Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ

Cổ phiếu VinFast còn 4,16 đô la hôm 5/4/2024 ở sàn Nasdaq, Mỹ.

Cổ phiếu mã VFS của hãng xe hơi điện Việt Nam VinFast lao dốc xuống mức thấp nhất từ khi giao dịch ở Mỹ, chỉ còn có giá 4,16 đô la khi chốt phiên giao dịch hôm 5/4, theo dữ liệu của sàn Nasdaq.

Trong phiên giao dịch khép lại tuần đầu tiên của tháng 4, có lúc VFS rớt xuống mức thấp chưa từng thấy là 3,96 đô la. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng xe thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mất đi hơn 50% giá trị.

VinFast là một thành phần trong tập đoàn Vingroup của ông Vượng hoạt động mạnh và sinh lời chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.

Cổ phiếu VinFast lên sàn Mỹ hồi giữa tháng 8 năm ngoái tạo nhiều phấn khích trong số những người cổ vũ cho hãng cũng như gây chú ý đối với giới quan sát. Chỉ trong vòng 2 tuần, VFS tăng từ mức ban đầu hơn 10 đô la lên đỉnh là hơn 90 đô la, nhưng kể từ đó chủ yếu đi theo xu hướng xuống dốc.

VFS rơi xuống đáy mới hôm 5/4 bất chấp việc tập đoàn mẹ Vingroup ra tuyên bố cùng thời điểm ở Việt Nam rằng tập đoàn đặt mục tiêu đầy tham vọng là sẽ đạt doanh thu thuần 200.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng, là những kỷ lục của họ từ trước đến nay.

Riêng về hoạt động của VinFast, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Vingroup nói rằng trong năm 2024, VinFast sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối với mục tiêu đạt khoảng 400 điểm bán hàng trên toàn cầu vào cuối năm, bên cạnh đó, hãng sẽ bàn giao mẫu mới tại Mỹ, xuất khẩu xe sang châu Âu, và bắt đầu phân phối tại Indonesia.

Một mục tiêu quan trọng hàng đầu nữa của VinFast là tối ưu chi phí thông qua nghiên cứu các sáng kiến thiết kế nhằm giảm chi phí nguyên vật liệu, đồng thời tìm nguồn cung ứng và mua hàng hiệu quả.

Ít ngày trước tuyên bố về mục tiêu lãi và doanh thu đầy tích cực, vào cuối tháng 3, tập đoàn Vingroup bán đi phần sở hữu chính trong hãng thành viên Vincom Retail chuyên về bất động sản phục vụ các trung tâm thương mại, bán lẻ… thu về 1,6 tỷ đô la tiền mặt, theo tin của báo chí Việt Nam.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh hãng sản xuất ô tô VinFast vẫn ngập sâu trong lỗ và nợ nần sau gần 7 năm kể từ ngày thành lập và gần 2 năm rưỡi tính từ khi cho ra mắt chiếc xe hơi điện đầu tiên của hãng.

Như VOA đã đưa tin, theo một báo cáo tài chính mà VinFast công bố với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Mỹ hồi tháng 2 năm nay, hãng bị lỗ ròng tới 2,39 tỷ đô la trong năm ngoái.

Trước đó, hãng lỗ lần lượt 2,1 tỷ đô la và hơn 1,3 tỷ đô la trong hai năm 2022 và 2021. Số lỗ của hãng hồi năm 2020 thấp hơn, ở mức gần 800 triệu đô la. Tính từ khi ra đời đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của VinFast lên đến hơn 7,7 tỷ đô la.

Về nợ nần, báo cáo cho biết tổng cộng cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của VinFast lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.

Cũng trong năm 2023, VinFast bàn giao tới người tiêu dùng gần 35.000 ô tô điện, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 50.000 xe. Hồi tháng 2/2024, hãng tuyên bố nhắm đến mục tiêu giao 100.000 xe trong năm, gấp đôi mục tiêu mà họ đã bị thất bại hồi năm ngoái.