Những ‘chuyến bay giải cứu’ bóp cổ đồng bào

Người Việt Nam kẹt ở nước ngoài được "giải cứu" về đến sân bay Đà Nẵng, 22 tháng Bảy, 2021. Hình minh họa.

Trân Văn

Sau một thời gian dài có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, rồi các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, RFA, BBC,... lên tiếng về tình trạng công dân Việt Nam bị cả hệ thống bắt chẹt bởi cần hồi hương lúc COVID-19 đang hoành hành, tuần này, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam nhập cuộc... Đối chiếu thông tin, ý kiến của tất cả các bên: Người dùng mạng xã hội, cơ quan truyền thông quốc tế, cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam cũng như độc giả của họ, rõ ràng, hai chữ “đồng bào” đã có nghĩa khác, nghĩa mới. Đó là... “THA HỒ BÓP, NẶN”...

***

Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKT SG) vừa cho rằng nên “kết thúc sứ mệnh của các chuyến bay hồi hương” (1) - những chuyến bay mà hồi giữa năm ngoái từng khoác mỹ tự... “giải cứu” vì được thực hiện để mang công dân Việt Nam đang học hành, làm việc,... ở ngoại quốc, do COVID 19 trở thành đại dịch nên mắc kẹt trên xứ người, về nhà, sau này, do... đối tượng được... “giải cứu” phải trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường nên đối tượng thực hiện tự động đổi tên các chuyến bay đó thành... “hồi hương” cho đỡ... kỳ!

TBKT SG tóm tắt thực trạng không ai hiểu được vì sao: Tháng nào cũng có rất nhiều hãng hàng không ngoại quốc thực hiện các chuyến bay không tải (không có hành khách) vào Việt Nam để đưa người từ Việt Nam đi các nơi. Trong khi chính phủ các quốc gia khác, kể cả những lân bang với Việt Nam như Thái Lan mua lại chỗ trên những chuyến bay không tải vào Thái để đưa công dân Thái hồi hương thì Việt Nam không... thèm làm như thế. Việt Nam tổ chức những chuyến bay không tải từ Việt Nam đi một số nơi để đưa công dân Việt Nam hồi hương và bắt họ trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường!

Minh – một độc giả của TBKT SG bình: Thật vô lý và ngang trái. Người Việt làm viêc và học tập ở nước ngoài vốn chẳng dư giả gì. Thất nghiệp do dịch, không nơi bấu víu phải về nhà nương náu người thân nhưng giá vé hồi hương cao quá! Vay mượn để về. Biết bao giờ trả hết nợ? Doanh nhân Việt cần ra nước ngoài tìm kiếm đối tác, trang bị, thiết bị,... khi rời việt Nam thì bay thoải mái với các hãng Emiretes, Quatar… với giá cực rẻ nhưng khi trở về thi trần ai: Phải đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, chờ được xét duyệt, còn bay theo các chuyến bay mà doanh nghiệp du lịch thuê chuyến thì phải trả từ 70 triệu đến 100 triệu. Trong khi hàng ngày vẫn có rất nhiều chuyến bay rỗng của các hãng hàng không đến Việt Nam. Tại sao chính phủ không cho phép các doanh nhân cần ra nước ngoài đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay UBND các tỉnh để khi trở về, họ có thể bay với bất cứ hãng bay nào? Về đến Việt Nam tự đăng ký cách ly tại nơi cư trú, hoặc khách sạn như các nước đã và đang làm. Nếu cứ duy trì như hiện nay, chắc chắn hành khách Việt sẽ không còn gắn bó với các hãng hàng không Việt nữa đâu...

***

Ngoài TBKT SG, VietNamNet cũng đề cập đến nghịch lý mà những người Việt cần hồi hương đã cũng như đang phải chấp nhận nhưng ở một góc độ khác. Để không bị cả hệ thống (cơ quan ngoại giao, một số doanh nghiệp hàng không, du lịch, lưu trú) thi nhau “bóp, nặn” (có người mất vài trăm triệu đồng), nhiều người Việt từ Đông Á, châu Âu, Bắc Mỹ,... cần hồi hương đã mua vé máy bay đến Campuchia, rồi từ Campuchia theo đường bộ về Việt Nam và tự chọn nơi cách ly, không cần phải bay về Đà Nẵng, Nha Trang,... rồi phải ở trong những resort, khách sạn sang trọng của Vingroup ở miền Trung.

Gần như không còn ai có cảm giác “ngạo nghễ” đối với những chuyến bay... “giải cứu” – “hòi hương”. Nhìn chung phản hồi của độc giả đối với Gian truân về quê mẹ: Lận đô la bay qua Campuchia rồi vật vã xe đò tới Việt Namtrên VietNamNet chỉ còn ngao ngán, phẫn nộ (2). Tre nhấn mạnh: Miễn bình luận về chuyện Việt Nam là quốc gia duy nhất đóng cửa bầu trời đối với công dân của chính mình. Người Việt xa xứ than: Lẽ ra tổ quốc phải là nhà, quê hương phải giang tay đón con em mình trở về thì lại tạo muôn trùng khó khăn. Chung ngậm ngùi: Ôi, đây có còn là quê hương nữa không?

VietNamNet không đề cập đến chuyện các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Việt Nam ở nước ngoài can dự thế nào nhưng độc giả của VietNamNet không thể bỏ qua như thế. Theo Mạnh Hung: Không thể nói các Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài không có phần vì muốn được suất charter mỗi người phải nộp 600 USD (trong vé). Trung Kiên nhận định: Giải cứu đồng bào mà giá cắt cổ. Vé do Đại sứ quán xét nhưng có mấy vé đúng đối tượng, tuồn hết ra chợ đen. Trong ngoài câu kết móc túi công dân. Nhà nước không thu được đồng nào cho ngân sách...

Do Polak nhận định: Các chuyến bay charter (thuê bay theo chuyến) tiếng là do chính phủ bảo trợ rõ ràng có lợi ích nhóm chi phối nên liên kết giữa Vietnam Airlines - Đại lý vé máy bay có tên An Bình - các khách sạn mới thu cả trăm triệu/người. Tiền đó vào túi ai? Hãy thanh tra ngay Vietnam Airlines, An Bình, đó là sân sau của ai, ăn chia thế nào?.. Nên Yêu nước góp ý: Polak, bạn không biết những chuyện kinh khủng phía sau giấy phép cho chuyến bay, chuyến đó về tỉnh nào. Họ ăn tàn nhẫn. Hãng bay, công ty du lịch và lưu trú không nhận được nhiều. Tiền đi đâu các bạn tự hiểu

uynh Thanh Hung mong muốn: Quốc hội cho thanh tra, kiểm toán xem giá một vé bay giải cứu là bao nhiêu, thực sự đóng thuế là bao nhiêu thì sẽ lòi ra nhiều khoản khó giải trình vì không dễ hợp thức hóa. Lúc ấy chắc khó xử lắm vì lại theo nhau, thay nhau hầu tòa như vụ kê khống vật tư y tế chống dịch vừa qua... Mong muốn đó dẫu chính đáng nhưng khó khả thi, Linh Tran bảo: Ai cũng nhìn ra đó là lợi ích nhóm. Dùng thủ tục để gây khó khăn cho một nhóm hưởng lợi!.. Đó cũng là lý do Đinh Văn Vị: Ước gì ông Thủ tướng đọc bài này!

Chẳng lẽ chuyện ai cũng biết, thậm chí chuyện đã kéo dài cả năm và về tính chất, rõ ràng vấn nạn này không đơn thuần chỉ là nhu cầu hồi hương mà đến giờ “ông Thủ tướng” cũng như các ông cỡ “ông Thủ tướng” không hề biết gì để “ước” ông có đọc báo, có biết những công dân Việt Nam ở cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam nghĩ gì? Nếu bây giờ “ông Thủ tướng” cũng như các ông cỡ “ông Thủ tướng” mới biết thì việc họ đảm nhận vai trò quản trị, điều hành quốc gia có... quá phận không? Bao nhiêu người dám tin “ông Thủ tướng” cũng như các ông cỡ “ông Thủ tướng” biết thì... ra chuyện?

Chú thích

(1) https://thesaigontimes.vn/da-den-luc-ket-thuc-su-menh-cua-cac-chuyen-bay-hoi-huong/

(2) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chua-mo-bay-thuong-mai-hanh-trinh-hoi-huong-sao-qua-gian-truan-799423.html