Hôm thứ Sáu, trong khi bênh vực tiến trình mở rộng NATO Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vẫn nói là Mátcơva, cựu đối thủ của Mỹ trong chiến tranh lạnh, không còn là một địch thủ nữa mà là một đối tác. Ngoại trưởng Clinton tuyên bố như vừa kể trong một bài diễn văn đọc tại Paris về chính sách an ninh của châu Âu. Bà cũng gặp các viên chức cao cấp của Pháp. Thông Tín Viên David Gollust của Đài VOA tường trình từ Paris.
Ngoại trưởng Clinton dùng bài diễn văn đọc tại Trường Võ bị tại Paris để tái xác nhận là châu Âu và NATO là trọng tâm của những quyền lợi của Hoa Kỳ và gọi an ninh của châu Âu là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama.
Bà Clinton nói: “Nhiều người tự hỏi là chúng tôi có hiểu được nhu cầu khẩn cấp thăng tiến an ninh ở châu Âu hay không. Người khác bày tỏ mối quan tâm là chính quyền Obama quá chú trọng đến những thách thức về chính sách ngoại giao tại các nơi khác trên thế giới nên đã đưa châu Âu vào hạng thấp trong danh sách những vấn đề ưu tiên. Trên thực tế, vấn đề an ninh của châu Âu vẫn là một trọng điểm trong chính sách ngoại giao cũng như an ninh của Hoa Kỳ.”
Cùng lúc đó, ngoại trưởng Clinton nêu rõ quyết tâm cải thiện mối quan hệ với Mátcơva.
Bà Clinton nói chính quyền Obama thừa hưởng một mối quan hệ sút giảm với Nga cách đây một năm nhưng đã bắt đầu một tiến trình tái xây dựng
Bà nói thêm là nỗ lực này đã mang lại tiến bộ trong việc ổn định Afghanistan, đối đầu với chương trình hạt nhân của Iran cũng như đối đầu với vụ Bắc Triều Tiên coi thường những nghĩa vụ quốc tế.
Ngoại trưởng Clinton cũng có nhận xét là hai cường quốc Nga Mỹ tiến gần đến việc ký kết một hiệp ước mới về Tài giảm Vũ khí Chiến lược để thay thế hiệp ước năm 1991 đã hết hạn vào tháng 12 năm ngoái cũng như cắt giảm một cách đáng kể kho vũ khí hạt nhân của hai nước.
Ngoại trưởng Clinton bênh vực tiến trình mở rộng NATO đã bắt đầu từ thời chính quyền của phu quân bà và từ đó đã trở thành một điểm khúc mắc thường xuyên trong quan hệ với Mátcơva.
Bà Clinton nói: “Trong nhiều năm, Nga đã tỏ ra bất an giữa lúc NATO và Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bành trướng. Nhưng chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự phát triển của cả hai tổ chức vừa nêu đã tăng tính ổn định an ninh và thịnh vượng trên khắp lục địa. Và rồi điều này cũng đã giúp tăng cường an ninh và thịnh vượng của nước Nga.”
Ngoại trưởng Clinton nói Moscow ủng hộ quyền của tất cả mọi quốc gia được chọn gia nhập các liên minh tại một hội nghị an ninh Châu Âu hồi năm 1999. Bà nói rằng NATO phải và sẽ tiếp tục mở cửa để đón nhận bất cứ nước nào có nguyện vọng muốn trở thành thành viên của liên minh, nếu hội đủ các điều kiện đòi hỏi.
Ngoại trưởng Clinton nói các quyền lợi của Hoa Kỳ và Nga không phải lúc nào cũng dẫm chân lên nhau, nhưng bà cam kết sẽ tìm những phương cách xây dựng để thảo luận và tìm cách giải quyết những khác biệt, mà theo bà có việc Moscow leo thang ủng hộ cho hai khu vực ly khai của Gruzia, từ khi cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nga và Gruzia bộc phát năm 2008.
Ngoại trưởng Mỹ phát biểu: “Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Nga hãy tôn trọng các điều kiện trong thỏa thuận ngưng bắn với Gruzia. Chúng tôi từ chối, không công nhận những tuyên bố của Nga đòi độc lập cho Abkhazia và Nam Ossetia. Trên phạm vi rộng hơn, chúng tôi phản đối bất cứ vùng ảnh hưởng nào tại Châu Âu trong đó một quốc gia tìm cách kiểm soát tương lai của một quốc gia khác”
Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ nói rằng Hoa Kỳ rất nghiêm túc trong việc thăm dò các phương cách khác nhau để hợp tác với Moscow, kể cả vấn đề hệ thống lá chắn tên lửa tại Châu Âu, và theo lời bà mạng lưới an toàn của một hệ thống khu vực đang được cứu xét có thể nới rộng đến Nga, nếu “Moscow quyết định hợp tác với chúng tôi.”
Ngoại trưởng Clinton còn tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sát cánh với Ukraina giữa lúc nước này bầu chọn một tân Tổng Thống vào tuần tới trong cuộc bầu cử mà bà Clinton mô tả là “một bước quan trọng trong cuộc hành trình của Ukraina tiến tới dân chủ, ổn định và hòa nhập toàn bộ vào Châu Âu”.
Hôm thứ Sáu, trong khi bênh vực tiến trình mở rộng NATO Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton vẫn nói là Mátcơva, cựu đối thủ của Mỹ trong chiến tranh lạnh, không còn là một địch thủ nữa mà là một đối tác. Ngoại trưởng Clinton tuyên bố như vừa kể trong một bài diễn văn đọc tại Paris về chính sách an ninh của châu Âu. Bà cũng gặp các viên chức cao cấp của Pháp. Thông Tín Viên David Gollust của Đài VOA tường trình từ Paris.