Giới bác sĩ chia sẻ với VOA rằng virus ở người (Human Metapneumovirus – HMPV) đã được phát hiện từ mấy chục năm qua, và dù đã bùng phát gần đây ở Trung Quốc và đã xuất hiện trong những năm qua tại Việt Nam, nhưng sẽ không nghiêm trọng như đợt dịch COVID-19 vừa qua.
“Con virus đã được phát hiện từ mấy chục năm nay rồi. Bây giờ nó chỉ bùng phát thôi, mạnh lên thôi, chứ không phải là virus mới”, bác sĩ Tiền Võ ở thành phố El Centro, California, Mỹ chia sẻ với VOA. “Đa số các phòng lab đã test được con virus này rồi và chúng ta đã biết rõ nó rồi, vì vậy chúng ta không nên lo sợ nữa”.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) hôm 7/1 nói rằng tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên người này “đang lưu hành” tại thành phố có gần 10 triệu dân này.
Kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho thấy: HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác, theo thông tin của Sở.
Cũng tại thành phố này, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp,trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.
“Tôi thấy tâm lý người dân bình thường, không ai hoang mang, lo lắng gì cả. Về nguyên tắc, bệnh cúm thì năm nào cũng có cúm mùa, một số bệnh cúm đã có vaccine, một số chưa có vaccine”, bác sĩ Đinh Đức Long, người tiếp xúc với các bệnh nhân hàng ngày ở thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với VOA.
Bác sĩ Long cho hay loại cúm này đã có trong lịch sử rồi thì điều này có nghĩa là không phải là cúm mới và thường là kiểm soát được.
“Về phương án xử lý, họ đã có phát đồ, quy trình để xử lý thảm họa, dịch tễ”, bác sĩ Long cho biết thêm. “Theo từng mức độ thì người ta sẽ có trình tự, mức độ tương ứng, chứ không làm quá, cũng không lơ là”.
VOA đã liên lạc Cục Y tế Dự phòng và Bộ Y tế Việt Nam, đề nghị cho biết thêm thông tin về hoạt động phòng chống virus này, nhưng chưa được phản hồi.
Bộ Y tế Việt Nam hôm 8/1 khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin chính thức liên quan đến bệnh do virus HMPV gây ra để tránh hoang mang quá mức, nhưng đồng thời khuyên nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Trước thông tin virus gây viêm phổi trên người HMPV tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Vi Đỗ Xuân Tuyên, nhắc lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi hôm 4/1 rằng các ca nhiễm trùng đường hô hấp lây lan tại quốc gia này là “bệnh thông thường”, đồng thời khẳng định “không có sự kiện y tế bất thường”, theo trang Tuổi Trẻ hôm 8/1.
“Đã có từ lâu nhưng không biết do đâu mà con virus này ở Trung Quốc lại bùng phát mạnh như vậy. Con này cũng giống như Covid-19, nhưng không nguy cấp bằng Covid-19, và nó có thể gây chết chóc ở những người già và người có hệ miễn dịch yếu”, theo Bác sĩ Tiền Võ.
Human metapneumovirus (HMPV) là một loại virus thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001. HMPV có liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV) và là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm, theo thông tin của Sở Ytế Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuối tháng 12/2024, chính quyền Trung Quốc báo cáo tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi xét nghiệm dương tính virus HMPV gia tăng. Báo chí và mạng xã hội ở nước này sau đó liên tục đưa tin cảnh giác và nâng cao nhận thức về việc lây lan các ca bệnh. Thậm chí một số trang mạng còn gọi đây là các ca bệnh “mới” và “bí ẩn”.
Vào cuối năm 2019, virus COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan sang Việt Nam cũng như toàn thế giới. Đại dịch thế kỷ này đã khiến hơn 43.000 người ở Việt Nam thiệt mạng, trong số hơn 7 triệu người chết trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thề giới (WHO) hôm 7/1 khuyến cáo không áp dụng bất cứ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến virus gây viêm phổi tại Trung Quốc.
WHO đánh giá dịch bệnh hô hấp bùng phát theo mùa là điển hình ở các vùng ôn đới trong mùa đông. Cơ quan này cũng khuyến nghị các biện pháp cơ bản để hạn chế sự lây lan và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương và khuyên không nên áp đặt các hạn chế thương mại hoặc đi lại liên quan đến xu hướng bệnh hô hấp cấp tính hiện nay.
Bản tin của VOA News hôm 7/1 dẫn thông tin từ Văn phòng báo chí của WHO cho biết: “Không có ‘căn bệnh bí ẩn’ nào lưu hành ở Trung Quốc vào thời điểm này”.
Để ứng phó với tình hình trong nước, Bộ Y tế Việt Nam cho biết họ đang “tích cực theo dõi diễn biến” thông qua hệ thống giám sát hàng ngày, phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Tỷ lệ lây nhiễm HMPV hiện đang ở mức cao ở Trung Quốc, nhưng một phát ngôn viên của CDC Hoa Kỳ nói với trang Newsweek hôm 7/1 rằng loại virus này không phải là điều khiến người Mỹ lo lắng.
“CDC đã nhận biết về sự gia tăng của HMPV được báo cáo ở Trung Quốc và liên lạc thường xuyên với các đối tác quốc tế cũng như theo dõi các báo cáo về tình trạng bệnh gia tăng”, người phát ngôn CDC cho biết: “Những báo cáo này hiện không phải là nguyên nhân gây lo ngại ở Hoa Kỳ”.
Các dữ liệu của CDC ước tính khoảng 10% đến 12% ca bệnh về đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra; hầu hết mọi người đều có thể đã nhiễm HMPV vào một thời điểm nào đó trước 5 tuổi và sau đó có thể bị tái nhiễm.