Trân Văn
Sau ba tuần tìm cứu, giới hữu trách tại Việt Nam đã tìm thấy thi thế Thái Lý Hạo Nam, mười tuổi, không may sa xuống một trong những lỗ đã được khoét sẵn để làm móng cho trụ cầu Rọc Sen ở Đồng Tháp để trao lại cho cha mẹ cậu (1)... Sở dĩ Hạo Nam lâm nạn là vì cậu hy vọng kiếm đủ tiền trả phí cho việc học võ thuật nên cùng bạn bè vào công trường xây dựng cầu Rạch Sen để lượm sắt vụn!
Dẫu giới hữu trách đã tìm thấy thi thể Hạo Nam nhưng làm sao có thể xem đó là tin vui trước thềm năm mới? Thêm một mùa Xuân nữa lại đến nhưng những trăn trở như trăn trở của Nguyễn Phương Mai vẫn còn nguyên, thậm chí có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sẽ còn nặng nề hơn nhiều trong năm mới: Khía cạnh đau lòng nhất trong câu chuyện về Hạo Nam có lẽ là chữ “nghèo”. Điều đau đớn nhất là Hạo Nam đã không gặp nạn khi đang chơi đùa với bạn bè mà mất mạng khi đang “đi làm kiếm tiền”. Nghèo đa chiều tức là không chỉ nghèo tiền mà còn bị thiệt thòi về tám khía cạnh cơ bản của cuộc sống như: Dinh dưỡng, y tế, nhà ở, môi trường, tiếp cận thông tin, lao động trẻ em và đăng ký hành chính.
Nguyễn Phương Mai lưu ý: Bé Hạo Nam thuộc tổng số hơn năm triệu trẻ em Việt Nam nghèo đa chiều (theo thông tin và định nghĩa của UNICEF là nghèo ở ít nhất hai khía cạnh). Bé mười tuổi mà chỉ nặng có 20 ký, nhỏ và có thể là thiếu dinh dưỡng đến mức nhiều người cho rằng việc bé lọt chân vào miệng ống có đường kính 25cm là điều không thể. Bé cũng nghèo về mặt “cơ sở nhà ở” nếu nhìn vào cái chòi rách tươm mà gia đình bé đang trú ngụ. Bé cũng nghèo về mặt “tiếp cận thông tin” khi những chương trình miễn phí tiền học, trợ giúp xã hội, những khoản thu “vì người nghèo” ta vẫn đóng cho tổ trưởng dân phố đã không đến đúng đối tượng, giải quyết đúng việc cần làm. Đó là ta còn chưa biết liệu bé có nghèo về mặt y tế (được khám chữa bệnh, được tránh ảnh hưởng từ chất kích thích và việc hít khói thuốc thứ cấp từ người lớn). Liệu bé có nghèo về mặt môi trường (có hố xí hợp vệ sinh, được dùng nước sạch, sống xa nơi xả rác thải, không hít khí ô nhiễm từ các công trình xây dựng và giao thông,…). Liệu bé có nghèo về mặt lao động (bé có phải góp công sức vào việc kiếm tiền trong tổng thu nhập của gia đình không)?
Theo Nguyễn Phương Mai: Chúng ta có thể than khóc nhưng thật bất nhẫn nếu drama này nhanh chóng trôi qua như bao drama khác. Sự thật là còn hơn năm triệu bé Hạo Nam vẫn còn đang sống, vẫn còn đang thở, vẫn còn đang “vươn tay chờ được kéo lên” nhưng không có được sự chú ý toàn tâm toàn lực của chính quyền, báo chí và người dân. Việc giải quyết một cách có hệ thống có lẽ thuộc về trách nhiệm của nhà nước/người làm chính sách. Tuy nhiên, những cá nhân là mỗi chúng ta có thể chung tay để quá trình đó BỀN VỮNG hơn và đi lên từ cái gốc của văn minh. Ví dụ, để giải quyết cái nghèo của trẻ con, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé như việc cân nhắc thái độ của chính mình với cái nghèo. Đó là việc cân nhắc khi cho các bé dùng những thứ đồ sang trọng đắt tiền lúc đi học hay đi chơi cùng bạn bè. Đó là việc chú ý dạy các bé cách cư xử với đồng tiền, để không coi đó là đương nhiên, để không cho rằng đó là minh chứng của sự ưu tú cá nhân, để không vô tình hay cố ý làm tổn thương bạn bè cùng lứa. Đó là việc Tết này ta dạy bé rằng tiền mừng tuổi là tiền “lấy may” chứ không phải “thu nhập” dịp Tết, rằng bé tuyệt đối không nên mở phong bao lì xì trước mặt người mừng, rằng có khi gom lại cuối ngày mở ra để không cần biết ai mừng nhiều hay ít, rằng nếu thay tiền bằng một cuốn sách thì đó cũng là lựa chọn tuyệt vời. Khi bé lớn lên và đến tuổi có khả năng sinh học để sinh con, đó cũng là việc bé cần hiểu giá trị thực tế của đồng tiền và sự sai lầm của tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”. Tiền tuy không đảm bảo sẽ có hạnh phúc nhưng không có tiền thì hạnh phúc chỉ càng bấp bênh. Đó là việc dạy các bé khả năng thấu cảm, đặt mình vào vị trí kẻ khác, sẻ chia và lắng nghe. Đó là những hành động có tổ chức hoặc tự phát khi chúng ta chứng kiến nhiều câu chuyện các bé hò nhau giúp đỡ bạn bè mà không làm họ tự ti hoặc xấu hổ. Đó là việc chúng ta cân nhắc thái độ với những khoản đóng góp mang tiếng là “tự nguyện” nhưng kỳ thực là bắt buộc ở trường học. Đó là khi Hội PHHS không gọi thẳng tên và bắt một bà mẹ nghèo đi xe đạp đứng lên trong cuộc họp mà sỉ nhục chị vì chị không đóng tiền đủ thì “không nên cho con theo lớp này”. Đó là khi những học sinh nghèo nhận trợ giúp nhưng được giáo viên ý tứ giấu tên. Thậm chí đó cũng là việc chúng ta cân nhắc để ít đôi co, trả giá, mặc cả từng mấy trăm đồng với các tiểu thương để chứng minh mình biết giá. Trong khi đó, ta lại bo/tip một khoản lớn khi đi ăn hàng hoặc dùng dịch vụ đắt tiền để chứng minh mình biết chơi đẹp. Liệu khi ta “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng” như thế, có ai trong số những kẻ buôn thúng bán mẹt kia là cha mẹ của một Hạo Nam cảm thấy khó khăn với 60.000 tiền học võ cho con? Đó là việc ta cân nhắc góp tiền cho các tổ chức cứu trợ trẻ em với tầm nhìn bền vững chứ không chỉ dừng lại ở vài thùng mì tôm hay những cách trợ giúp kiểu cho cá chứ không cho cần. Đó là khi ta cân nhắc những tổ chức có cách làm việc minh bạch, sao kê đầy đủ để tiền đến đúng nơi cần đến... Có lẽ còn nhiều cách nữa để mỗi cá nhân chúng ta gián tiếp trở thành một cánh tay kéo những Hạo Nam khác ra khỏi cái ống sâu hoắm, chật chội và ngột ngạt của sự nghèo. Cánh đồng mơ ước của Hạo Nam không nên chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng kiểu AQ của người lớn chúng ta trong phút giây bất lực. Bởi cánh đồng ấy có thực, nó chỉ không dành cho những đứa trẻ nghèo đa chiều, nghèo đủ thứ như Hạo Nam.
Sở dĩ Nguyễn Phương Mai đưa ra hàng loạt đề nghị cho đủ mọi phía vì... không đành lòng khi nhìn tấm hình tưởng tượng rằng bé đã sang thế giới bên kia. Nơi ấy, con đang chạy nhảy vui chơi trên cánh đồng có bóng bay thay vì lẻn vào kiếm sắt vụn trái phép trên công trường đang thi công. Bởi thế giới bên kia ấy lẽ ra phải là thế giới hiện tại mới đúng chứ (2)?
***
Tuần này, những câu hỏi kiểu như “Có bao nhiêu Hạo Nam còn sống?” mà Nguyễn Phương Mai đã nêu trong status vừa trích dẫn tiếp tục được nêu thêm ngay trước thềm năm mới. Chẳng hạn sau khi mô tả ấn tượng về “Tết và con số 20.000 đồng” đọng lại từ cuộc tiếp xúc với những công nhân trẻ ở các khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang,... – Những người đang vật lộn để tồn tại với các suất ăn không được quá 20.000 đồng, bởi lương chỉ năm đến bảy triệu mỗi tháng nhưng đang tiếp tục giảm do giờ làm việc bị giảm thành ra các khoản chi cho ăn, ở, gửi về nhà nuôi thân nhân,... trước nay vốn đã bị xắt nhỏ giờ phải bóp lại cho nhỏ hơn. Những phòng trọ vốn đã nhỏ, chỉ dành cho hai người, nay là nơi tá túc của bốn người, nấu ăn, tắm rửa, vệ sinh đã được chuyển hết ra ngoài,... - Nguyễn Tấn Thọ thắc mắc: Vậy đó nhưng công nhân của các doanh nghiệp này, vẫn đeo bám bởi con số 20.000. Mùa Tết công nhân sẽ còn phải hạ con số 20.000 xuống nữa? Tới bao nhiêu? Sau Tết, họ vẫn chưa biết mức hạ tiếp vì...biết có còn việc không mà hạ? Hay lại về quê cắm câu? Ủa không nghe họ nói hay nhắc gì công đoàn nhỉ (3)?
Dẫn lại một đề tài vốn đã cũ nhưng vẫn đang tiếp tục là chủ đề khơi dậy những cuộc tranh luận mỗi khi “năm hết, Tết đến” là: “Tiếp tục duy trì hay bỏ Tết ta” và có phải “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo” (4), facebooker có nickname là Sherab Chodron bình thế này: Xin thưa tại sao bao lâu nay, nhất là khi miền Nam Việt Nam chưa được “giải phóng” cũng đón Tết như vậy nhưng không nghèo? Vài nước Đông Nam Á vẫn vậy nhưng tại sao họ vẫn giàu (5)? Giới hữu trách rồi hệ thống truyền thông chính thức đã và đang lờ đi thực trạng, càng ngày, Tết càng buồn, càng nhìn xa chừng nào thì càng trăn trở chừng đó. Đó có phải là hệ quả của... “Mừng đảng, mừng Xuân” chăng?
(*) Tựa đặt theo bài viết của Facebooker Nguyen Phuong Mai
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/dua-thi-the-be-hao-nam-len-mat-dat-luc-1-gio-25-sang-20-1-post1543684.html