Phục hồi con giống bột Trung Thu

Con giống Phố Khách: Bộ lân, nghê, sư (còn gọi là bộ nghê hý châu, hay bộ tam sư). (Hình: Trịnh Bách)

Trịnh Bách

Trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu. Truyền thống này cũng được những người Bắc di cư đem vào miền Nam từ năm 1954, và tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.

Dù hồi đó đồ chơi Tây Phương đã không thiếu gì, nhưng những con giống bằng bột ngây ngô tràn đầy hồn dân tộc này vẫn luôn hấp dẫn trẻ con, và nhiều khi cả người lớn.

Có lẽ một phần lý do là vì thời ấy Trung Thu vẫn còn là một trong những dịp lễ tết quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống Việt. Lúc bấy giờ Trung Thu chính thức được công nhận là Ngày Thiếu nhi, hay Tết Nhi đồng Việt Nam, cho nên sự rộn rã háo hức chờ đón Trung Thu chỉ một phần nào đó kém Tết Nguyên Đán mà thôi.

Mâm cỗ Trung Thu với đĩa con giống bột. (Hình: Trịnh Bách)

Ngoài ra, mỗi năm khi tết Trung Thu đến gần thì các thầy, cô giáo trong trường lại đem những tích cũ như thằng Cuội, chị Hằng; Hậu Nghệ, Hằng Nga; trâu, cuội, cây đa; hay thỏ ngọc giã thuốc, v.v., kể cho học trò.

Trong tinh thần đó, các biểu tượng của Tết Trung Thu như bánh dẻo, bánh nướng, đèn lồng, con giống bột…, cũng có thể so sánh ngang tầm với bánh Chưng, tràng pháo hay cây nêu của Tết Nguyên Đán vậy. Và đối với trẻ con thì việc tranh chia những con giống bột từ bàn ngũ quả trong màn phá cỗ đêm Trung Thu là điều quan trọng không thua gì việc rước đèn, múa sư tử, hay nhâm nhi bánh trái của dịp lễ này.

Không hiểu con giống nặn bằng bột xuất hiện từ khi nào. Hiện vẫn còn tồn tại những con giống đồ chơi nho nhỏ nặn hình voi, ngựa, trâu, chim, cóc, v.v., bằng đất nung hay gốm sứ bắt đầu từ cả thiên niên kỷ trước. Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) cũng còn lưu giữ ảnh chụp những con giống bột, chú thích là ‘Đồ chơi bằng bột nhuộm mầu của Tết Trung Thu Hà Nội’, từ đầu thế kỷ 20.

Con giống bằng đất nung phủ men nâu (cao 7 cm) Hà Nội thế kỷ 13-14.

Và có lẽ Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em cho dịp tết Trung Thu. Tham khảo phong tục các nước khác có cùng văn hóa xử dụng Âm lịch đều không thấy có phong tục này. Điển hình là sách ‘The Republic Beijing’ (Cộng Hòa Bắc Kinh) của tác giả Madeleine Yue Dong, một quyển sách

Con chuột bạch Đồng Xuân đầu thế kỷ 20 từ ảnh của EFEO (trái) và theo phong cách bà Nguyệt Ánh ngày nay (phải).

khảo sát nền văn hóa Trung Hoa từ khi nền đế chế chấm dứt năm 1911 cho đến năm 1949, nhưng sách nhấn mạnh vào giai đoạn 1911-1928. Sách này có chương viết về đồ chơi truyền thống của Trung Quốc. Nơi sản xuất đồ chơi nặn bằng đất hay bột nổi tiếng nhất của của họ là khu vực chợ Đông An trong thành phố Bắc Kinh. Ở thời điểm đó, khi phong tục của Trung Hoa còn gần hơn với truyền thống cổ, thì đề tài của đồ chơi bằng bột chỉ là nặn các hình nhân nhỏ như búp bê. Không thấy sách đả động gì đến việc các đồ chơi được làm riêng cho dịp Trung Thu.

Con giống bột ở miền Bắc được phân làm hai loại chính. Thứ nhất là loại làm bằng bột hoành tinh pha bột nếp rồi khi khô được quang dầu cho bóng. Vì bột chỉ trộn lên, vẫn để sống rồi nặn và sau đó lại quang dầu, cho nên không ăn được, dù trong bột có lẫn đường gần như bột làm bánh dẻo. Xem kỹ những con giống bột gốc Hà Nội ở Sài Gòn về sau, thì thấy cũng có người hấp con giống sau khi nặn cho bóng. Con giống sau khi được hấp nhìn giống làm bằng nhựa hơn loại được quang dầu. Các con giống bột này có mục đích duy nhất là đồ chơi Trung Thu cho trẻ em, chứ không có mục đích cúng kiến, tôn giáo. Các con giống đô thị được làm tinh xảo và thuần nhất về quy cách nặn. Con giống bột quang dầu giữ được nhiều năm không bị nứt nẻ. Về sau này vì bột hoành tinh khó kiếm, người ta thay bằng bột năng hay bột dong.

Theo các cụ trong nghề thì con giống bột Trung Thu quang dầu được sản xuất tại Hà Nội. Người từ các tỉnh chung quanh đến mùa Trung Thu thì lên Hà Nội buôn về bán lại ở địa phương. Tuy thế Nam Sách, Hải Dương thời trước cũng được biết đến như một nơi sản xuất con giống bột Trung Thu. Nhưng dù sao khi nhắc đến con giống bột thì người ta liên tưởng ngay đến Hà Nội. Và vùng Đồng Xuân, Đồng Lạc là trung tâm của các con giống Ta; trong khi Mã Mây, Hàng Buồm là lò của các con giống Khách. Đấy là các gốc xuất phát, rồi từ đấy các con giống này được sản xuất rộng ra hơn.

Bộ Ngũ hổ của phong cách Đồng Xuân.

Con giống Phố Khách: Bộ lân, nghê, sư (còn gọi là bộ nghê hý châu, hay bộ tam sư). (Hình: Trịnh Bách)


Con giống Đồng Xuân thường do các bà các cô nặn khi đến mùa lễ tết, hay khi nhàn rỗi. Đề tài thông dụng nhất của con giống bột Trung Thu Đồng Xuân căn bản được lấy từ các loại vật nuôi gần gụi với con người thời xưa, mà phổ biến nhất là sáu con vật có ích với chủ nuôi. Đó là các con trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn; gọi chung là lục súc trong văn hóa cổ. Ngoài ra cũng còn có các đề tài thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả, v.v. Màu sắc của con giống bột Trung Thu đô thị tuân theo nguyên tắc ngũ hành gồm trắng, xanh lam hay tím (vì kiêng màu đen), xanh lục, đỏ và vàng. Có nghĩa là mỗi đề tài con giống được làm đủ bộ với 5 mầu kể trên. Ngày xưa các mầu sắc lấy từ vật liệu thiên nhiên như hoa, lá, nghệ, gấc, mực, nhọ nồi, v.v. Nhưng về sau các chất tạo mầu thực phẩm nhân tạo, hay ngay cả các phẩm màu quét vôi tường, được dùng để thay thế.

Con giống Phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn, còn được gọi là con giống vẩy, vì cách người ta dùng kẹp để tạo ra những đường vân nổi trên sản phầm. Người ta có hẳn những bộ dụng cụ xúc tích để tạo ra những con giống này. Đề tài của các con giống Phố Khách có vẻ thiên về thần thoại, thí dụ như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng), v.v.

Bộ dụng cụ làm con giống Phố Khách (thiếu vài món).

Ngoài các đề tài phổ biến kể trên, cá biệt cũng có trường hợp một vài người sáng tác ra các đề tài cá nhân mà dần cũng thành nổi tiếng. Thí dụ như có hai anh em ở phố Hàng Buồm Hà Nội xưa chỉ nặn cặp sư tử hý cầu rất công phu và đẹp. Rồi có bà cụ ở đường Lý Thường Kiệt chỉ chuyên về mâm ngũ quả. Hay cũng có người nặn bộ ngũ hổ, hay đầu sư tử. Rồi có cả con vẹt, mà người ta gọi là con anh vũ, v.v. Những con vật có hại như rắn, sâu bọ hiếm khi được nặn. Không hiểu sao mèo, chuột cũng có vẻ ít phổ biến hơn, không được sản xuất tràn lan như lục súc…

Các con giống Trung Thu truyền thống đều được nặn trong dáng nằm bệt, có lẽ vì khi bột mới nặn còn dẻo, mềm cho nên các chân đứng sẽ không trụ được. Các thế chân trước của các con vật trong tư thế nằm đều có quy cách đồng nhất, như ngựa quỳ, trâu dê bẻ ngang, chó lợn thẳng. Gà thì được cắm lông đuôi làm bằng lông gà thật nhuộm ngũ sắc. Những con giống bột Trung Thu Hà Nội khi vào đến Sài Gòn (và ở các vùng phụ cận như Thủ Đức, Biên Hòa) năm 1954 vẫn theo đúng các nguyên tắc đó.

Vài thể loại con giống bột Trung Thu truyền thống. (Hình: Trịnh Bách)

Loại con giống bột thứ hai là loại làm bằng bột tẻ pha ít bột nếp, mà sau khi chơi đêm rằm xong có thể hấp lên ăn được. Loại này nguyên thủy gọi là bánh chim cò. Làng Xuân La, huyện Phú Xuyên ở ngoại ô Hà Nội được xem là cái nôi của loại con giống này. Gọi là bánh chim cò, nhưng thật ra đề tài phong phú hơn nhiều. Theo các cụ già ở Xuân La thì ngày xưa trẻ con trong vùng thiếu thốn đồ chơi, cho nên bánh chim cò được tạo ra để thay thế. Và vì tính thực tiễn của làng quê, cho nên bánh không chỉ để chơi mà còn có thể ăn được, đỡ phí.

Có hai thể loại bánh chim cò bột tẻ. Một loại cầu kỳ hơn, có đế làm bằng khung nứa, gọi là ‘con tròn’. Một loại nữa không có đế, làm dễ, bán nhanh. Loại này phổ biến hơn, gọi là ‘con bệt’. Khác với con giống bột Hà Nội, bột làm bánh chim cò sau khi pha trộn phải được nấu chín trước khi nặn. Và sau khi nặn con bánh bột ở đây lại được hấp chín lần nữa để lấy độ bóng, thay vì được quang dầu như con giống Hà Nội. Đề tài của bánh chim cò đa dạng, tự do. Mỗi nghệ nhân hay mỗi gia đình đều có cách nặn và đề tài riêng. Cùng một đề tài con gà chẳng hạn, nhưng mỗi người, mỗi nhà nặn ra một con gà với hình dạng và chi tiết khác nhau…

Hình vẽ con gà bột có đế tròn trong sách của Henri Oger đầu thế kỷ 20 (phải), và “bánh” con gà bột tẻ có đế tròn, tức là con tròn đặc sản của làng Xuân La (trái). Các vòng cuộn đa sắc là nét đặc trưng của con giống bột Xuân La.

Con giống bột Phú Xuyên không có đối tượng nhất định. Tuy cho đến nay dịp Tết Trung Thu vẫn là thời điểm hoạt động sản xuất đạt đỉnh trong năm, nhưng về gần đây con giống cũng được nặn quanh năm, với quy mô nhỏ hơn, cho các mục đích khác. Thí dụ như trong thời chiến tranh các con bánh cổ truyền gần như bị bỏ đi để thay thế bằng các đề tài xe tăng, máy bay, xe tải… Hay phổ biến nhất là hình tượng các anh bộ đội, đến nỗi tên gọi bánh chim cò bị cả một thế hệ quên tên, và thay vào đó là tên gọi ‘bánh chiến sỹ’…

Phú Xuyên còn một loại con giống bột khác, làm bằng bột dong. Loại con giống này có kích cỡ nhỏ hơn, nhưng kiểu cách có vẻ đồng nhất hơn và truyền thống hơn. Không hiểu sao loại con giống này lại ít được biết đến. Loại này cũng có thể ăn được.

Ở miền Trong như Huế, Quảng Nam thì con giống làm bằng bột lọc gọi là con bột, hay con bột lọc, có thể hấp lên ăn được. Đề tài của con giống bột Thuận Quảng cũng đa dạng. So sánh những con bột lọc Huế ở các vùng khác nhau, do một số nghệ nhân đứng tuổi hiện còn sản xuất, thì thấy đề tài và cách nặn khá đồng nhất, dù kích cỡ có khác nhau. Thí dụ như con bột lọc ở Phú Lương có các đề tài và hình dạng giống như con bột của ở Dương Nỗ, có khác chăng là các con bột Phú Lương có kích cỡ lớn hơn và mầu sắc sặc sỡ hơn.

Con Bột lọc Phú Lương, Huế. (Hình: Trịnh Bách)

Riêng ở Quảng Nam và Bình Thuận hiện ngoài phố vẫn còn bán những con giống bằng đất nung thổi được ra tiếng do người dân Hội An và Bàu Trúc sản xuất, gọi là con ‘tò he’. Cho đến gần đây ở một vài làng quanh Hà Nội vẫn còn những loại con giống nặn bằng bột, hoặc bằng đất, có cắm khúc còi khoét lỗ gắn lưỡi gà làm bằng khúc tre hay sậy ngắn, để trẻ con thổi chơi, gọi là con ‘tò te’.

Vì hoàn cảnh đất nước các con giống bột Trung Thu nay không còn được thấy nữa. Một phần vì nguyên liệu dần trở nên đắt đỏ, khó tìm. Lại thêm thời chiến tranh, sơ tán, thiếu thốn càng làm cho các con giống trở thành thứ xa xỉ. Sau chiến tranh có sự hồi phục nhen nhúm của con giống Đồng Xuân. Nhưng chỉ thoi thóp thôi, vì nguyên vật liệu không có. Và người nặn cũng không còn. Riêng con giống phố Khách thì vì hoàn cảnh lịch sử mà hoàn toàn biến mất từ đầu thập niên 1980.

Con giống bột Phú Xuyên có vẻ cũng dần đi vào quên lãng từ sau chiến tranh. Nhưng khoảng năm 1984 có một sự hồi sinh của giòng con giống này. Vì không muốn thấy nghề làm các con bánh chim cò truyền thống bị mai một, một vài vị lão làng, như các cụ Thống Hàng, hay các cụ trẻ hơn lúc ấy như các cụ Đặng Xuân Hạ, Nguyễn Văn Tố… quyết định thoát ra khỏi khuôn khổ của lễ hội Trung Thu, và hướng mục tiêu của những con bánh bột này đến các đối tượng rộng lớn hơn để có thể sống được quanh năm. Từ đó bắt đầu có những thuyền các Cô các Cậu cho các dip hầu đồng, 12 con giáp để cúng giải hạn, mâm ngũ quả hay mâm trầu cau để cúng rằm hay giỗ chạp, v.v.

Mâm trầu cau và mâm ngũ quả cúng rằm, mồng một cùng các lễ, tết. (Hình: Trịnh Bách)

Và các cụ cũng quyết định quảng bá con bánh bột tẻ ra khỏi phạm vi của Phú Xuyên bằng cách không chờ người các nơi đến mua hàng nữa, mà dân làng đem sản phẩm đi bán ở tận ngoài Hà Nội và các tỉnh chung quanh. Các quầy bán con bánh bắt đầu được bầy bán ở các thị xã, thành phố miền Bắc. Và quả nhiên làng nghề có vẻ lại sống được bằng nghề riêng của mình.

Trong đợt hồi sinh này của con giống bột Phú Xuyên có một việc làm thay đổi hẳn hình thức của con bánh chim cò của địa phương. Đó là việc cụ Vũ Văn Xai, tức cụ Hai Xai (1914-1992) ở làng Xuân La, có sáng kiến cắm các con bột này vào que tre, có lẽ để việc phơi phóng được dễ và ít tốn chỗ hơn, để dễ cầm ăn hơn, và giải thoát những con giống này ra khỏi sự hạn chế về hình dạng của các con tròn con bệt cũ. Nhờ đó mà sau này các đề tài mới hợp với thị hiếu của giới trẻ ngày nay, được sao ra từ các chuyện tranh Nhật Bản, hay từ phim hoạt hình, như Pikachu, Angry bird, nàng tiên cá, gấu trúc… được thoải mái nặn với đầy đủ hình hài trên những que tre này.

Cặp long thăng long giáng cắm que tre nặn theo phong cách đuôi nở hậu của triều Nguyễn đầu tiên năm Nhâm Thìn 2012 (trái), và cùng cặp này năm 2017 (phải). Bột nặn và phẩm mầu cổ truyền không giữ nguyên vẹn được lâu. (Hình: Trịnh Bách)

Sau khi con bánh chim cò đã trở thành phổ biến vượt ra khỏi địa phương Phú Xuyên, năm 1993 con bánh bột tẻ Xuân La lần đầu tiên được tham dự một hội chợ Thủ công Làng nghề, lúc đó ở Trung tâm Vân Hồ Hà Nội. Người đưa con bánh bột ra đấu xảo là cụ Nguyễn Văn Tố (1927-2007). Rất đông đảo quan khách để ý đến sản phẩm thủ công thú vị này. Có một chuyện hiểu lầm khi một hôm có anh nhà báo đứng bên ngoài chỉ vào các con giống bột cắm que tre và hỏi vọng vào, “đây là con tò he phải không cụ?” Đang bận tiếp khách bên trong nên nghe không rõ, cụ Tố ậm ừ cho xong. Ngờ đâu từ sau khi bài báo được in ra, con giống bột tẻ có cắm que tre của Phú Xuyên bị khoác cái tên gọi sai lầm thành “con Tò He”. Cho đến nay các cụ cao tuổi trong Phú Xuyên vẫn than vãn về chuyện này. Các cụ nói khi đó thông tin liên lạc còn rất khó khăn. Và các cụ cũng không biết được về bài báo đó. Và có biết thì các cụ ở trong làng xa xôi thấp cổ bé miệng cũng chẳng có cách gì cải chính. Chỉ có các con giống có gắn còi thổi được ra tiếng mới gọi là ‘tò he’ hay ‘tò te’ mà thôi…

Con tò te Phú Xuyên, Hà Nội (trái) và con tò he Hội An, Quảng Nam (phải). (Hình: Trịnh Bách)

Con “tò he” cắm que tre rất dễ nặn. Bột cũng được đơn giản hóa trong chế biến. Cho nên con tò he que tre Phú Xuyên trở thành một thứ sản phẩm “mỳ ăn liền”, mà ngay như trẻ con thử qua là nặn được. Trong cái hay đó cũng có những việc dở. Trước hết là cái tinh xảo của con bánh chim cò cũ đã gần như bị mai một. Thứ đến là từ khi đất nước mở cửa, du lịch dễ dàng, thì con tò he cắm que tre của Việt Nam được sản xuất đại trà ở nhiều nước khác. Indonesia, Malaysia, Hồng Kông, và cả Trung Quốc hiện nay ngoài đường đã thấy nhiều quầy bầy bán con tò he que tre. Mà nơi đâu cũng quảng cáo là sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương mình, dù đề tài phần nhiều là hiện đại, và giống y như các con tò he Việt Nam hiện nay. Trong khi đó vẫn có nhiều khách du lịch, phần nhiều là người Trung Quốc, đến gạ hỏi rất chi tiết cách nặn tò he que tre từ các nghệ nhân tò he Việt Nam ở phố đi bộ Hà Nội.

Là một kẻ “hâm mộ” con giống bột Trung Thu từ thủa nhỏ, lại thêm có nghề vẽ, cho nên khi bé tôi thường phác họa lại các con giống bột mình có mỗi dịp Trung Thu. Mà vì chiều con nên song thân tôi thường mua cho tôi rất nhiều con giống, cũng như đèn Trung Thu hình con thỏ, con cá… mỗi năm. Sau này khi thấy con giống bột không còn nữa tôi vẫn đau đáu tìm cách nào để mang nó trở lại được với đời sống, vì thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt.

Con tò he cắm que tre “truyền thống” của Bắc Kinh (trái) và Đài Loan (phải). Xem con rồng bên phải thì thấy kỹ thuật cuộn mầu đa sắc mấy trăm năm của Xuân La Việt Nam nay trở thành nghệ thuật truyền thống của Đài Loan. (Hình: Trịnh Bách)

Lần đầu tiên về nước năm 1994, tôi vẫn thấy còn một, hai cô gái bầy bàn bán con giống bột Đồng Xuân vào dịp Trung Thu ở phố Hàng Mã. Các cô nói là do bà nội làm. Các con giống này vẫn theo đúng quy cách cũ, nhưng mẫu mã hơi đơn giản, và các con giống làm hơi bé so với ngày xưa. Được một vài năm thì không thấy cái bàn bán con giống bột này nữa. Các cô cho biết bà nội yếu không còn nặn được. Thật tiếc là con cháu không ai để ý học lại nghề của bà cụ, cũng giống như nhiều trường hợp của các ngành nghề thủ công truyền thống khác ở Việt Nam…

Năm 1998, tôi được gặp một em thiếu niên nặn con giống tò he ở trước nhà thờ Lớn Hà Nội. Tuy tuổi còn trẻ nhưng tay nặn của em rất khéo và vững. Hỏi thì em nói tên là Đặng Văn Hậu, quê Xuân La, Phú Xuyên. Tôi có hỏi Hậu về việc các con giống Hà Nội cổ thì em không biết lắm, và sau em về hỏi ở quê thì cũng không ai biết rõ ràng. Dù ông ngoại của Hậu là cụ Đặng Xuân Hạ, nay đã ở tuổi 90 và là một trong những lão làng cao tay nghề nặn bột nhất ở Phú Xuyên hiện giờ.

Đặng Văn Hậu 1998. (Hình: Trịnh Bách)

Hậu rất siêng năng, kiên nhẫn, có thị hiếu mỹ thuật cao, và luôn cầu tiến trong việc phát triển cái mới. Thí dụ như có lần gần Tết Nhâm Thìn 2012, chúng tôi có bàn nhau về việc nặn “tò he” con rồng cho đúng cách. Bạn đi cùng với tôi hôm đó, Phạm Tuấn Mạnh, có nêu ý là nên làm con rồng đuôi nở hậu của nhà Nguyễn, và nên làm cả cặp, tức là cả long thăng long giáng. Khi chúng tôi hướng dẫn, Hậu thao tác được ngay trong lần thử đầu, và mẫu con rồng này từ ngay sau đó được phổ biến rộng rãi cho đến giờ, dù, như mọi thứ khác, con rồng ấy hiện nay đã bị đơn giản hóa tối đa. Rồi gần đây khi thử nặn các con nghê hý châu, sư tử hý cầu theo kiểu Phố Khách rất khó, anh chàng cũng vượt qua như bỡn. Khả năng của Hậu là như thế. Và Hậu cũng đã cố gắng động viên các cụ ở quê quay lại được với các ‘con tròn con bệt’ cổ.

Con tròn và con bệt Phú Xuyên. (Hình: Trịnh Bách)

Trong khi đó, bao năm nay chúng tôi vẫn để ý dò la tìm hiểu về con giống bột Hà Nội cũ. Các cụ đều mất cả rồi. Nhưng cơ may gần đây chúng tôi tìm gặp được bà Phạm Nguyệt Ánh ở khu Cổng Hậu, Trung Hòa, Hà Nội. Trước kia bà Ánh ở Đồng Xuân. Bà Ánh năm nay tuổi cũng gần 70, và có lẽ là người nặn con giống bột Đồng Xuân cuối cùng ở Hà Nội. Tay nghề bà Ánh rất cao. Bà lại học được một ít nghề của trường phái con giống Phố Khách, với bộ dụng cụ truyền thống mà một người Hoa trao lại cho thân mẫu bà trước khi ông rời Việt Nam lúc cuối thập niên 1970. Những con cá vàng kẹp vẩy vân, mâm ngũ quả, hay con cua, đôi hài của bà Nguyệt Ánh sẽ làm cho bất cứ ai khi còn bé đã được chơi con giống bột Trung Thu Việt Nam cũng phải tràn đầy xúc động với hoài niệm.

Cũng như các nghệ nhân nặn con giống Trung Thu cổ, bà Nguyệt Ánh khi trước chỉ nặn con giống khi rảnh rỗi, vì bà là công chức, và đã có thời gian du học ngoại quốc. Chỉ từ khi hưu trí bà mới có rộng thì giờ hơn cho con giống bột. Bà Ánh rất rộng lòng và thật tâm trong việc chỉ dẫn và huấn luyện cho chúng tôi, kỹ lưỡng từ việc pha bột cho đến giai đoạn quang dầu. Thậm chí bà còn tặng cho chúng tôi một bộ dụng cụ để làm con giống phố khách. Chỗ nào quên hay thiếu sót thì chúng tôi cùng luận bàn và học hỏi lại với nhau, giữa tay nghề của bà Nguyệt Ánh, của Đặng Văn Hậu và ký ức của chúng tôi. Nhân đó Hậu lại có sáng kiến trộn một vài loại keo vào bột để giúp cho con giống và mầu sắc có thể tồn tại gần lâu như đồ gốm sứ và không bị mốc.

Bà Phạm Nguyệt Ánh. (Hình: Trịnh Bách)

Chúng tôi họp nhau lại và hỗ trợ cho nhau để rồi hiện nay các trường phái con giống Đồng Xuân, phố Khách, Xuân La, và Huế đều đã được phục hồi lại gần như đầy đủ. Qua những con nghê hý châu, sư tử hý cầu, con cá vàng, bộ lục súc, v.v., không gian văn hóa Trung Thu của Hà Nội xưa, với những Đồng Lạc, Đồng Xuân, Phố Khách, Đông Hưng Viên, Chính Thái… như quay về hiển hiện trước mắt.

Một vài con giống Đồng Xuân tiêu biểu của bà Phạm Nguyệt Ánh. (Hình: Trịnh Bách)

Con chuột bạch Đồng Xuân đầu thế kỷ 20 từ ảnh của EFEO (trái) và theo phong cách bà Nguyệt Ánh ngày nay (phải).

Con giống hoa quả Đồng Xuân đầu thế kỷ 20 từ ảnh của EFEO (trái) và ngày nay của của bà Nguyệt Ánh (phải).


Ngoài việc mở các khóa huấn luyện nặn con tò he cắm que tre, Đặng Văn Hậu cũng đang huấn luyện một lớp các học viên trẻ chuyên nặn lại các con giống bột Hà Nội cũ. Sản phẩm của các em đã sẵn sàng để ra mắt quần chúng trong dịp tết Trung Thu 2017.

LỤC SÚC TRANH CÔNG (trích)

Lý Văn Phức dịch

Truyện thơ ‘Lục súc tranh công’ tương truyền là của Vua Minh Mạng đặt ra để răn các quan hay ganh tỵ nhau. Cũng có người cho rằng lục súc ứng với lục bộ trong triều đình. Khi trước trích đoạn từ bài Lục súc tranh công được dậy cho học sinh lớp Sáu và lớp Bẩy. Cùng với các truyện Bích Câu kỳ ngộ, Trinh thử, Phạm Công Cúc Hoa, v.v. Nhưng mỗi năm gần đến Trung Thu các thầy cô từ lớp Ba cũng đem Lục súc ra kể sơ cho học trò, như một tích vui, ngộ nghĩnh. Và các con giống bột lục súc thường được đem ra làm minh họa.

Bộ con giống bột Lục súc theo phong cách Đồng Xuân. (Hình: Trịnh Bách)

Lời tựa

Trời hóa sinh muôn vật,
Đất dong dưỡng mọi loài.
Giống nào là giống chẳng có tài,
Người đâu dễ không nhờ cậy vật.
Long chức quản bổ thiên, dục nhật (1),
Lân quyền tư giúp thánh, phò thần (2).
Quy thông hay thành bại, kiết hung (3),
Phụng lầu (4) biết thạnh suy, bỉ thái.
Trong trời đất ba ngàn thế giới,
Đều xưng rằng tứ vật chí linh.
Nhẫn đến (5) loài lục súc hy sinh,
Trời cho xuống hộ người dương thế.

  1. Bổ thiên, dục nhật: Giúp trời, tắm mặt trời. Rồng làm mưa sau hạn hán, như vậy là giúp trời. Sau mưa trời lại nắng, đấy là tắm trời. Đây cũng có ý là vua.
  2. Đời thái bình kỳ lân mới xuất hiện được xem như giúp thần thánh trị nước, giống như các quan giỏi phò vua.
  3. Ngày xưa dùng mai rùa để bói cho biết thành bại, tốt xấu.
  4. Lầu: Lầu thông, tức là biết rõ.
  5. Nhẫn đến: Cho đến.

Trâu

Trâu mỏi mệt, trâu liền than thở:
"Một mình trâu ghe (1) nỗi gian nan,
Lóng (2) canh gà vừa mới gáy ran,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Đưa trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng lót lòng.
Chợt thoắt đã rạng đông;
Vừa đến buổi cày bừa bua việc (3).
Trước cổ đã mang hai niệt,
Sau đuôi thêm kéo một cầy;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét mắng ngược xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt bước khôn dời bước…

  1. Ghe: Gánh vác, gánh chịu.
  2. Lóng: Lắng nghe.
  3. Bua việc: Công việc.

Ngựa

Ngựa nghe nói, bầm gan, tím phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai:
"Ớ này này ta bảo chúng bay,
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa.
Tuy rằng thú, cũng bao giống thú,
Thú như ta ai dám phen lê (1)
Ta đã từng đi quán về quê,
Đã ghe trận đánh nam dẹp bắc.
Mỏi gối nâng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công.
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề loan giá,
Ông Cao tổ (2) năm năm thượng mã,
Mà dựng nên cơ nghiệp Lưu gia (3),
Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
Bởi cậy có Thanh long, Xích thố (4)…

  1. Phen Lê: So bì
  2. Cao Tổ: Hán Cao Tổ tức Lưu Bang (202-195 TCN), người lập ra triều Tây Hán.
  3. Lưu gia: Nhà Hán.
  4. Thanh Long, Xích Thố: Thanh long đao và con ngựa sắc đỏ của Quan Công.

Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,
Đây cũng không mượn ngựa nối thêm.
Ngàn dặm trường mặt ngựa khoe êm.
Ba gò sỏi (1) dê đà xong việc.
Việc dê thì dê biết,
Việc ngựa thì ngựa hay
Bừa cày có thú bừa cày,
Kiệu tế (2) có muông (3) kiệu tế,
Dê vốn thật thuộc về việc lễ,
Để hòng khi về hạng tư văn (4);
Để dành khi tế thánh tế thần,
Lại có thủa kỳ yên kỳ phước (5).
Hễ có việc lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau…

  1. Gò sỏi: Núi đá
  2. Kiệu tế: Chạy nước kiệu.
  3. Muông: Trong ngữ cảnh này là các loại thú vật
  4. Tư văn: Hội của các nhà Nho thờ Khổng Tử.
  5. Kỳ Yên, Kỳ phước: Cầu an, cầu phúc.

Gà nghe nói nóng gan, nóng phổi.
Liền nhảy ra chớp cánh, giương đầu.
Này này! gà ngũ đức thẳm sâu:
Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
Trên đầu đội văn quan một mũ,
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Đã ghe phen đến chốn chiến trường,
Lập công trận vang tai, chói óc.
Thủa Tây Lũng (1) tam canh trống thúc
Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì (2)
Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương (3)
Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc (4)
Đã cứu nạn Mạnh Thường (5) đặng thoát;
Lại khuyên người Tấn sỹ (6) năm canh.
Hễ ai toan cải dữ về lành,
Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp…

  1. Tây Lũng: Trận chiến giữa quân Hán và quân Ngụy Tào ở Cam Túc
  2. Thiên nhật tác thì: Thì giờ của một ngày Trời bắt đầu
  3. Quốc tộ tác thương: Đất nước (ngôi vua) thịnh vượng lâu bền
  4. Nhân gian tác lạc: Người dân bắt đầu yên vui
  5. Mạnh Thường: Mạnh Thường Quân người thời Chiến Quốc (475 TCN đến 221 TCN) chạy nạn đến cửa ải thì cửa còn đóng. Bèn cho người giả tiếng gà gáy khiến lính canh tưởng trời đã sáng cho nên mở cửa ải. Nhờ thế Mạnh Thường Quân chạy thoát
  6. Tấn sỹ: Tiến sỹ

Chó

Muông (1) nghe nói, giận đau phế phổi,
Liền chạy ra sủa mắng vang tai:
"Trời đã sinh các hữu kỳ tài (2),
Lớn việc nặng bé thì việc nhẹ.
Bởi vì đó lớn vai, lớn vế,
Thì chuyên lo nông bổn bừa cầy,
Vốn như đây ốm yếu chân tay,
Cũng hết sức gia trung xem xét.
Trách sao khéo thổi lông tìm vết ?
Giận thày lay vạch lá tìm sâu.
Ai ai đều thủ phận như nhau ;
Khắng khắng (3) cũng một lòng phò chủ.
Kẻ đầu kia, người việc nọ,
Đứa coi ngoài có đứa giữ trong.
Đêm năm canh con mắt như chong:
Đứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh…

  1. Muông: Ở đây nghĩa là chó
  2. Các hữu kỳ tài: Mỗi giống vật có một tài riêng
  3. Khắng khắng: Khăng khăng, khẳng định

Lợn

Như các chú lao đao đã đáng,
Heo thong dong ăn nhảy mặc heo.
Nội trong lục súc với nhau,
Ai sánh đặng mình heo béo tốt ?
Vua ngự lễ Nam giao đại đột (1),
Phải có heo mới gọi tam sanh (2),
Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
Kìa những việc hôn nhân giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi tận oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trơn trải…

  1. Đại đột: Lớn lao
  2. Tam sanh: Ba con vật để hiến tế: Trâu, Dê, Lợn

Hình ảnh tham khảo:

Hai vợ chồng cụ Đặng Đình Quản (78 tuổi) và Đào Thị Sáp, ở Xuân La nặn các con tròn, con bệt truyền thống. (Hình: Trịnh Bách)

Cụ Sáp giã gạo tẻ để làm bánh chim cò. (Hình: Trịnh Bách)

Cụ Quản sửa soạn đế nứa cho các con tròn. (Hình: Trịnh Bách)

Vợ chồng cụ Giền và cụ Giáp, xấp xỉ 80 tuổi, ở Phú Xuyên đang phơi con bánh dong. (Hình: Trịnh Bách)

Bánh chim cò bột dong Phú Xuyên. (Hình: Trịnh Bách)

Mệ Hồ Thị Tầm, 68 tuổi, Phú Lương, Huế. (Hình: Trịnh Bách)

Con bột lọc Phú Lương trước khi hấp. (Hình: Trịnh Bách)

Mệ Trần Thị Phương, Phú Vang, Huế, đang hấp con bột lọc. (Hình: Trịnh Bách)

Cụ Dương Thị Dao, 80 tuổi, Hội An, Quảng Nam, làm và bán tò he đất nung. (Hình: Trịnh Bách)

Đĩa con giống bột Đồng Xuân của cụ Thịnh Hàng Mã 1997. (Hình: Trịnh Bách)