Việt Nam đang chuẩn bị công bố sách trắng quốc phòng, theo các nguồn thạo tin của hai chuyên gia về Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao trong những tháng gần đây vì tranh chấp về khai thác dầu khí quanh Bãi Tư Chính trên Biển Đông.
Trích dẫn các nguồn tin riêng từ Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc thuộc Đại học New South Wales và nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman của viện nghiên cứu RAND Corporation ở Mỹ cho VOA biết rằng sách trắng quốc phòng Việt Nam sẽ được ra mắt trong vài tuần tới.
Theo GS Thayer, Sách trắng quốc phòng Việt Nam sẽ được công bố trong tháng 11. Ông trích dẫn một nguồn tin riêng của ông là một quan chức cấp cao về quốc phòng cho biết như vậy nhưng không nói cụ thể ngày nào cuốn sách sẽ được công bố. Theo ông, việc ra mắt này nhân dịp kỷ niệm 30 ngăm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó ông Grossman, nhà phân tích chính sách quốc phòng về các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, cho biết, nguồn tin riêng của ông trong quân đội Việt Nam nói rằng sách trắng lần này có thể sẽ được ra mắt vào ngày 22/12, là ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời VOA về yêu cầu bình luận trước những thông tin trên. Tuy nhiên, theo cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng cho biết hôm 1/11, các cơ quan chức năng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang “hoàn chỉnh” các ấn phẩm, trong đó có Sách trắng quốc phòng năm 2019, là một trong nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Việt Nam lần đầu tiên công bố Sách trắng quốc phòng vào năm 1998 và lần thứ 2 vào năm 2004. Năm năm sau đó, cuốn Sách trắng quốc phòng lần thứ 3 được ra mắt “trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen.”
Trước bối cảnh đó, theo giới thiệu của cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng khi ra mắt cuốn sách năm 2009, Việt Nam “chủ trương duy trì và phát triển quốc phòng đủ mạnh, kiên trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ mà trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân.”
Cũng theo Bộ Quốc phòng, Việt Nam “đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác bằng các biện pháp hòa bình, góp phần xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình ổn định và thịnh vượng.”
Kể từ đầu tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Hà Nội một mặt cáo buộc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của mình nhưng chỉ phản đối qua đường ngoại giao và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Việt Nam thậm chí không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như gợi ý của các chuyên gia cũng như những kêu gọi của nhiều người dân.
Việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo cũng như ngăn cản Việt Nam hợp tác với nước ngoài trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông đã gây lo ngại cho Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.
Các động lực này cho thấy Hà Nội cần phải có một chiến lược táo bạo hơn nếu họ muốn có một sự cân bằng ở Biển Đông, theo ông Nguyễn Thế Phương, một cộng tác viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
Gần đây, các nhà quan sát Việt Nam cho rằng Hà Nội nên bỏ chính sách “Ba không” để có thể trở nên chủ động trong việc tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia bên ngoài khu vực, ông Phương viết trong một bài phân tích đăng trên trang “Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á” của CSIS.
“Những thảo luận này là cần thiết trước khi Việt Nam công bố cuốn Sách trắng quốc phòng thứ 4 vào cuối năm nay,” theo ông Phương, cũng là một thành viên của Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP HCM.
“Cho dù lãnh đạo Việt Nam có điều chỉnh lại cách tiếp cận hiện tại về an ninh hàng hải hay không thì có một điều chắc chắn rằng: họ cần phải chủ động, tự tin và có chí cầu tiến hơn,” ông Phương viết. “Nói một cách khác, Việt Nam cần hành xử như một cường quốc chủ động tầm trung.”