CIA và cuộc chiến văn hóa nhằm lật đổ Liên Xô

Khách tham quan ngắm bức tranh "Không đề" của họa sĩ Mỹ Mark Rothko tại Viện bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. CIA từ lâu đã xác định rằng một cách hay để lật đổ Liên Xô không phải bằng bom đạn mà bằng những bức tranh, bản nhạc giao hưởng và tác phẩm văn xuôi.

Báo Washington Post mới đây tiết lộ rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cho in và phát hành tiểu thuyết sử thi Bác sĩ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak nhằm làm suy yếu Liên Xô.

Nhưng theo những nhà sử học thời Chiến tranh Lạnh và những người từng sống phía bên kia Bức Màn Sắt, tin này không có gì là mới mẻ. CIA từ lâu đã xác định rằng một cách hay để lật đổ Liên Xô không phải bằng bom đạn mà bằng những bức tranh, bản nhạc giao hưởng và tác phẩm văn xuôi.

Những cú giáng về tư tưởng

Vào thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh cuối những năm 1940, CIA bắt đầu nhận thấy những hứa hẹn của cuộc cách mạng Nga về bình đẳng xã hội đã chiếm được cảm tình của nhiều họa sĩ, văn sĩ, và khoa học gia Tây Âu.

Năm 1950, CIA thành lập tổ chức Nghị hội Tự do Văn hóa với mục tiêu làm suy yếu chính quyền Xô viết và giành lại con tim khối óc của giới trí thức thiên tả châu Âu.

"Ý tưởng là tìm cách đối nghịch quan niệm cho rằng nước Mỹ là một xã hội tư bản vì doanh lợi, phàm tục thiếu bề dày truyền thống văn hóa, bởi vì chính phủ Mỹ lo ngại rằng giới trí thức châu Âu, đặc biệt là những người có thiên hướng trung lập trong Chiến tranh Lạnh, có thành kiến văn hóa như vậy về nước Mỹ," ông Hugh Wilford, tác giả nhiều cuốn sách về những điệp vụ của CIA trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nói.

Sách là một loại vũ khí và Bác sĩ Zhivago chỉ là một trong nhiều phi vụ được bí mật tài trợ.

"Tôi nghĩ Quần đảo Ngục tù còn quan trọng hơn cả Bác sĩ Zhivago như một điển hình về tuyên truyền thành công nhìn từ quan điểm của người Mỹ," ông Sergei Khrushchev, con trai của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Watson tại Đại học Brown, cho biết.

Ông nhắc tới cuốn tiểu thuyết đồ sộ của Alexander Solzhenitsyn, một cựu tù nhân lao động cải tạo của Liên Xô và là người đoạt giải Nobel. Tiểu thuyết khắc họa chi tiết những lao khổ và ngược đãi trong những nhà tù Liên Xô.

"Và tôi cũng sẽ nói như vậy về 20 Lá Thư Gửi Bạn của Svetlana Alliluyeva [con gái của Josef Stalin], một tác phẩm đầy đau đớn đối với thời Brezhnev," ông nói và cho biết thêm bà Svetlana đã được trả gần một triệu đô la cho cuốn tiểu thuyết của mình. Sergei Khrushchev nói 20 Lá Thư Gửi Bạn là cú giáng nặng nề vào Liên Xô vì nó phơi bày những khiếm khuyết của Josef Stalin, kiến trúc sư của chủ nghĩa cộng sản.

"Tôi nghĩ nó rất hiệu quả là vì người Nga khác với người Mỹ," ông nói. "Người Mỹ khi họ xem TV hoặc nghe tin tức, họ thường tin những tin tức đó."

"Nhưng ở Nga lúc nào cũng có kiểm duyệt," ông nói. "Họ không bao giờ tin những gì họ nghe từ tin tức chính thức, vì vậy họ cố gắng tìm hiểu sự thật và tại sao ở Liên Xô người ta lại nói dối. Vì vậy tất cả người dân Liên Xô lắng nghe cái gọi là "tiếng nói kẻ địch."

Tuồn những cuốn sách này vào Liên Xô hóa ra tương đối dễ dàng, theo lời ông Khrushchev.

"Những người ở đại sứ quán và những nhà báo, họ thích gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, và tất nhiên họ nói về cái gọi là "nghệ thuật không chính thức" ở Liên Xô khi họ đàm luận về những tác phẩm điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn thơ, và họ thường phát sách và tờ rơi quanh người dân Liên Xô," ông Khrushchev nói.

"Thời đó làm vậy là bất hợp pháp, nhưng thực tế thì ai cũng biết họ làm điều này," ông nói.

Nghị hội Tự do Văn hóa tài trợ nhiều tạp chí văn học và văn hóa, trong đó có tạp chí Encounter của Anh và cả tạp chí văn học Paris Review với nhiều cây bút nổi tiếng.

Nghị hội là cái bóng đằng những buổi hòa nhạc được tài trợ, chẳng hạn như buổi biểu diễn vào tháng 4 năm 1952 của Dàn nhạc Giao hưởng Boston tại một lễ hội âm nhạc ở Paris.

Những bản nhạc được chọn hẳn nhiên không phải là vô tình, như bản Nghi thức mùa Xuân của Igor Stravinsky, một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thời đại mình và là một người công khai phê phán chủ nghĩa cộng sản .

CIA thậm chí còn tài trợ phiên bản phim hoạt hình của tiểu thuyết Trại Súc Vật của George Orwell.

Để tài trợ những hoạt động này, CIA đã bí mật rửa tiền thông qua một loạt những tổ chức văn hóa ở Mỹ và châu Âu.

Khi điệp viên thành nhà bảo trợ

Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn ký tặng sách 'Quần đảo Ngục tù' sau khi gặp gỡ học sinh của trường số 1 tại Vladivostok năm 1994. Ông Solzhenitsyn trở về Nga ngày 27/5/1994 sau 20 năm sống lưu vong.


Ở Liên Xô, mỹ thuật hiện đại được coi là phản ánh "sự suy đồi" của phương Tây, nói cách khác, dân chủ. Những họa sĩ mỹ thuật hiện đại bị coi là những kẻ phá hoại - gồm cả Pablo Picasso, trớ trêu thay lại là một người cộng sản.

Nhiều họa sĩ đào thoát khỏi Liên Xô, trong đó có Wassily Kandinsky và Mark Rothko. CIA đổ hàng triệu đô la tiền trợ cấp cho trường phái hội họa xuất hiện trong những năm 1950 ở New York có tên là biểu hiện trừu tượng, một phong cách hội họa không tiết chế và giàu biểu cảm với những tên tuổi như Rothko và Jackson Pollack – những họa sĩ không được đặc biệt đánh giá cao bởi người Mỹ đương thời.

CIA hỗ trợ họ, tổ chức những buổi triển lãm cho họ và những họa sĩ khác trên khắp châu Âu, và giúp quảng bá nghệ thuật trừu tượng như một xu hướng toàn cầu.

"Việc đảm bảo để trường phái biểu hiện trừu tượng, một hình thức nghệ thuật vô cùng khó hiểu, lan tỏa có thể đối chọi với những quan niệm của châu Âu và giúp lôi kéo trí thức châu Âu về phía chúng ta trong cuộc Chiến tranh Lạnh," giáo sư sử học Wilford tại Đại học Bang California nói.

Ngày nay, thật khó mà tưởng tượng những trùm gián điệp của Mỹ lại là những nhà bảo trợ nghệ thuật.

"Có một số nhân vật khá sành điệu trong CIA thời đó," ông Wilford nói.

"Tôi nghĩ rất có thể họ thích thú với vai trò là những nhà bảo trợ văn hóa bởi vì họ xuất thân từ những trường đại học danh giá nhất nhì, những người như Nelson Rockefeller và John Hay Whitney [chủ báo New York Herald Tribune]," ông nói.

"Vì vậy cũng dễ hiểu là CIA thời đó, một tổ chức khá thượng lưu quý tộc, lại đảm nhận nhiệm vụ này," ông Wilford nói.

Nhưng những hoạt động đó hiệu quả tới đâu?

"Thực ra làm như vậy khá là thông minh," ông Wilford nói. "Và tôi nghĩ nó có hiệu quả tới một mức nào đó bởi vì nó phổ biến trào lưu văn hóa đến châu Âu, mà nếu không có nó thì khó mà vươn xa được.”

"Bởi có những chi nhánh địa phương ở các nước khác nhau trên thế giới giúp đảm bảo rằng giới trí thức địa phương thân Mỹ và ngưỡng mộ Mỹ, và họ cũng có được nền tảng hỗ trợ sáng tác,” ông nói.

Nhưng những nỗ lực này của CIA, khi cuối cùng bị tiết lộ vào khoảng từ giữa đến cuối những năm 1960, lại trở thành bóng ma ám ảnh cơ quan tình báo này, bởi vì nó không chỉ làm Mỹ mất mặt mà còn làm ô danh những trí thức nhận tiền của CIA, ông Wilford nói.

Nghị hội Tự do Văn hóa, từng có văn phòng ở 35 quốc gia và gần 300 nhân viên, bị dẹp bỏ không lâu sau đó.