Chuyến 'thăm dò' Mỹ khó thành công của ông Nguyễn Xuân Phúc

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc

Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 31/5/2017 không có kết quả rõ rệt, trong đó ông Phúc có mong muốn “thăm dò” thái độ của Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Bá Lộc, cựu chuyên gia kinh tế của Viện Đại học Cần Thơ, và Hội trưởng Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ nói với VOA – Việt ngữ:

“Trong chuyến đi này kết quả sẽ có nhiều giới hạn, vì chỉ là chuyến xã giao và có nhiều yếu tố làm cho những điều hai bên hứa hẹn có giới hạn, không có ngay trong buổi gặp này.”

Trong chuyến đi này kết quả sẽ có nhiều giới hạn, vì chỉ là chuyến xã giao và có nhiều yếu tố làm cho những điều hai bên hứa hẹn có giới hạn, không có ngay trong buổi gặp này.
Ông Nguyễn Bá Lộc

Ông Lộc phân tích lý do dẫn đến kết quả hạn chế:

“Các lý do gây giới hạn là: hai chế độ gần như trái ngược nhau, cách suy nghĩ và làm việc khác nhau; khác nhau về mô thức kinh tế; chế độ cộng sản còn dùng nhiều chiêu trò không dân chủ để cai trị kinh tế; ngoài ra còn có yếu tố Trung Quốc trong tương quan giữa Mỹ và Việt Nam. Vì vậy cuộc gặp chỉ có kết quả chừng mực nào đó.”

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đại học George Mason ở Virginia, Hoa Kỳ nói rằng chuyến đi của ông Phúc là để thăm dò, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, nhằm có lợi cho chiến lược của Việt Nam.

“Ông có thể thăm dò, tìm cách để khuyến khích sự hiện diện kinh tế của Mỹ, mời mọc các nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam cũng muốn có những thỏa hiệp thương mại với Mỹ. Quan hệ kinh tế này còn có lợi cho chiến lược của Việt Nam. Đằng sau đó là, tuy Việt Nam không nói ra, nhưng họ rất cần một đối trọng với Trung Quốc. Ông Trump thì tỏ vẻ lơ là với Á châu, thì đây là dịp để Việt Nam nhấn mạnh tầm chiến lược của mình.”

Quanh cảnh sau một phiên họp 11 nước TPP, Hà Nội, Việt Nam, 21/5/2017


Ông Lộc nhận đình rằng Việt Nam cần Hoa Kỳ vì Việt Nam muốn ổn định và phát triển Kinh tế, an ninh khu vực ở Biển đông bất ổn, do Trung quốc xâm lấn biển đảo, trong khi đó Hoa Kỳ cần Việt Nam vì bảo đảm an toàn hàng hải vì địa chính trị của Việt Nam và Hoa Kỳ muốn đưa Việt Nam ra khỏi vòng kềm kẹp của Trung Quốc.

Liên quan đến một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Lộc cho rằng “Hoa kỳ và Việt Nam rất có thể bàn thảo và cam kết về Hiệp ước mậu dịch song phương và đầu tư mới với các điểm gần giống – Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, mà ông Trump đã tuyên bố rút ra khỏi ngay sau khi nhậm chức:

“Tổng thống Trump chuộng mô hình hợp tác song phương. Kỳ này có lẽ là họ bàn hiệp định song phương, nhưng có ký hay không thì chưa biết được, vì phải về thảo luận, trình bày lại cho Bộ Chính trị, cho nên chưa có chi tiết cụ thể lắm trong buổi gặp gỡ này; chỉ hứa với nhau thôi rồi bàn chi tiết sau.”

Ngoài ra, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nhận định rằng chuyến đi của ông Phúc khó đạt được những thành tựu về thương mại do Tổng thống Trump loan báo sẽ ra chế tài đối với Việt Nam vì Việt Nam nằm trong danh sách 16 nước gây hại cho Mỹ về thâm hụt mậu dịch - nhập siêu hàng năm từ Việt Nam hơn 30 tỷ đôla.

Ông Phạm Chí Dũng nói thêm:

“Chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc khó mà thành công, kể cả khi ông Phúc tuyên bố với hãng Bloomberg rằng phía Việt Nam sẽ ký hợp đồng hàng chục tỉ đôla với doanh nghiệp Hoa Kỳ, tôi cho rằng cũng rất khó.”

Cho đến nay, ở các cuộc gặp song phương với các đối tác chính của Hoa Kỳ, xu hướng chuyển dần sang các thỏa thuận song phương trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền của Tổng thống Trump cho thấy các đối tác hầu như chưa tìm được tiếng nói chung nào, và Việt Nam cũng sẽ không là một ngoại lệ.