỉ khó khăn thư giãn, có vẻ như bứt rứt, không thoải mái.

7) Khó khăn, chậm chạp, chần chừ lúc cần khởi sự một công việc nào đòi hỏi chú ý, chăm chỉ; có thể bị phê bình là lười biếng.

8) Hay trễ nải: đến hẹn trễ vì quên đổ xăng, người ADHD không tiên liệu được làm một công việc cần phải mất bao nhiêu thì giờ.

9) Hay nổi nóng, lên "cơn thịnh nộ', nhưng cũng mau nguội.

10) Không biết làm việc theo thứ tự ưu tiên, việc quan trọng cần làm xong trước, kế đến chuyện nhỏ nhặt hơn; có thể mất thì giờ vào tiểu tiết, tuỳ hứng.

Theo sách DSM 5 (Diagnostic and Statistical Manual, 5th Edition) của Hội Tâm Thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association), là tiêu chuẩn chẩn đoán mới nhất cho các bệnh tâm thần:

1) Về khả năng chú ý những người bị ADHD có ít nhất 6 trong những triệu chứng sau (ít nhất 5 triệu chứng cho người trên 17 tuổi), kéo dài trên sáu tháng và làm người bệnh khó thích ứng với cuộc sống và mức phát triển sai lệch đi so với lứa tuổi của mình (to a degree that is maladaptive and inconsistent with developmental level):

Thường không chú ý đến chi tiết hoặc phạm sai lầm bất cẩn trong việc học, làm việc hoặc các hoạt động khác

Thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý trong công việc hoặc các hoạt động vui chơi

Thường dường như không nghe những gì đang được nói lúc người khác đang nói trực tiếp với mình

Thường không làm theo hướng dẫn và không hoàn thành bài tập ở trường, công việc hoặc nhiệm vụ tại nơi làm việc (không phải do hành vi đối lập [oppositional behaviour] hoặc không hiểu hướng dẫn)

Thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các công tác, công việc được giao phó và các hoạt động

Thường tránh hoặc rất ghét những công việc (chẳng hạn như bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà) đòi hỏi nỗ lực tinh thần kéo dài.

Thường để mất những thứ cần thiết cho các nhiệm vụ hoặc hoạt động (bài tập ở trường, bút chì, sách, công cụ hoặc đồ chơi)

Thường dễ bị phân tâm bởi các kích thích không liên quan đến công việc đang làm.

Thường hay quên trong các hoạt động hàng ngày

2) Về chứng quá hoạt động và hành động theo xung lực (hyperactivity and impulsivity)

Thường táy máy, nhúc nhích bàn tay hoặc bàn chân, nhịp tay chân, hoặc ngồi hay nhúc nhích, hay đổi thế ngồi.

Thường rời khỏi chỗ ngồi trong khi đáng ra phải ngồi yên.

Thường chạy chơi hoặc leo trèo trong những tình huống không thích hợp (thanh thiếu niên hoặc người lớn khác, có thể chỉ có cảm giác bồn chồn).

Thường không thể chơi hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí một cách lặng lẽ.

Thường là ở thế "hành động" như thể đang bị "điều khiển bởi một động cơ".

Thường nói quá nhiều.

Thường tuông một câu trả lời trước khi người hỏi nói xong câu hỏi.

Thường gặp khó khăn đợi lúc phải chờ đến lượt mình.

Thường xuyên xía vào hoặc làm gián đoạn chuyện của người khác (ví dụ: một cuộc đối thoại hoặc một trò chơi)

Chữa trị chứng thiếu chú ý và tăng hoạt động là một vấn đề phức tạp và đầy thử thách. Có nhiều người, bác sĩ hay phụ huynh, cho rằng ADHD không phải là một "bệnh" thần kinh rõ rệt, nghĩa là hệ thần kinh của đứa trẻ không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó bất bình thường hay bị tổn thương, và chứng hiếu động ở đây chỉ là một đặc tính bình thường, thể hiện ở mức cao khác thường do thể chất, hoàn cảnh cá biệt, hay do dinh dưỡng không thích hợp. Do đó họ không ủng hộ việc dùng thuốc, càng ngày càng phổ biến, như Ritalin cho những triệu chứng loại này.

Riêng về trị bệnh bằng thuốc men, bác sĩ thần kinh trẻ em có thể thử cho bé những thuốc sau đây:

Những thuốc kích thích (stimulant) thường dùng cho ADHD: methylphenidate ([viết tắt MPH], Ritalin), dextroamphetamine sulfate (viết tắt DEX, tên thương mại Adderal).

Nói chung tuy là những thuốc này có khả năng kích thích, làm hưng chấn (stimulant) người bình thường; ở trẻ mắc chứng ADHD thì thường chúng lại có tác dụng ngược lại, làm cho trẻ đằm hơn, ít “quậy “ và bứt rứt hơn, và khả năng tập trung, chăm chú vào một công việc, trò chơi, học tập nhiều hơn.

Thuốc kích thích Ritalin (methylphenidate) càng ngày càng được dùng nhiều hơn để chữa bệnh cho các trẻ em hiếu động, thiếu khả năng chú ý trong lớp học.

Một số khá đông cha mẹ không muốn cho con dùng thuốc kích thích như Ritalin để chữa bệnh ADHD. Điều này cũng dễ hiểu vì trẻ tuổi còn rất nhỏ. "Giáo dục cưỡng bách " (compulsory education) càng ngày càng phổ cập, có nghĩa là tất cả các trẻ em phải ngồi trong lớp, chú ý , thường là thụ động vâng lời trong bao nhiêu giờ trong một ngày. Tất nhiên có những trẻ không chịu được lối sống này, và nếu nó "nhúc nhích” nhiều, đãng trí quá thì không học được, và việc học các bạn cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những khảo cứu cũng cho thấy các triệu chứng như thiếu chú ý và quá hiếu động giảm đi nhiều nếu cho trẻ em được sinh hoạt ngoài thiên nhiên thay vì tù túng chơi game điện tử hay chơi thể thao đi nữa trong nhà, trong lớp , hay ngoài đường phố. Tuy nhiên cô thầy ở trường học Mỹ có khuynh hướng áp lực phụ huynh cũng như bác sĩ nhi khoa phải giải quyết nhanh và gọn. Nếu không thì họ không điều hành lớp học được nữa vì sự hiện diện của một hoặc nhiều em quá hiếu động, do quan niệm về giáo dục tại Mỹ không cho phép những biện pháp cứng rắn hơn như trừng phạt thân thể (đánh đòn), phạt nặng, la mắng hay đuổi ra khỏi lớp.

Do đó, cho đến gần đây, đa số trẻ mắc chứng ADHD vẫn phải uống thuốc, và Mỹ là xứ chiếm hết 90% số người dùng Ritalin trên thế giới. Khuynh hướng này có vẻ đang lan rộng ra nhiều nơi khác ở phương tây. Một khảo cứ gần đây tại Đại học Brandeis cho thấy , thế giới cũng bắt đầu theo cách của người Mỹ , và hiện nay Mỹ chỉ chiếm 75% số học sinh dùng Ritalin trên thế giới.(1)

Riêng đối với trẻ em Việt mà tôi được gặp mấy chục năm qua, có vẻ các cháu ít bị ADHD hơn mức 5-10% của Anh Mỹ nói chung, và bệnh nhân cũng rất ít cháu phải uống Ritalin. Có thể trong văn hoá người Việt di dân thế hệ thứ nhất và thứ hai có điểm gì khác mà chưa thấy ai khảo cứu về sự khác biệt này.

Hai tác giả, Conrad và Bergey, không phải là bác sĩ y khoa, thuộc phe cho rằng ADHD không phải là một "bệnh" thần kinh rõ rệt, và không thích việc dùng Ritalin cho những triệu chứng loại này, giải thích hiện tượng các nước như Anh, Pháp , Đức , Ý cũng gia tăng chữa ADHD bằng Ritalin với 5 lý do như sau:

1) Các công ty thuốc nhiều tiền vận động mạnh để các nước khác dễ chấp nhận dùng thuốc để trị ADHD.

2) Chữa bằng thuốc dễ dàng hơn, được ưa chuộng hơn là không dùng thuốc, ví dụ medicaid (bảo hiểm cho trẻ em nghèo) chấp nhận trả tiền chữa thuốc chứ không trả tiền cho tâm lý trị liệu.

3) Sách DSM (Diagnostic and Statistical Manual), là "thánh kinh" của ngành y khoa tâm thần định bệnh ADHD một cách rộng rãi hơn, nay được các nước châu Âu và Nam Mỹ dùng nhiều hơn.

4) Các nhóm kêu gọi cho quyền lợi bệnh nhân ADHD làm người ta ý thức nhiều hơn đến bệnh này.

5) Người ta lên internet để tìm hiểu khi thỉnh thoảng người ta tự nhận thấy mình có như hơi nóng ruột, đãng trí, việc ôm đồm nhiều quá làm không kịp. Check vài mục trên list do các nhà thuốc lập ra là thấy cần đi bác sĩ, hỏi thăm, thế là bác sĩ định bệnh, cho uống thuốc (chứ biết làm gì khác với nếp sống vội vã hiện nay?).

Người bị ADHD có thể cải thiện cuộc sống mình bằng cách quản lý thời gian của mình (lập thời khoá biểu hàng ngày, lịch các việc phải làm, dọn dẹp chỗ làm việc cho có thứ tự, dùng màu dán nhãn các món dễ lẫn lộn, chia các món hay thất lạc như chìa khoá, thư từ vào từng ô riêng..) và kiểm soát tính nóng nảy, "bốc đồng" của mình. Có một cố vấn tinh thần, một người già dặn, kinh nghiệm hơn hướng dẫn càng tốt. Chuyên gia tâm lý chuyên về ADDH càng tốt hơn. Bác sĩ tâm thần còn giúp trong những lãnh vực như bịnh trầm cảm, lo âu thường đi kèm theo ADDH. Các thuốc chữa ADHD người lớn cũng giống như thuốc chữa ADHD trẻ em. Những thuốc này được kiểm soát chặt chẽ ở Mỹ, cần toa của bác sĩ có được phép của DEA (Drug Enforcement Agency; cơ quan quan kiểm soát thuốc của Mỹ) cho viết toa, vì khả năng làm bệnh nhân tuỳ thuộc vào thuốc (drug dependence) và thuốc được bán trên thị trường chợ đen để các sinh viên không mắc bệnh ADHD dùng vào mục đích bất hợp pháp như gia tăng khả năng học nhiều mà không biết mệt trước khi đi thi (tiếng lóng gọi là "steroids for SAT"), hay một số người nghiện chích vào tĩnh mạch hay hít vào mũi để tạo cảm giác mạnh. Một số thuốc khác không bị DEA kiểm soát vì không gây nghiện như atomoxetine (Strattera), cũng được dùng cho trẻ em và có dùng với kết quả ở thanh niên và người lớn.

Trên thực tế, như trong câu hỏi đặt ra ở đây, vị thính giả gặp nhiều khó khăn trong lúc làm việc và giao tiếp do chứng khó tập trung, khó chú ý kéo dài vào một đối tượng và khổ sở vì khiếm khuyết này, và đây là một lý do chính đáng để tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên về tâm lý (psychologist) hay tâm thần (psychiatrist) có kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh thiếu chú ý và quá năng động.

Nói tóm lại, một số trẻ em bị ADHD lúc trưởng thành vẫn còn bị căn bệnh này chi phối ít nhiều. Cần bác sĩ có khả năng khám và định bệnh cũng như chữa trị nếu ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và nghề nghiệp. Chúng ta bàn đến đề tài này không có nghĩa chúng ta chẩn đoán bất cứ bệnh gì cho người đặt câu hỏi và can thiệp vào vấn đề điều trị của người đó. Cũng như mọi khi, các chẩn đoán và thuốc men nhắc đến đều hoàn toàn có tính cách thông tin. Thính giả phải rất dè dặt lúc dùng những thông tin trên, nhất là trong lĩnh vực bệnh tâm thần và thuốc men.

Chúc bệnh nhân may mắn.

(1) http://time.com/3595712/the-5-trends-driving-the-surge-in-adhd/

2) The Selling of Attention Deficit Disorder
https://www.nytimes.com/2013/12/15/health/the-selling-of-attention-deficit-disorder.html

3) 10 Problems That Could Mean Adult ADHD

https://www.webmd.com/add-adhd/guide/10-symptoms-adult-adhd#2

4) Attention-Deficit / Hyperactivity Disorder (ADHD)

https://www.cdc.gov/ncbddd/adhd/diagnosis.html

5)Durell TM, Adler LA, Williams DW, Deldar A, McGough JJ, Glaser PE, Rubin RL, Pigott TA, Sarkis EH, Fox BK.
Atomoxetine treatment of attention-deficit/hyperactivity disorder in young adults with assessment of functional outcomes: a randomized, double-blind, placebo-controlled clinical trial.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23277268

6) Performance enhancing, non-prescription use of Ritalin: a comparison with amphetamines and cocaine.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18032226

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 18 tháng 5 năm 2018

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.