Việt Nam có thể là một trong các nước tại Châu Á đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang đầu tư có hiệu quả và tình trạng tham nhũng có thể là một phần khiến chi tiêu đầu tư tăng cao, theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết đầu tư khu vực công và tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình là 5,7 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm gần đây, cao nhất ở Đông Nam Á, và chỉ đứng sau mức 6,8 phần trăm của Trung Quốc. Indonesia và Philippines chi tiêu ít hơn 3 phần trăm trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn ít hơn, dưới mức 2 phần trăm.
“Chính phủ [Việt Nam] biết rằng nếu họ muốn cạnh tranh giành đầu tư thì mức lương thấp là chưa đủ,” Bloomberg dẫn lời Eugenia Victoriano, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand ở Sinagapore, nói. “Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các công ty tới xây dựng nhà máy. Sự phát triển tới giờ khá dàn trải, với sân bay và và đường sá được xây dựng khắp cả nước.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định tỉ lệ cao như vậy chưa chắc là đầu tư nhiều và có hiệu quả. Ông nêu ra khái niệm hệ số sử dụng vốn (ICOR), một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP.
“[ICOR] của Việt Nam rất là cao, có những năm như là năm 2008-2009 thì lên tới 6-7 và hiện tại bây giờ cũng nằm ở mức trên 5,” ông giải thích. “Như vậy tức là các nước phát triển họ cần 3-4 đồng vốn thì Việt Nam cần 6-7 đồng vốn. Nếu mà so với các nước trong khu vực, ngay cả với Trung Quốc, thì đòi hỏi đồng vốn của Việt Nam rất là lớn. Họ chỉ 4 mà Việt Nam tới 6-7.”
Ông lưu ý rằng trong một số năm, nhất là dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương đẩy mạnh sản xuất và mục tiêu tăng trưởng GDP 10 phần trăm, tỉ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam có khi lên tới 40 phần trăm, nhưng tốc độ phát triển giảm chỉ còn 5-6 phần trăm từ mức 7-8 phần trăm.
“Hoặc là Việt Nam làm không hiệu quả hoặc là đầu tư bị ‘ăn’ đi,” Tiến sĩ Việt nhận định, nhắc tới tình trạng tham nhũng.
Theo tính toán của chuyên gia này dựa trên số liệu thống kê mà ông có, lượng tiền chuyển lậu từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2013 là 8 tỉ đôla so với tổng đầu tư là 45 tỉ đôla, chiếm khoảng 17,8 phần trăm. Đó là chưa kể tới tiền tham nhũng được giữ lại trong nước, theo lời ông.
“Như vậy có thể nói là tham nhũng ở Việt Nam là cực kỳ lớn,” ông kết luận.
Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 112 trong tổng số 176 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá về mức độ tham nhũng, đứng trên ba nước trong khu vực là Lào (123), Myanmar (136) và Campuchia (156).
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam đổ tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt hồi gần đây, ông nói rằng điều này có thể đưa tới chỉ số tăng trưởng cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế sẽ “rất thấp.”
“Người ta vẫn nói ‘chạy chức, chạy quyền’ và ‘chạy dự án,’ nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn,” ông được dẫn lời nói.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhắc tới một vấn đề khiến cho hiệu quả đầu tư thấp là việc Việt Nam mua sắm máy móc, thiết bị kém chất lượng từ Trung Quốc. Ông dẫn ra ví dụ là những dự án nhà máy nhiệt điện, xi măng và sắt thép do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, xây mãi không xong.
Chuyên gia kinh tế này cảnh báo với những dự án đầu tư kém hiệu quả như vậy, cùng với việc “đầu tư nhiều với ý đồ muốn ăn trong khi nước nghèo thì phải đi vay,” sẽ đẩy Việt Nam tới đến tình trạng nợ như chúa chổm.
“Khi mất khả năng trả nợ sẽ đưa kinh tế đến khủng hoảng,” ông nói.