Hoa Kỳ sẽ không giữ một vai trò gì trong quyết định cứu nguy Hy Lạp, do 17 quốc gia trọng yếu thuộc khu vực đồng euro của Liên Hiệp châu Âu đưa ra. Nhưng bà Clinton đã gửi đi một thông điệp mạnh để hỗ trợ về mặt chính trị, nói rằng bà hài lòng được có mặt tại Athens vào ngay thời điểm "thử thách" để bày tỏ sự ủng hộ dứt khoát của Hoa Kỳ cho Hy Lạp, nước đồng minh của NATO.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng và các biện pháp tăng thuế mới đây của chính phủ Papandreou là những liều thuốc mạnh và khó khăn cho các công dân Hy Lạp, nhưng bà nói rằng Hoa Kỳ rất tin tưởng rằng nền kinh tế Hy Lạp sẽ hồi phục. Bà nói: "Tôi tin tưởng nơi sức mạnh bền bỉ của nhân dân Hy Lạp. Và tôi hoan nghênh quyết tâm của chính phủ Hy Lạp sẵn sàng chấp nhận những biện pháp khó khăn đó. Hy Lạp đã là nguồn cảm hứng cho thế giới trước đây và tôi tin tưởng rằng quốc gia quí vị sẽ làm như vậy một lần nữa. Và trong khi mà quí vị làm những gì quí vị phải làm để cho nền kinh tế lành mạnh trở lại, quí vị sẽ nhận được đầy đủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ."
Bà Clinton đã lên tiếng tại một cuộc họp báo với tân ngoại trưởng Hy Lạp Stavros Lambrinidis, vừa được bổ nhiệm sau vụ cải tổ nội các mới đây.
Qua một thông dịch viên, ông Lambrinidis nói trong lúc nhiều người ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương e ngại rằng Hy Lạp sẽ sụp đổ, chính phủ Papandreou sẽ chứng minh là họ sai lầm. Ông nói: "Bất chấp những người bi quan, chúng tôi đang tiến tới và chúng tôi sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng thắng lợi. Dĩ nhiên chúng tôi không có một phép lạ nào để giúp giải quyết, nhưng chắc chắn là những hy sinh mà nhân dân Hy Lạp đã cống hiến không những chỉ giúp Hy Lạp thoát ra khỏi nguy cơ thực sự không trả được nợ vừa qua, mà sẽ còn tạo được một nền tảng vững chắc cho sự hồi phục kinh tế."
Ngoại trưởng Hy Lạp nói rằng quốc gia ông cần đến không những là tình liên đới của Hoa Kỳ mà còn của châu Âu nữa, một thông điệp mà ông nói đã bị vài quốc gia thành viên châu Âu bỏ quên trong những tháng gần đây.
Một giới chức cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng trong lúc ông không giảm nhẹ mức độ trầm trọng của các khó khăn của Hy Lạp, nhưng quốc gia này chỉ đại diện có 3% nền kinh tế của Liên Hiệp châu Âu, không phải là một tầm mức mà liên hiệp không thể đối phó.
Các cuộc thảo luận của bà Clinton tại Hy Lạp cũng tập trung vào tình hình biến động tại Trung Đông, sự ổn định tại vùng Balkans, mối quan hệ Hy Lập-Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề đảo Chypres.
Hôm thứ Bảy, bà Clinton nói rằng bà muốn thấy vấn đề đảo Chypres được giải quyết xong trước khi đảo quốc này đảm nhận chức vụ chủ tịch Liên Hiệp châu Âu lần đầu tiên trong năm tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp nói rằng ông cho là có thể có tiến bộ, nhưng điều đó chính yếu đòi hỏi đến quyết tâm chính trị về phần chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Chypres đã bị chia cắt vì lý do sắc tộc năm 1974 khi binh sỹ Thổ xâm chiếm 1/3 quốc gia về phía bắc để trả đũa một vụ đảo chính ở Nicosia nhắm thống nhất với Hy Lạp.
Giới chức cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng ông cảm thấy khích lệ trước sự kiện giới lãnh đạo người Chypres gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã mở hơn 80 cuộc họp trực tiếp trong 2 năm qua. Ông nói hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng vẫn chưa đủ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho hay Hoa Kỳ dứt khoát ủng hộ cho kế hoạch hồi phục kinh tế Hy Lạp của Thủ tướng George Papandreou. Bà Clinton đã mở các cuộc thảo luận với các giới chức hàng đầu của Hy Lạp tại Athens trước cuộc họp có tính cách sinh tử của châu Âu vào thứ Năm trong vụ cứu nguy tài chính thứ nhì cho Hy Lạp.