Một hệ thống phòng thủ phi đạn trị giá hàng tỉ đôla được đề xuất cho Guam được giảm xuống còn 16 địa điểm trên đảo từ 22 địa điểm ban đầu, Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ cho biết trong một bản dự thảo tuyên bố về tác động môi trường vào ngày thứ Sáu.
Dự án được thiết kế để tạo ra sự bảo vệ "360 độ" cho lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng phi đạn và trên không dưới mọi hình thức, cơ quan này cho biết. Các kế hoạch bao gồm tích hợp SM-6 của Raytheon, SM-3 Block IIA, THAAD của Lockheed Martin, và Patriot PAC-3, vốn sử dụng các cấu phần từ cả hai công ty này, trong khoảng 10 năm.
Nghiên cứu tác động môi trường, bắt đầu vào năm ngoái và bao gồm giai đoạn lấy ý kiến công chúng trong năm nay, đề xuất "triển khai, vận hành, và bảo trì kết hợp các cấu phần tích hợp cho phòng thủ phi đạn và phòng không được bố trí tại 16 địa điểm" trên đảo. Báo cáo không nêu lý do tại sao số lượng địa điểm bị cắt giảm.
Tất cả 16 địa điểm còn lại đều nằm trên tài sản quân sự của Mỹ
Dự án này hệ trọng đối với Mỹ và các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì nó cung cấp một trung tâm hậu cần cách xa bờ biển của Mỹ - Guam gần Trung Quốc hơn Hawaii.
Kho phi đạn đạn đạo chính quy khổng lồ của Trung Quốc bao gồm DF-26, với tầm bắn ước tính khoảng 4.000 km, cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn chống hạm. Các loại vũ khí mới hơn đang được phát triển, chẳng hạn như phương tiện lướt siêu thanh DF-27, đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều từ các nhà hoạch định quân sự của Mỹ.
"Đó là một căn cứ hoạt động tiền phương cho máy bay ném bom tầm xa và là một cảng cho tàu thuyền, để các tàu hải quân có thể ra khơi từ đó," Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Châu Á ở Úc nói. "Chắc chắn những địa điểm ở Nhật Bản và Philippines gần hơn nhiều (so với Trung Quốc)... nhưng dễ nằm trong tầm ngắm hơn nhiều."
Sẽ có các cuộc họp công khai tại Guam vào tháng sau để thảo luận về báo cáo ngày thứ Sáu, theo tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ Phi đạn Hoa Kỳ.