Từ lâu tôi đã muốn viết blog về đề tài này. Nhất là sau thời gian tôi về lại Việt Nam sinh sống và làm việc giữa năm 2007 cho đến gần cuối năm 2008 khi tôi quay trở lại Mỹ. Nhưng lúc ấy một phần tôi ngại dư luận cho là tôi muốn thanh minh, thanh nga về những chuyện riêng tư tình cảm được cho là có liên quan đến tôi. Một phần khác lúc ấy tôi cũng không có đất dụng võ, bày đặt viết văn như bây giờ nên ngày qua tháng lại tôi quên bẵng đi mất.
Mãi cho đến hôm nay, gần hai năm đã trôi qua với bao lời đồn đãi đã được cho vào dĩ vãng, tôi nghĩ đề tài này nay đã “an toàn” để tôi có thể blog mà không sợ bị hiểu lầm, cho là tôi chỉ biết đặt điều nói xạo vì… làm gì có chuyện đó!
Nhưng thật đấy bạn ạ. Đó là trong suốt thời gian tôi làm việc và sinh sống ở Việt Nam đã không có đến một người con gái Việt Nam để ý muốn “chài” tôi hoặc ra mặt tỏ ý thích tôi. Thậm chí đến một lời mời đi ăn chung hoặc đi chơi chung cũng chẳng thấy…ma nào gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn. Thế mới đau.
Đồng ý là lúc ấy tôi đã có vợ. Nhưng thử hỏi có thằng con trai nào mà lại không thích được có nhiều con gái theo đuổi hoặc ít nhất ra là cũng có một vài cô để ý đến mình. Việc làm lúc ấy của tôi rất ổn định, lương bổng cũng có thể cho là cao so với mức lương trung bình ở Việt Nam. Thế vậy mà chẳng có một cô nào – xấu hay đẹp, con nhà giàu hay con cán bộ - thèm đếm xỉa đến tôi. Bởi thế mỗi khi gặp mặt, những thằng bạn thân của tôi thường ghẹo bảo tôi là thằng luôn có tiếng nhưng chẳng bao giờ có miếng. Thế mới tức. Vì nói thẳng ra ở đời không tiếng nhưng lúc nào cũng có nhiều miếng thì tốt hơn nhiều!
Nhưng thật tình mà nói nếu suy nghĩ kỹ ra, nếu chúng ta chịu khó nhìn thẳng vào thực tại và phân tích sự việc thì chúng ta sẽ thấy chẳng có điều gì đáng tức cả.
Vì thứ nhất tuy ở Việt Nam có nhiều con gái thật nhưng không phải ai cũng giống ai. Không phải cô nào cũng muốn lấy chồng ngoại quốc hoặc Việt Kiều. Vì không phải anh ngoại quốc hay Việt Kiều nào cũng giàu có. Hoặc tử tế. Nhiều khi nó còn ngược lại là đằng khác.
Thứ hai, và lý do này thực tế hơn, đó là ở Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn, đã và đang có một thành phần trung lưu – middle class – có đủ tiền bạc, học vấn và cả lòng tự trọng để không cho phép mình làm những việc người Việt Nam chúng ta cho là “dụ dỗ” hoặc “mồi chài” đám đàn ông ở ngoại quốc mới lơ ngơ trở về.
Trong suốt thời gian ở Việt Nam mặc dù tôi có rất nhiều bạn bè thuộc mọi thành phần xã hội khác nhau nhưng tôi không thấy một anh nào có thể khả dĩ cho là “bị dụ”. Đại đa số các cặp mà tôi quen biết đều đến với nhau vì tình cảm họ dành cho nhau, hợp tính, hợp tình như bất kỳ một cặp tình nhân nào ở hải ngoại. Không hơn nhưng cũng không kém.
Cũng có thể tôi có những nhận xét như trên một phần vì đấy là thành phần xã hội mà tôi có dịp chung đụng nhiều nhất. Trong việc làm cũng như qua sự giao tiếp bên ngoài sau giờ làm việc. Những người con gái Việt Nam ấy khác hẳn với hình ảnh những người con gái Việt Nam thường được đưa lên các vở hài kịch ở hải ngoại, luôn đầy mưu mô, mánh khóe và có thừa các chiêu để các ông về Việt Nam mê mệt đến bỏ vợ.
Dĩ nhiên tôi không ngây thơ đến độ không biết là trên thực tế thật sự có rất nhiều trường hợp chồng về Việt Nam mê bồ nhí bỏ lại vợ con sau bao năm chăn gối mặn nồng. Nhưng tôi nghĩ hình ảnh ấy không hẳn là một hình ảnh hoàn toàn và đầy đủ. Có ai dám chắc không có trường hợp chồng về Việt Nam để bên này bị vợ cắm sừng? Hoặc chồng mê bồ nhí ở ngay tại tiểu bang thành phố mình đang ở?
Nói tóm lại tôi thấy chỉ có một điều chắc chắn và đấy là hình ảnh muôn màu, muôn vẻ của những người con gái ở Việt Nam hoàn toàn không dễ để cho chúng ta nhận xét, so sánh và kết luận. Vì có rất nhiều người trong số này hoàn toàn tự lập, họ rất coi trọng bản thân và vì thế cũng rất…chảnh. Mình không cua họ thì thôi chứ họ chẳng bao giờ có thời gian để tìm đến mình.
Như tôi đây luôn tự biết mình là người rất dễ bị dụ vậy mà sau hơn một năm làm việc ở Việt Nam cũng chẳng được dụ, dù chỉ một lần.
Thế mới tiếc!
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.