Một chuyên gia vũ khí độc lập hôm 19/12 báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên hiệp rằng Triều Tiên đang mua các linh kiện cho phi đạn từ các quốc gia thứ ba, và sản xuất, chuyển giao chúng cho Nga nhanh hơn dự đoán trước đây để sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Jonah Leff, người đứng đầu Conflict Armament Research (CAR), một tổ chức độc lập chuyên theo dõi vũ khí được sử dụng trong các cuộc xung đột, cho biết các nhà nghiên cứu của ông đã ghi nhận những mảnh vỡ của bốn phi đạn mà họ đánh giá là đến từ Triều Tiên, được thu hồi vào tháng 7 và tháng 8 tại Ukraine. Ông cho biết một trong các phi đạn này có ký hiệu cho thấy nó được sản xuất trong năm nay.
“Đây là bằng chứng công khai đầu tiên về việc các phi đạn được sản xuất tại Triều Tiên và sau đó được sử dụng ở Ukraine trong vòng chỉ vài tháng, chứ không phải vài năm,” ông nói.
Ông lưu ý “khoảng thời gian rất ngắn” giữa việc sản xuất, chuyển giao, và sử dụng các phi đạn đạn đạo này ở Ukraine.
Ông cũng cho biết một số mảnh vỡ phi đạn có các linh kiện không được sản xuất tại Triều Tiên, bao gồm những dấu hiệu sản xuất gần đây nhất vào năm 2023, cho thấy Bình Nhưỡng có một “mạng lưới thủ đắc hùng hậu cho chương trình phi đạn đạn đạo” của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế cấm các chuyển giao như vậy cho chế độ độc tài này.
“Mặc dù đã có gần hai thập niên lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, nhưng năm nay, Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng sản xuất và cung cấp phi đạn đạn đạo để sử dụng chống lại Ukraine chỉ trong một thời gian ngắn.”
Một số bộ phận của máy bay không người lái và phi đạn Triều Tiên đã được sử dụng chống lại Ukraine có các linh kiện mang thương hiệu từ các công ty ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
“Thông qua phương pháp hợp tác của CAR với ngành công nghiệp, chúng tôi đã xác nhận rằng các linh kiện tìm thấy trong các mảnh vỡ của hệ thống vũ khí được sử dụng chống lại Ukraine có nguồn gốc từ các nhà phân phối bên thứ ba, chủ yếu là các công ty có trụ sở tại Đông Á,” ông Leff cho biết.
Các đại sứ của Nga và Triều Tiên
Đại sứ Nga không đề cập đến việc chuyển giao vũ khí từ Bình Nhưỡng đến Kremlin. Về mối quan hệ đang ngày càng phát triển của họ, Vassily Nebenzia cho biết hai nước là những người láng giềng gần gũi và đang phát triển quan hệ trong ‘tất cả các lĩnh vực.’
“Đây là quyền chủ quyền của chúng tôi. Hợp tác quân sự và các lĩnh vực khác của Nga với CHDCND Triều Tiên hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, không vi phạm các quy định này,” đại sứ Nebenzia nói.
“Điều này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia thứ ba nào. Nó không gây ra mối đe dọa nào đối với các quốc gia trong khu vực hay cộng đồng quốc tế, và chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hợp tác này.”
Đại sứ Triều Tiên, Song Kim, nói mối quan hệ của Nga-Triều là ‘một đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh’ và chớ có chỉ trích.
Cuộc họp hôm 18/12 được triệu tập bởi Hoa Kỳ, với sự ủng hộ của Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước phương Tây trong Hội đồng.
Đại sứ Hoa Kỳ, Linda Thomas-Greenfield, cho biết Washington có thông tin rằng “một số lượng lớn pháo tự hành tầm xa 170 mm và bệ phóng rocket đa nòng tầm xa 240 mm xuất xứ từ CHDCND Triều Tiên” đang được đưa vào cuộc xung đột tại Ukraine.
“Chúng tôi cũng có thông tin rằng Nga đã chuyển giao hệ thống phòng không cho CHDCND Triều Tiên,” bà nói, chỉ ra những gì Bình Nhưỡng có thể nhận lại từ việc gửi cả vũ khí và hơn 11.000 quân hỗ trợ cho Moscow.
“Và không phải chỉ là lính thường,” bà nói. “Triều Tiên đã gửi các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ đến Nga.”
Bà lưu ý rằng đây là lần đầu tiên quân đội Triều Tiên được triển khai tham chiến quy mô lớn sau hơn 70 năm, và là lần đầu tiên bên ngoài Bán đảo Triều Tiên.
Đại sứ Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tích hợp quân đội Triều Tiên vào các đơn vị chung ở khu vực Kursk.
“Họ chủ yếu tiến quân với số lượng lớn đi bộ băng qua các địa hình mở và trong các chuỗi dài,” ông Sergiy Kyslytsya nói. “Cách tiếp cận này gợi nhớ rõ ràng đến chiến thuật bộ binh được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng lại rất hiếm gặp trong chiến tranh Nga-Ukraine.”
Ông cho biết quân đội Triều Tiên có vẻ như chưa được huấn luyện tốt trong chiến tranh hiện đại.
“Các bằng chứng video có được cho thấy binh sĩ Triều Tiên dường như không được chuẩn bị để phản ứng với máy bay không người lái của kẻ thù và thiếu hiểu biết cơ bản về các biện pháp đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái,” ông nói và cho biết các đơn vị chung này đã phải hứng chịu “những tổn thất đáng kể.”