Ngày 11/11/2022, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – gửi công điện ra lệnh cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khắc phục ngay tình trạng thiếu hụt xăng dầu kể từ 12/11/2021 (1).
Xăng – một loại “máu” để duy trì sự ổn định của sinh hoạt kinh tế, xã hội – vẫn khan hiếm. Tình trạng này xuất hiện từ đầu năm (2) và nay, dù đã sắp hết năm nhưng không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn.
Đáng lưu ý là ngoài chỉ đạo “nghiên cứu, đề xuất” và yêu cầu... “khắc phục”, dường như Thủ tướng Việt Nam không biết làm gì khác. Từ đầu năm đến nay, ông Chính đã chỉ đạo và yêu cầu như thế khoảng hơn... chục lần. Lần gần nhất là cuối tháng trước (3).
Có thể vì Thủ tướng như thế nên chính phủ cũng vậy. Từ đầu năm đến nay đã có cả trăm cuộc họp để bàn về việc ổn định thị trường xăng dầu. Lúc đầu, các viên chức hữu trách nhận định, xăng dầu không thiếu, sở dĩ nhiều cây xăng đóng cửa, dân chúng phải xếp hàng mua xăng là vì “đầu cơ”. Phải mất vài tháng, các viên chức hữu trách mới chịu thừa nhận khan hiếm một phần là do khiếm hụt nguồn cung (cả vì sản lượng của một số nhà máy lọc dầu nội địa lẫn vì nhập cảng xăng dầu giảm), phần khác là do cung cách quản lý tiền tệ khiến doanh nghiệp nhập cảng xăng dầu không đủ ngoại tệ mua hàng, phần khác nữa là do áp đặt các loại định mức, chi phí phi thực tế nên kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng bán nhiều chừng nào thì lỗ nặng chừng đó,...
Dẫu đã nhận diện được... “nguyên nhân” và cứ mươi ngày lại có một cuộc họp về “điều hành” thị trường xăng dầu nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền càng nỗ lực... “điều hành” thì thị trường xăng dầu càng hỗn loạn!
Sáng 11/11/2021, ông Chính ban hành công điện như vừa đề cập và chiều cùng ngày, chính phủ triệu tập thêm một cuộc họp để tiếp tục bàn xem làm sao ổn định thị trường xăng dầu. Nếu chịu khó đọc tường thuật về cuộc họp này thì sẽ thấy... không có gì mới!
Điểm mới – nếu đáng gọi là mới – diễn ra vào hôm sau 12/11/2022, thời điểm mà lẽ ra theo Công điện thì tình trạng thiếu hụt xăng dầu phải được “khắc phục” xong là dân chúng Việt Nam được thông báo rằng, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã tìm đến những cây xăng ngưng hoạt động để đo lượng xăng trong các hầm chứa còn hay hết! Theo hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thì đúng là hầm chứa xăng của những cây xăng đã đóng cửa đều... cạn (4)! Cho đến giờ phút này, hoạt động... “nổi” nhất, được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhằm bình ổn thị trường xăng dầu vẫn chỉ là... “kiểm tra, giám sát hoạt động bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm”!
Xăng vẫn thiếu và giá vẫn nhích lên từ từ. Trách nhiệm của tình trạng khiếm hụt đã được nhấc ra khỏi vai của doanh nghiệp chuyên kinh doanh xăng dầu để chuyển sang cho... thị trường thế giới vì đã... diễn biến phức tạp, khó lường!
Bất kể thế nào thì ông Nguyễn Hồng Diên cũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ trưởng Công Thương và tất nhiên ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo chính phủ y hệt như thế.
Giống như đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ chỉ... đúng chứ không bao giờ sai về... “đường lối, chủ trương”. Khi chuyện mở đường cho Công ty Việt Á bán các bộ xét nghiệm COVID-19, hay mở lối cho các “chuyến bay giải cứu” cũng chỉ là trách nhiệm của những cá nhân “thoái hóa, biến chất”, còn các hệ thống vô can dù chính các hệ thống này đã lựa chọn, tập họp những cá nhân đó về một mối, giao trọng trách để những cá nhân đó câu kết với nhau lũng đoạn và trục lợi thì trách nhiệm của các hệ thống và trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo các hệ thống đối với sự hỗn loạn của thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay cũng thế. “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vẫn là ý tưởng... sáng suốt, đúng đắn!
Sáng suốt, đúng đắn như khi bất chấp các khuyến cáo của nhiều người, nhiều giới để dành đủ thứ “ưu đãi” cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) ở Thanh Hóa – những “ưu đãi” mà chỉ Việt Nam, nơi phát kiến “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” mới nghĩ ra và mời chào giới đầu tư ngoại quốc. Chẳng hạn: “Cam kết” chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp của NSRP là 10% (giảm một nửa so với bình thường) trong... 70 năm. “Cam kết”... “bao tiêu sản phẩm” (mua toàn bộ sản phẩm do NSRP làm ra – các loại dầu, xăng, khí hóa lỏng), nếu vì lý do nào đó, giá nhập cảng và thuế nhập cảng xăng dầu giảm, Việt Nam sẽ dùng công quỹ... bù lỗ cho các sản phẩm của NSRP để liên doanh này luôn luôn có... lời!..
Diễn biến của thị trường xăng dầu tại Việt Nam từ đầu năm đến nay có lẽ đã đủ để chứng minh những “ưu đãi” ấy có đáng không? Hồi 2016, giới hữu trách từng phỏng đoán, mỗi năm, chính quyền phải móc túi dân chúng để bù lỗ cho NSRP từ... 3.500 tỉ đến 4.000 tỉ (5). Sau đó có phỏng đoán, trong mười năm, khoản phải... “bù lỗ” cho NSRP từ... 1,5 tỉ Mỹ kim đến hai tỉ Mỹ kim! Chưa kể do các... “cam kết” với NSRP, mỗi năm, tổng thu ngân sách quốc gia còn giảm hàng chục ngàn... tỉ! NSRP dường như chỉ có vài tác dụng như giúp nâng “tỉ lệ tăng trưởng GDP” để làm thành tích cho vài nhiệm kỳ hoặc giúp số liệu... thu ngân sách của Thanh Hóa thay đổi tích cực nên chính quyền Thanh Hóa thường xuyên thúc giục phải nghiêm chỉnh thực thi... bao tiêu, hạn chế nhập cảng xăng dầu (6)...
Tin mới nhất là năm tới (2023), khoản chính quyền Việt Nam phải móc túi dân chúng Việt Nam để... “bù lỗ” cho NSRP sẽ là hơn... 15.000 tỉ. Cũng vì vậy, Quốc hội vừa yêu cầu chính phủ tổ chức thanh tra, “làm rõ căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn”. Theo Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội thì “tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn rất đáng ngại và là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 tuy đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu” (7).
Song cần nhớ trừ PVN, ba thành viên còn lại của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là doanh nghiệp ngoại quốc, vi phạm các “cam kết” chính thức với doanh nghiệp ngoại quốc khác xa vi phạm hiến pháp và pháp luật đối với doanh nhân Việt Nam nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung. Các viên chức hữu trách tại Việt Nam như ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương có thể hối thúc kiểm tra gây sức ép lên các doanh nghiệp Việt Nam, dọa rút giấy phép kinh doanh, buộc họ phải chấp nhận tình trạng mua giá cao do xăng dầu thiếu hụt, bán đúng mức ấn định dù giá thấp hơn nhưng sẽ không dám và không thể làm như thế với doanh nghiệp ngoại quốc bởi sẽ phơi áo khi bị kiện tại các tổ chức tài phán về thương mại quốc tế.
Đâu phải tự nhiên mà sau những lần PVN – doanh nghiệp đại diện chính quyền Việt Nam trong liên doanh thực hiện Dự án Lọc hóa đầu Nghi Sơn bày tỏ bất bình (8), phía Việt Nam lại tiếp tục “ngậm đắng, nuốt cay” hứa bơm thêm tiền vào NSRP (9).
Thị trường xăng dầu tại Việt Nam đúng là rất “nóng” nhưng ngẫm kỹ, nhiệt độ gia tăng không phải từ thị trường hay xăng dầu mà từ chuyện dân chúng Việt Nam “bất khả tư nghị” về kiến thức, năng lực trong quản trị, điều hành của hệ thống chính trị và hệ thống công quyền. Hậu quả của “đường lối, chủ trương” có nghiêm trọng thế nào thì đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ vẫn... “vô ngộ”, vẫn “bất khả ngộ” – không bao giờ sai lầm, không thể sai lầm nên không có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm.
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-khac-phuc-ngay-thieu-hut-xang-dau-4535094.html
(2) https://tv.tuoitre.vn/video-cay-xang-3-ngon-tay-o-tphcm-ban-hang-cho-khach-theo-dinh-muc-116945.htm
(5) https://viettimes.vn/dau-hoi-ve-hieu-qua-kinh-te-voi-du-an-loc-dau-nghi-son-post34257.html
(6) https://vnexpress.net/pvn-lo-loc-dau-nghi-son-vo-no-3777675.html
(8) https://petrovietnam.petrotimes.vn/pvndb-gian-nan-thuc-hien-nhiem-vu-bat-kha-thi-577312.html